Sau hai phiên giảm mạnh vào ngày 6 và ngay 9/5, nhiều mã cổ phiếu giảm giá kịch sàn, một số giảm tới 40-60% giá trị, thấp nhất kể từ tháng 10/2020. Trước tình hình đó, nhiều chị em văn phòng đầu tư chứng khoán không tránh khỏi tâm lý lo lắng, bất an vì mất bộn tiền.
Trên các diễn đàn chứng khoán những ngày này, các nhà đầu tư liên tục than ngắn, thở dài vì thua lỗ quá nặng nề. Ngay cả những người giữ các mã cổ phiếu chất lượng, "khoẻ" trên thị trường như phân đạm, hoá chất, thuỷ sản cũng chịu cảnh "nằm sàn". Cùng chung một nỗi lo, các chị em văn phòng bao gồm cả người vừa tập tành đầu tư hay đã đầu tư lâu năm đều đang lao đao, mất ăn mất ngủ, một số người phải chịu mức thua lỗ từ 50 đến 70% tài khoản.
Tâm trạng chung của chị em khi thị trường liên tục đón nhận nhiều tin xấu.
Đứng trước những "ngã ba đường" nên bán tháo nghỉ chơi, tiếp tục gồng lỗ hay tắt app mặc kệ thị trường, Võ Thu Hà (27 tuổi, nhân viên kinh doanh) cho biết cô chưa kịp "hoàn hồn" sau khi tài khoản bay gần 65 triệu đồng chỉ sau một phiên giao dịch. Hà tham gia vào thị trường chứng khoán bằng tiền tiết kiệm và một khoản tiền góp vốn chung của bố mẹ.
Tuy thua lỗ nhưng vì không quá áp lực về mặt tài chính nên cô gái trẻ quyết định xoá app chứng khoán, tạm thời nghỉ ngơi tập trung vào công việc. "Mình vẫn để tài khoản đó nhưng dự định sẽ không giao dịch trong thời gian tới. Để xem thị trường lên xuống thế nào rồi mình mới quyết định tiếp. Bây giờ lên mạng là thấy đau đầu vì ai cũng than vãn thua lỗ", Hà tâm sự.
Xoá app nghỉ ngơi là lựa chọn của nhiều chị em để tránh bị các thông tin tiêu cực ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc.
Giống như Hà, Mai Phương (32 tuổi, nhân viên ngân hàng) cũng đã có kinh nghiệm hơn 3 năm "chinh chiến", với lần biến động thị trường này, tài khoản của cô chính thức về mức âm 45%. Nhìn số tiền lớn mất đi chỉ sau một buổi chiều, cô chỉ biết cười trừ: "Hiện tại mình chưa thế đưa ra quyết định vì đường nào cũng thua lỗ, trước mắt sẽ nghỉ đầu tư một thời gian". Tuy thua lỗ nặng nề nhưng cô gái trẻ vẫn đặt niềm tin mạnh mẽ vào sự hồi phục của thị trường nhờ vào những tín hiệu tích cực trong các phiên giao dịch gần nhất.
Đã đầu tư phải chấp nhận rủi ro là quan điểm của cô gái Thuỳ Trang (22 tuổi, sinh viên đại học), Trang đầu tư vào thị trường chứng khoán bằng tiền tích góp làm gia sư ngoại ngữ, dịch bài từ những năm cấp 3. Trang chọn chứng khoán như nhiều bạn trẻ khác thế hệ Z khác để thử sức mình với mong muốn tạo ra một nguồn thu nhập bền vững. Số tiền đầu tư không quá lớn nên khi thị trường tụt dốc, Trang vẫn giữ được tâm lý ổn định. Cô sinh viên khoa ngôn ngữ Anh coi đây là bài học về quản lý tài chính và lựa chọn phương pháp đầu tư. Trang cho biết sẽ tiếp tục quan sát, đồng thời trau dồi thêm kiến thức để tìm kiếm những cách thức đầu tư sinh lời ổn định khác.
Nhiều mã cổ phiếu giảm gần 50% so với giá mua vào ban đầu
Rất nhiều báo cáo phân tích đều khuyến nghị các nhà đầu tư đứng ngoài thị trường, hạn chế giải ngân nhưng không ít chị em tìm cách bán tháo, chấp nhận lỗ nặng để thu về khoản tiền còn lại cuối cùng. Chị Hải Minh (30 tuổi, kinh doanh thời trang) đang tính toán kế hoặc cắt lỗ dần các mã: "Tiền còn bao nhiêu thì cố gắng lấy về bấy nhiêu. Mình không còn tin tưởng vào thị trường chứng khoán nữa, bao nhiêu bỉm sữa của con mình cứ thế mà ra đi".
Chị Hải Minh được nhân viên mô giới chứng khoán đưa ra lời khuyên tiếp tục bình tĩnh để chờ thị trường hồi phục nhưng chị vẫn giữ nguyên quan điểm rút lui. "Mình là người đầu tư có chút kiến thức nên mình tự nhận thấy tình hình không ổn. Thôi bán hết cho nhà cửa yên ấm, ai cũng nói sẽ hồi nhưng mình thấy là hồi kết", chị đùa vui.
Cảm thấy nhẹ nhõm và yên bình là tâm trạng của Mỹ Duyên (26 tuổi, nhân viên văn phòng), Duyên cũng đã chính thức tạm biệt thị trường chứng khoán sau những bất ổn gần đây. Duyên nói: "Khi không phải chú tâm vào bảng điện tử xanh đỏ mỗi ngày từ thứ 2 đến thứ 6 thấy cuộc sống dễ chịu hơn. Áp lực đầu tư tài chính bằng tiền tiết kiệm rất nặng nề vì sợ mất hết. Bây giờ tuy đã lỗ vài chục triệu nhưng chấp nhận để không lún sâu hơn".
Ngoài những chị em văn phòng, bà nội trợ đầu tư chắc tay lâu năm thì không ít dân tay mơ vừa tập tành đầu tư chưa được bao lâu đã nhận về những quả đắng. Nhiều người vay tiền, cầm cố tài sản với ước mơ làm giàu từ chứng khoán. Khi thị trường biến động mạnh, họ lao đao vì nỗi lo mất bộn tiền, áp lực tài chính lại đè nặng trên vai. Bên cạnh những người đang tìm cách để thoát hàng nhanh chóng thì không ít chị em có "máu liều" cao lại đang chờ đợi thời cơ mua thêm các mã được xem là có "giá hời".
Lê Thu Thanh - Nhân viên mô giới chứng khoán của sàn V đưa ra lời khuyên: "Dù muốn thoát hàng, xoá app nghỉ chơi hay nằm yên chờ đợi thời cơ đến thì chị em cũng cần giữ tâm lý bình tĩnh, bước vào cuộc chơi với tâm thế có được có mất. Bất kỳ hình thức đầu tư nào cũng có những rủi ro không riêng gì chứng khoán. Vậy nên, cần làm chủ và kiểm soát tài chính để không rơi vào tình trạng bị động khi thị trường bất ổn".
Trong 2 năm trở lại đây, số lượng các tài khoản cá nhân mở mới tài khoản giao dịch đạt mức kỷ lục, liên tục xác lập những số liệu rất đáng chú ý. Tuy thị trường chứng khoán đang trong tình trạng khá "thảm hại" nhưng theo số liệu từ Trung tâm lưu lý chứng khoán Việt Nam, trong tháng 4 vừa qua, số tài khoản giao dịch nhà đầu tư cá nhân mở mới ghi nhận tăng thêm 232,328 tài khoản. Ghi nhận 5,2 triệu tài khoản cá nhân đang hoạt động trong thị trường chứng khoán.