Chỉ vì một viên trân châu trong hộp trà sữa mà hàng ngày cho con uống đã khiến người mẹ này vô cùng hoảng hốt.
Trà sữa là thức uống đang rất được yêu thích và vô cùng phổ biến, nhất là đối với giới trẻ hiện nay. Tuy nhiên, nó cũng là nguyên nhân gây ra không ít những chuyện oái oăm.
Chính vì được nhiều trẻ em yêu thích, có nhiều bà mẹ đã dùng trà sữa để dỗ con, nhưng lại không để ý rằng, những hạt trân châu khó tiêu có trong trà sữa có thể trở thành nguyên nhân của những bệnh nguy hiểm, như trong trường hợp dưới đây.
Cậu bé Tiểu Lâm, 8 tuổi, sống tại thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đã suýt mất mạng vì một hạt trân châu mắc kẹt trong phổi suốt nửa năm mà không ai hay.
Theo đó, trong vòng nửa năm, mẹ của Tiểu Lâm thấy con liên tục có các triệu chứng như ho, sốt cao. Ban đầu, chị cứ nghĩ chỉ là bệnh cảm cúm thông thường của trẻ nhỏ nên đã mua thuốc cho con uống. Tuy nhiên, bệnh tình của cậu bé vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm.
Cậu bé Tiểu Lâm bị ho và sốt suốt nửa năm trời.
Càng ngày sức khỏe của cậu bé lại càng yếu đi. Tiểu Lâm ho dữ dội hơn trước và liên tục sốt cao, nhưng lại không có dấu hiệu sổ mũi, chảy nước mũi như cảm cúm. Quá lo lắng cho sức khỏe của con, mẹ của Tiểu Lâm đã quyết định đưa cậu bé tới bệnh viện thành phố để kiểm tra. Tại đây, chị mới tá hỏa phát hiện ra sự thật đáng sợ.
Theo kết quả nội soi, các bác sĩ đã kết luận có một dị vật bị kẹt trong phổi của Tiểu Lâm. Và đó không gì khác chính là một hạt trân châu thường thấy trong trà sữa mà mẹ thường xuyên cho cậu bé uống.
Hạt trân châu mắc kẹt trong phổi cậu bé.
Sau đó, Tiểu Lâm đã trải qua một cuộc phẫu thuật để gắp hạt trân châu này ra khỏi cơ thể. Điều kỳ lạ là, dù bị mắc kẹt trong phổi cậu bé suốt nửa năm, hạt trân châu này không có dấu hiệu bị bào mòn đi.
Sau một thời gian điều trị và nghỉ ngơi, sức khỏe của Tiểu Lâm đã dần hồi phục. Câu chuyện của cậu bé đã trở thành bài học cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ khi chăm sóc và nuôi dưỡng con cái. Các bác sĩ cũng đưa ra lời khuyên, nên tránh cho trẻ nhỏ ăn những thức ăn có kích thước nhỏ, khó tiêu và luôn để ý tới những thay đổi bất thường bên trong cơ thể trẻ.