Lá của loại cây dại này có hương vị độc lạ, làm thành món ngon nổi tiếng ở Phú Yên, từng đoạt “Chiếc Thìa Vàng” khu vực Nam Trung bộ năm 2013.
Ở Phú Yên có một loại lá làm thành gia vị cực kỳ nổi tiếng mà không phải ai cũng có cơ hội được một lần thưởng thức, đó là lá dít. Những món ăn làm từ loại lá này đều có hương vị vô cùng đặc biệt, khó lẫn vào đâu được.
Theo tìm hiểu, cây dít thường mọc dại ở vùng miền núi Việt Nam, đây là cây bụi leo có gai, lá kép hình tựa như lông chim sẻ, chúng mọc so le gồm năm lá chét nguyên. Khí hậu ở Phú Yên mát mẻ, rất phù hợp để cây dít phát triển. Cây dít khá gầy, cây nào to lắm cũng chỉ to bằng ngón chân cái của người trưởng thành. Thân cây cao nhất khoảng 50cm nhưng có nhiều cành, lá có màu xanh vàng.
Người dân Phú Yên từ xưa đã sử dụng cây dít để làm hàng rào vì chúng có gai. Lâu dần, một số người dân địa phương sử dụng lá dít để chế biến món ăn vì chúng có vị chua rất riêng. Cụ thể, lá dít có vị chua thanh nhẹ, nhẹ hơn cả lá giang. Khi nấu ăn thì có mùi thơm thoang thoảng như mùi măng cụt chín. Lá dít trông khá giống với lá trà xanh nhưng thon nhỏ hơn, mặt dưới lá phơn phớt tím, trội vị chát. Khi dung hòa vào canh, nó còn thoang thoảng một hương thơm lạ, khá giống với mùi thơm của trái măng cụt chín.
Nổi tiếng nhất ở Phú Yên phải kể tới canh gà lá dít. Món ăn này rất phổ biến trong mâm cơm hằng ngày của người dân. Ngoài ra, canh chua lá dít nấu thịt gà còn là món ăn đặc sắc trong những mâm cỗ vào dịp giỗ, tết... Tiếp nối, nhiều phiên bản canh lá dít khác cũng được biết đến như: nấu với ếch đồng, cá lạc biển, các loại hải sản…
Theo người dân địa phương, để nấu thành công món thịt gà nấu lá dít cũng phải có bí quyết riêng. Thịt gà được chặt nhỏ ướp với ít nước mắm. Để cho nồi canh chua thơm ngon, nên khử một ít dầu thực vật, nếu lấy mỡ gà khử lại càng ngon hơn. Khi trên bếp lửa nồi thịt đã sôi, săn lại và bốc mùi thơm, ta thêm nước sôi vừa đủ lượng dùng. Nước sôi đều khoảng 10 phút, thịt gà đã chín, thì dùng tay vò sơ phần lá dít đã được chuẩn bị cho vào nồi nước đang sôi rồi tắt lửa ngay, nêm ít muối với bột ngọt. Chỉ đơn giản vậy thôi mà đã có một nồi canh chua tuyệt vời.
Ngoài ra, dân địa phương thường nấu canh này với măng tươi (măng le, măng tre mỡ…), cùng 3 – 5 trái ớt chim gieo hoặc ớt xiêm xanh giã giập, thêm chén sả tươi bằm, mớ lá é trắng cùng vài nắm lá giang.
Năm 2013, món canh chua lá dít nấu thịt gà đạt giải nhất cuộc thi sơ kết “Chiếc Thìa Vàng” khu vực Nam Trung bộ, lá dít đã lọt vào nhóm gia vị độc đáo của của Phú Yên, năm 2013 (cùng với muối kiến vàng, lá é…). Từ đó, lá dít được biết tới nhiều hơn.
Nhiều người ở Phú Yên đã mang cây dít về trồng ở vườn nhà, dành để nấu những món ngon đã khách quý. Tuy nhiên, lá dít trồng ở vườn phần nào giảm đi vị thơm đặc trưng và nảy mầm chậm ở ở rừng.
Những năm gần đây, nhiều người dân ở Phú Yên đã vào rừng tìm cây lá dít, hái lá và đọt non về bán cho các nhà hàng, quán ăn để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, cây lá dít cũng không có nhiều như các loại rau rừng khác.