PGS.TS Đồng Văn Hệ cho biết các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức vừa thực hiện thành công một trường hợp bệnh nhân bị phình động mạch cảnh hiếm gặp.
Ca bệnh hiếm gặp phẫu thuật suốt 12 giờ
PGS Đồng Văn Hệ - Giám đốc trung tâm Phẫu thuật Thần kinh Bệnh viện Việt Đức cho biết bệnh nhân mắc căn bệnh rất hiếm gặp là một bé trai năm nay mới 8 tuổi.
Bệnh nhân nhập viện ngày 03/6/2017 trong tình trạng bị phình động mạch cảnh trong khổng lồ, kích thước 10 x 12cm (bình thường phình động mạch cảnh trong có kích thước >1,5cm là lớn, > 2,5 cm là khổng lồ đã là rất lớn). Bởi vậy, đây là một trường hợp hiếm gặp trong y học.
Không chỉ có vậy, bệnh nhân này khi nhập viện đã mất thị lực mắt trái nhiều năm và trong vòng 1 tháng thị lực mắt phải đã giảm sút, hiện tại mắt phải chỉ nhìn đếm ngón tay.
Ngoài khối phình mạch khổng lồ của động mạch cảnh trong, bệnh nhân còn có nhiều khối phình mạch trên cơ thể phình mạch ở động mạch dưới đòn phải, ở động mạch thận trái, động mạch cánh tay phải. Nếu không được can thiệp kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong cao.
Nhận định đây là ca bệnh khó và hiếm gặp, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã mời GS. Kasumi Takizawa - Giám đốc Trung tâm ngoại thần kinh Bệnh viện Red Cross Asakikawa Nhật Bản, Chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật mạch máu thần kinh sang phẫu thuật.
Kíp phẫu thuật cho bệnh nhi bị phình động mạch cảnh trong hiếm gặp.
Ngày 8/6 ê kíp mổ 6 người do PGS.TS Đồng Văn Hệ - Giám đốc trung tâm Phẫu thuật Thần kinh, GS.Kasumi Takizawa (Nhật Bản), đã tiến hành phẫu thuật. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 12 tiếng đồng hồ. Hiện sau khi mổ xong, bệnh nhân vẫn đang điều trị hồi sức tích cực tại Khoa Hồi tỉnh 3 - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Bệnh nguy hiểm nhưng rất khó phát hiện
PGS Đồng Văn Hệ cho biết, phình động mạch cảnh là một loại dị dạng mạch được phát sinh ra do dị dạng của thành mạch máu, túi phình được hình thành do áp lực của dòng chảy. Đây là bệnh lý nguy hiểm nhưng triệu chứng thường rất mơ hồ với tỉ lệ mắc khoảng 1-2% trong cộng đồng.
Phình động mạch cảnh thường có hai cơ chế gây bệnh. Cơ chế thứ nhất, đó là gây chảy máu, tùy thuộc vào mức độ chảy máu, có thể gây ra chảy máu dưới nhện, tụ máu trong nhu mô não, chảy máu trong não thất hoặc thậm chí tụ máu dưới màng cứng và có thể gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng của bệnh nhân.
Cơ chế thứ 2 là túi phình gây hiệu ứng chèn ép các cấu trúc thần kinh mạch máu xung quanh. Điển hình như trường hợp bệnh nhi trên, khối phình mạch nằm ở hố thái dương gây chèn ép trực tiếp vào các dây thần kinh của mạch máu nền sọ và gây ra hiệu ứng khối nên bệnh nhân sẽ có các triệu chứng do tăng áp lực hộp sọ bởi khối phình mạch khổng lồ và những biểu hiện do khối phình mạch chèn ép trực tiếp vào các dây thần kinh mạch máu nền sọ.