Loại rau này là đặc sản ở biển, chúng mọc ở trên các ghềnh đá, có giá tới 800.000 đồng/kg.
Ở các vùng biển đảo Phú Quý, Phú Quốc, Kiên Giang… có một loại rau mọc dại ở trên đá, được ví như "lộc trời ban" cho người dân miền biển, đó là rau đá biển. Không cần trồng, không cần chăm sóc, thứ rau dại này vẫn mang lại thu nhập quanh năm cho nhiều người.
Về đặc điểm nhận dạng, rau đá biển có thân nhỏ như sợi chỉ, màu nâu tím, mọc thành từng tảng lớn bám chặt vào mặt đá, nhìn từ xa khá giống chân con vịt. Bởi vậy, nó còn có tên gọi khác là rau câu chân vịt.
Rau đá biển được ví như "lộc trời ban" cho người dân ở các vùng biển Phú Quý, Phú Quốc, Kiên Giang….Không chỉ giòn ngon, lạ miệng, rau đá biển còn tốt cho sức khỏe nên rất được ưa chuộng
Theo các nghiên cứu, không chỉ ngon miệng, rau đá biển còn có nhiều lợi ích với sức khỏe: Giảm thiếu máu; chống lại sự thiếu hụt sắt, ổn định tế bào hồng cầu máu; ổn định năng lượng; cải thiện tuyến giáp; trị liệu chức năng thần kinh và tăng khả năng phục hồi sức khỏe; thanh nhiệt giải độc cơ thể...
Nếu như trước đây, rau đá biển chỉ xuất hiện trong bữa cơm dân dã của người dân, thì những năm gần đây chúng "lên đời" thành đặc sản nổi tiếng, được bán đi khắp nơi.
Trên chợ mạng và các của hàng bán đặc sản biển, rau đá biển khô có giá từ 600.000-800.000 đồng/kg. Người dân địa phương cho biết phải 4-5kg rau đá biển tươi mới làm thành 1kg rau đá biển khô.
Từ rau đá có thể làm thành nhiều món hấp dẫn, mấy năm gần đây người dân thành phố tìm mua về thưởng thức
Từ rau đá biển có thể làm thành nhiều món hấp dẫn như: Chè rau đá biển, canh rau đá biển, mứt rau đá biển, thạch rau đá biển, gỏi tôm thịt...
Anh Ninh (ở Phú Quý, Bình Thuận) chia sẻ, rau đó biển mọc quanh năm ở trên đá, hốc đá và rạn san hô, chúng bám chặt vào mặt đá. Phải những người có kinh nghiệm mới biết được chỗ nào có nhiều rau đá biển.
Rau đá biển có quanh năm nhưng việc thu hái cũng gặp nhiều khó khăn, số lượng không nhiều nên giá đội cao lên
Việc thu hoạch thứ "lộc trời" này cũng không hề đơn giản khi phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, đặc biệt dễ bị trượt chân va đầu vào đá nếu bất cẩn, bị trầy chân chảy máu do đá quá trơn.
"Sau khi khai thác từ biển, rau đá biển được làm sạch sạn đá, không sử dụng chất bảo quản hay tẩy trắng, phơi khô và bán cho thương lái hoặc bán trực tiếp vào đất liền. So với trước đây, người tiêu dùng hiện nay tiêu thụ rau đá biển rất nhiều nên giá cũng tăng cao hơn", anh Ninh nói.
Chị Minh (ở xã Long Hải, huyện Phú Quý, Bình Thuận) cho biết đến mùa, mỗi ngày trung bình chị thu hái được 5 kg rau đá biển tươi, dùng muỗng làm dụng cụ thu hái rong. "Từ bé tôi đã theo bà theo mẹ đi hái rau đá biển về ăn. Bây giờ thì hái về bán. Tôi thuộc lòng từng bãi đá, nơi nào có rong gì, nhiều hay ít ở vùng biển này", chị Minh cho hay.
Khoảng hơn 10 năm về trước thu hoạch rau đá biển được nhiều, nhưng giá bán rất thấp, chỉ vài chục nghìn đồng mỗi cân rau đá biển khô. Thời gian gần đây, giá rau tăng cao nhưng số lượng thu hoạch chỉ bằng 1/3 so với trước.