Bộ Y tế khẳng định, trong thời gian tới sẽ vẫn sử dụng vắc xin Quinvaxem để tiêm miễn phí cho trẻ từ 2-4 tháng tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Thời gian gần đây, vấn đề vắc xin lại nóng hơn bao giờ hết, bởi sau sự cố trẻ tử vong sau tiêm vắc xin Quinvaxem tại Nghệ An và Hải Dương, rất nhiều phụ huynh lo lắng về chất lượng loại vắc xin này.
Đặc biệt, nhiều câu hỏi đã được đặt ra đối với người đứng đầu ngành y tế nói riêng và toàn ngành y tế nói chung, đó là việc bao giờ sẽ có vắc xin dịch vụ và có thể thay thế vắc xin Quinvaxem bằng loại vắc xin khác được không?
Trao đổi về vấn đề này sáng 2/11, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, vắc xin dịch vụ mà các nước cung cấp không đủ. Thậm chí khi đi mua, nhà sẳn xuất cũng không bán. Đồng thời, Bộ trưởng Tiến cũng khẳng định, Bộ Y tế vẫn tiếp tục sử dụng vắc xin “5 trong 1” Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng trong thời gian tới.
Việt Nam sẽ tiếp tục sử dụng vắc xin Quinvaxem trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Theo Bộ trưởng Tiến, hiện loại vaccine Quinvaxem được sử dụng trên 90 quốc gia, không chỉ riêng Việt Nam nên Bộ sẽ nhanh chóng triển khai công tác tuyên truyền để người dân hiểu.
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu (Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng) cho biết, hiện tỉ lệ phản ứng sau tiêm Quinvaxem tại Việt Nam là 4,5 trẻ trên 1 triệu liều sử dụng, thấp hơn nhiều so với khuyến cáo của nhà sản xuất và WHO là 20 ca ca trên 1 triệu liều.
Về phương án thay thế vắc xin, ông Phu thông tin, nếu mua đủ vắc xin dịch vụ Infanrix hexa “6 trong 1” cho 1,7 triệu trẻ, kể cả khi đã qua đàm phán vẫn phải mất 11.900 tỷ đồng/năm, trong khi hiện tại, tổng tiền toàn bộ 10 loại vắc xin trong chương trình mở rộng mới có 300 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Phu cũng cho hay, việc thay hay không thay vắc xin không phải là vấn đề tài chính mà cần phải có bằng chứng khoa học, phải có kết luận của các nhà chuyên môn để chọn được vắc xin vừa đảm bảo an toàn, vừa hiệu quả.
Được biết, vắc xin Quinvaxem được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rông quốc gia ở Việt Nam từ tháng 6/2010 do Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) viện trợ thông qua UNICEF. Đây là vắc xin được Tổ chức Y tế thế giới tiền kiểm định về chất lượng. Hiện mỗi năm Việt Nam sử dụng khoảng 4,5 triệu liều vắc xin này để tiêm miễn phí cho trẻ từ 2 - 4 tháng tuổi.
Hiện mỗi năm Việt Nam sử dụng khoảng 4,5 triệu liều vắc-xin Quivaxem tiêm miễn phí cho trẻ từ 2 - 4 tháng tuổi.