Mang trong mình đôi mắt màu xanh đẹp tựa thiên thần, nhưng bé Gia Anh chưa từng một lần nhìn thấy ánh sáng của…mặt trời.
6 tháng tuổi, Gia Anh bụ bẫm, đáng yêu và lém lỉnh như bao đứa trẻ khác. Chỉ có điều, đôi mắt của bé ngày một long lanh, xanh biếc và đang dần đục vì căn bệnh Glocom bẩm sinh.
Đôi mắt của bé ngày một long lanh, xanh biếc và đang dần đục vì căn bệnh Glocom bẩm sinh
Chị Thy (23 tuổi, mẹ bé) tâm sự: “Gia Anh là đứa con duy nhất của vợ chồng mình sau 4 năm dài chờ đợi. Khi con được 7 ngày tuổi, mình thấy đôi mắt ánh lên nhiều màu sắc, ôm con đi hỏi bác sĩ thì mới biết bị bệnh Glocom bẩm sinh. Hai vợ chồng chết lặng, cố gắng đưa con xuống Sài Gòn chạy chữa khắp nơi nhưng các bác sĩ đều lắc đầu”.
5 tháng sau, vợ chồng chị Thy đưa con ra Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội) khám với hi vọng có thể tìm lại ánh sáng cho đôi mắt con. Do cận Tết Nguyên đán, bác sĩ đã hẹn chị qua Mồng 10 quay lại tái khám, kiểm tra kỹ hơn.
Về nhà, vợ chồng chị chạy vạy khắp nơi chuẩn bị “hành trang” cho chuyến ngược ra Bắc sắp tới. Đúng lịch, chị Thy đưa bé Gia Anh quay trở lại Hà Nội tái khám cùng ước muốn phép màu đến bên con. Nhưng lần này cũng không ngoại lệ, bác sĩ kết luận bệnh của bé không thể chữa khỏi.
Gia An là đứa con duy nhất của vợ chồng mình sau 4 năm dài chờ đợi
“Bác sĩ từ chối, mình đã òa khóc và gục ngã ngay tại phòng bệnh. Mình không dám tin vào việc con trai có thể không thấy ánh sáng, không bao giờ biết mặt cha mẹ, ông bà. Hễ thấy con nằm ngủ ngoan, mình lại ứa nước mắt rồi trách bản thân vô dụng không thể tìm thấy ánh sáng cho con”, chị nghẹn ngào.
Không chịu “thua cuộc”, chị Thy đã lên mạng tìm hiểu các thông tin liên quan đến bệnh Glocom ở trẻ em và cách chữa trị. Sau đó, chị biết được thông tin bệnh viện bên Singapore có thể điều trị được căn bệnh của bé Gia Anh. Chị đã nhờ người làm giúp hồ sơ gửi qua bên đó nhờ sự giúp đỡ.
6 tháng tuổi, Gia Anh bụ bẫm, đáng yêu và lém lỉnh như bao đứa trẻ khác
Anh Ngọc (31 tuổi) – bố bé Gia Anh cho biết cả gia đình giờ chỉ mong có một phép màu diệu kỳ xảy ra đến với con, dù khó khăn đến mấy cũng chấp nhận. “Nhìn thằng bé, tôi lại không kìm nổi lòng. Bao nhiêu tình yêu, vợ chồng tôi đều dành hết cho con.
Dù không nhìn thấy gì, nhưng con thông minh lắm. Con biết nhận thức mọi thứ, đặc biệt cứ thấy mẹ khóc là cũng khóc theo. Chỉ cần còn sống, dù là hi vọng nhỏ nhất tôi vẫn quyết tâm giúp con nhìn thấy ánh sáng”, anh Ngọc nói.
Hiện tại, vợ chồng chị Thy đã đưa bé Gia Anh qua Singapore điều trị được 5 ngày. Theo lịch trình, các bác sĩ tại đây sẽ thăm khám và phẫu thuật nhãn áp cho bé.
Hễ thấy con nằm ngủ ngoan, chị Thy lại ứa nước mắt rồi trách bản thân vô dụng không thể tìm thấy ánh sáng cho con
Chưa thể cảm nhận hết nỗi đau bản thân đang gánh chịu, bé Gia Anh vẫn lớn lên từng ngày trong sự yêu thương đầy nước mắt của bố mẹ. Còn với vợ chồng chị Thy, mong muốn tìm lại ánh sáng cho con như một hành trình dài không thấy đích đến. Dẫu vậy, người mẹ trẻ ấy vẫn quyết tâm đến cùng tìm ánh sáng cho con.
Theo Bs. Bạch Quốc Nam, Bệnh viện Mắt Hà Nội, Glocom bẩm sinh là một bệnh cảnh hiếm ở trẻ em, cứ 25.000 trẻ mới sinh sẽ có một trường hợp mắc phải. Bệnh thường gặp trong giai đoạn trẻ 1 tháng đến 2 năm tuổi và thường ở hai mắt. Đặc biệt, 80% các trường hợp glocom bẩm sinh xảy ra ở bé trai, chỉ có 20% là ở bé gái. Có thể nhận biết bệnh Glocom khi thấy mắt trẻ to ra hơi khác thường, mắt không trong suốt, trẻ sợ ánh sáng, nheo mắt khi ra nắng, chảy nước mắt sống. Nếu bệnh xảy ra ở một mắt, có thể thấy sự khác biệt rõ rệt về màu sắc và kích thước giữa hai mắt: mắt to và màu xanh thường là mắt bệnh. Khi phát hiện các dấu hiệu này phải đưa trẻ đi khám mắt ngay. Về nguyên nhân gây bệnh Glocom bẩm sinh có thể do yếu tố di truyền từ gia đình hoặc do những bất thường trong quá trình người mẹ mang thai. Bs. Nam cho biết trẻ mắc bệnh Glocom bẩm sinh có nguy cơ mù lòa rất lớn, hoặc có thể được chữa trị kịp thời thì trẻ cũng mắc rất nhiều các tật dị mắt. Điều trị Glocom bẩm sinh chủ yếu là phẫu thuật. Hiện nay có nhiều phương pháp phẫu thuật nhưng các phương pháp chỉ điều trị có hiệu quả cao khi bệnh được phát hiện và điều trị sớm. Bên cạnh đó thuốc điều trị hạ nhãn áp có thể được sử dụng trong thời gian chuẩn bị phẫu thuật hoặc giữa các lần phẫu thuật. |