Đáp ứng nhu cầu của các phụ huynh, dịch vụ “cò” chạy trường xuất hiện và “hét” giá vài nghìn đô (USD) cho một suất học trường trái tuyến.
“Có tiền cũng không dễ”
Sau Tết, chị Mai Anh (phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội) tất bật chuyện lo học cho cô con gái cưng sẽ vào lớp 1 năm học 2015-2016. Chị muốn con học ở trường Tiểu học Kim Liên vì “nghe nói trường đó tốt, mất tiền cũng đáng”. Để có suất học trái tuyến cho con, chị Mai Anh đã lùng sục mọi mối quan hệ và cuối cùng, gặp một “cò” chuyên chạy suất vào các trường học, tên Liên.
Áp lực học hành khiến nhiều học sinh không có thời gian nghỉ ngơi (Học sinh ngủ gật trên đường đến trường)
“Bà Liên nói, trường Kim Liên là trường “điểm”, hai năm gần đây, việc mua suất vào các trường “điểm” cũng khó khăn hơn bởi nhiều trường cũng siết các suất ngoại giao và quan trọng hơn là sĩ số các lớp cũng giảm hơn trước. Do đó, phí tầm 1.500 USD”, chị Mai Anh kể.
Hàng năm, Sở đều có văn bản về các quận, huyện căn cứ vào tình hình, số liệu điều tra học sinh đầu cấp mầm non, tiểu học, THCS để phân tuyến, tránh tình trạng chỗ thừa, chỗ thiếu và hạn chế tối đa các điểm trường nhận học sinh trái tuyến, từ đó hạn chế hiện tượng “chạy” trường”. Ông Nguyễn Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội |
Trong vai một người có con muốn xin học tại quận Hai Bà Trưng, PV Báo Giao thông được bà Liên báo giá, phí vào trường Tiểu học Lê Ngọc Hân khoảng hơn 1 nghìn USD chưa kể phí vào lớp chọn. Còn suất vào trường THCS Lê Ngọc Hân thì mềm hơn chỉ khoảng 15 triệu, hay THCS Ngô Sỹ Liên thì cỡ 1.200 USD...
Lần theo một lời rao trên mạng: “Mẹ nào muốn cho con vào trường điểm trên quận Đống Đa không?”, PV đã liên hệ với một “cò” tên M. theo số điện thoại 0932382xxx. Ngay cuộc điện thoại đầu tiên, “cò” hỏi rất kỹ càng nhà ở đâu, tại sao lại xin trái tuyến cùng với lời dặn “chưa thể nhận ngay hồ sơ và ra giá bây giờ”.
Tỏ vẻ nôn nóng với việc xin suất cho con vào lớp 1, PV tiếp tục gọi lại, tha thiết nhờ giúp. Lúc này “cò” nhiệt tình hơn, khẳng định có thể xin vào bất cứ trường nào trên địa bàn quận Đống Đa. Khi đặt vấn đề muốn cho con vào trường Tiểu học Kim Liên, “cò” ra giá 1.400 USD với lời hứa chắc nịch là vào lớp chọn. “Đấy là giá mềm nhất rồi, chứ mình khảo giá các mẹ khác thì để vào trường này thường giá là từ 1.500-2 nghìn USD”, “cò” nói.
Theo “cò” này, giá một suất trái tuyến vào trường tiểu học Cát Linh là 20 triệu; Tiểu học Quang Trung là 15 triệu; Tiểu học Bế Văn Đàn là 10-15 triệu. “Năm học trước, tôi cũng “chạy” được bốn suất vào tiểu học”, “cò” này quảng cáo.
“Làm gì có trường điểm”
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội về thực trạng phụ huynh đua nhau tìm “lớp chọn, trường điểm” để đổ xô nộp đơn xin vào.
Ông Tiến cho hay, Sở GD&ĐT Hà Nội không có quy định về “trường điểm, lớp chọn”. Trong chương trình mục tiêu từ ba năm nay, ở tất cả các trường trên địa bàn, việc chọn giáo viên, xây dựng cơ sở vật chất cho học sinh đầu cấp được chú trọng và coi là cái gốc của vấn đề. Với nội dung kiến thức chương trình tiểu học không quá khó đến mức phải đòi hỏi kỹ năng sâu, kiến thức rộng, chính vì vậy với học sinh tiểu học ưu tiên số 1 là chọn trường gần nhà nhất.
“Học gần nhà, các em được an toàn, không quá vất vả khi tham gia giao thông đường dài cùng cha mẹ, được gần gũi gia đình và có mối tương quan với địa bàn sinh sống. Các cha mẹ đừng nên chạy theo tâm lý đám đông, để rồi dẫn tới sĩ số một lớp quá đông, khiến giáo viên có giỏi đến mấy cũng không thể quán xuyến đến từng học sinh”, ông Tiến khuyến cáo.
Thầy giáo Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cũng cho rằng, việc “buôn bán suất học” đang gây những tâm lý xã hội không tốt. “Tôi thấy mặt bằng chung về chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất của các trường học tại Hà Nội khá đồng đều, các bậc cha mẹ không nên nghe đồn thổi để mất tiền chạy vào trường nọ, lớp kia.
Bên cạnh đó, các nhà trường cần xây dựng, quảng bá thương hiệu riêng bằng chất lượng dạy và học để thu hút học sinh và cần có quy định hạn chế tối đa học sinh trái tuyến. Cũng cần có sự phối hợp của chính quyền địa phương mới giải quyết dứt điểm tình trạng này”, thầy Lâm nói.