"Những truyền ngôn trên là có và được lưu truyền, tuy không gắn liền trực tiếp với di tích... nhưng chúng ta nên trân trọng những điều của dân gian để lại”, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Ninh Giang lý giải.
Gieo mình xuống sông để minh oan
Sáng nay (15/3), xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang (Hải Dương) tiến hành khai hội đền Tranh với sự có mặt của đại diện lãnh đạo huyện, các địa phương lân cận cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương. Đây cũng là ngôi đền thờ vị thuỷ thần (con trai thứ 5 của vua Cha Bát Hải Động Đình) và được sắc phong Công hầu.
Lễ hội đền Tranh được diễn ra trong 3 ngày (15/3-17/3/2019) với nhiều hoạt động như: hát văn, các trò chơi dân gian, nghi thức lễ rước nước, tế mẫu cùng với đó nhiều trò chơi dân gian truyền thống được tái hiện.
Đại biểu và nhân dân tham dự khai hội đền Tranh năm 2019. Ảnh: Đ.Tùy
Tương truyền rằng, trước kia Quan Lớn Tuần Tranh có cảm tình với một người thiếu nữ xinh đẹp, người thiếu nữ ấy vốn là vợ lẽ của quan huyện ở địa phương nhưng cuộc sống vợ chồng không được ấm êm nên người vợ này cũng đáp lại tình cảm của ông mà không hề nói mình đã có chồng. Đến khi viên quan huyện biết chuyện liền vu oan cho ông quyến rũ vợ mình nên Quan Lớn Tuần Tranh bị mắc hàm oan và đem đày lên phía bắc (Lạng Sơn).
Tại đây, ông đã gieo mình xuống sông Kỳ Cùng để chứng minh mình vô tội và thi thể trôi dạt về nơi quê nhà. Khi gieo mình xuống sông, ông hiện thành đôi bạch xà thử lòng ông bà lão nông, sau đó được ông bà này nuôi nấng như thể con mình.
Rồi chuyện cũng đến tai quan phủ, liền bắt ông bà lão nông lên cửa công chịu tội và giết đôi rắn kia. Thương xót đôi bạch xà bị giết, vợ chồng ông lão xin thả rắn xuống dòng sông Tranh, lạ thay khi vừa thả đôi bạch xà thì chỗ đó tạo thành dòng xoáy dữ dội.
Nhiều nghi lễ , trò chơi được thực hiện trong những ngày diễn ra lễ hội. Ảnh: Đ.Tùy
Thấu hiểu nỗi khổ của người dân, cho nên từ hóa xuống dòng sông Tranh, ông giúp mọi người mỗi khi có việc phải qua đây, phù trợ làm ăn và buôn bán phát đạt. Do đó, ông được tôn là Quan Đệ Ngũ Tranh Giang Đại Vương Hoàng Hợp Tôn Thần và được người dân tôn kính thờ phụng hàng năm.
Theo chính quyền địa phương, ngoài lễ hội truyền thống vào tháng 2 âm lịch, thì hàng năm đền Tranh còn có lễ hội ngày 25/5 âm lịch (ngày Tiệc quan). Lễ hội này được bắt nguồn từ khi Quan Lớn Tuần Tranh được điều lên trấn ải ở khu biên giới phía Bắc (nay thuộc phường vĩnh Trại, TP. Lạng Sơn) và ngày 25/5 âm lịch, quan mở tiệc mời tất cả dân làng đến chung vui.
Nhiều truyền ngôn kỳ bí
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Trịnh Văn Thuần – Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm thông tin, Lễ hội đền Tranh có 2 kỳ chính trong năm (10/2 và 25/5 âm lịch), nhưng lễ hội 10/2 là lễ hội chính và trở thành truyền thống của dân làng.
Lễ hội này bắt nguồn từ tích Trần Hưng Đạo mang quân đi đánh giặc, khi đi qua đền Tranh đã dừng chân vào làm lễ và trận đánh đó, ông cùng quân sĩ giành thắng lợi lớn. Khi trở về, ông làm lễ khao quân tại ngôi đền này, từ đó nhân dân lấy ngày10/2 âm lịch làm mở hội và trước đây lễ hội được kéo dài 10 ngày.
Theo Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm, tại ngôi đền này có nhiều điều đặc biệt mà đến nay khó lí giải, những điều đó được lặp lại nhiều lần như một sự linh ứng của đền. Cụ thể, sau khi kết thúc lễ hội tháng 2, trời thường xuất hiện mưa lớn.
Còn những năm gần đây, khi chuẩn bị đến ngày mở hội thời tiết hay thất thường như: sấm, chớp, mây đen kéo đến kèm theo mưa nhỏ. Tuy nhiên, vào thời điểm tổ chức khai hội thì ngớt mưa, trời quang mây tạnh.
Đền Tranh đang có nhiều truyền ngôn kỳ bí. Ảnh: Đ.Tùy
Nói về pho tượng Thánh bằng đồng, ông Thuần thông tin, trong thời kỳ thực dân Pháp chiếm đóng Ninh Giang lần 1, quan Pháp muốn lấy pho tượng này mang về và khi di chuyển ra đến bờ sông thì dân trong làng phát hiện, sau đó kéo nhau ra đòi lại.
Lúc này viên quan liền cầm kiếm chém đứt một bên tay của pho tượng khiến bên tay rơi xuống sông không tìm thấy. Sau khi chém tay pho tượng Thánh xong, viên quan này không may bị trượt cầu tàu ngã xuống sông chết.
Thấy vậy, lính Pháp rất sợ nên khiêng pho tượng mang trả lại vị trí cũ và người dân đã thay bên tay bị chém bằng gỗ. Đến năm 1991, chính quyền địa phương khôi phục lại đền Tranh và đúc lại một bên tay bị chém bằng đồng.
Ở một câu chuyện tương tuyền khác kể rằng, cùng thời này, do đang khôi phục lại ngôi đền, nên pho tượng Thánh được mang thờ nhờ tại Đình làng (Đình cả - cách đền Tranh hiện nay khoảng 200m).
Nghi lễ lấy nước thiêng tại ngã ba sông Tranh. Ảnh: Đ.Tùy
Thời điểm này, Pháp cho lập chòi gác cao để quan sát và chòi này đặt cạnh hậu cung của Đình. Tuy nhiên, không hiểu sao, bất kỳ tên lính nào leo lên gác đều rơi xuống chết khiến quân Pháp sợ hãi và cho dỡ bỏ.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Nguyễn Thành Vạn – Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Ninh Giang cho hay, đền Tranh thờ vị thần không phải Nhân thần, cho nên nó đã chứa đựng nhiều giai thoại, dị bản khác nhau. Tuy nhiên, dù là lý giải theo cách nào thì đây là ngôi đền thiêng thu hút hàng vạn du khách mọi nơi đến lễ bái, thăm quan.
“Xét ở góc độ khoa học, lễ hội đền Tranh diễn ra vào tháng 2 âm lịch, trong khi đó thời gian này thời tiết hay mưa xuân và rất hiếm năm trời quang mây tạnh, thậm chí là vần vũ nhưng khi tổ chức thường không mưa. Tuy nhiên, trước - sau khi tổ chức lễ hội thì thời tiết đang nồm và có mưa xuân là điều không thể tránh khỏi.
Hện tại người dân Đồng Tâm và những người tìm hiểu về Quan lớn Tuần Tranh hay nhắc đến giai thoại pho tượng Thánh linh thiêng. Đó là khi giặc Pháp muốn phá Đình cả thì viên quan tây ra lệnh đã chết không rõ nguyên nhân. Từ đó, dân cho rằng viên quan kia chết là do Ngài linh ứng.
Những truyền ngôn trên là có và được lưu truyền trong dân gian, còn những truyền ngôn này không gắn liền trực tiếp với di tích nên về mặt khoa học không được thể hiện trong hồ sơ, nhưng chúng ta nên trân trọng những điều của dân gian”, ông Vạn lý giải.
Lễ vật được người dân mang đến đền Tranh trong ngày khai hội. Ảnh: Đ.Tùy
Cũng theo Trưởng phòng VHTT huyện Ninh Giang, ngoài giá trị về kiến trúc nghệ thuật đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia vào năm 2009 thì đền Tranh còn là nơi kết nối du lịch tâm linh.
Bởi lẽ, từ Đền Quan Lớn Tuần Tranh, mọi người sẽ dừng chân thưởng thức đặc sản bánh Gai, xem múa rối nước Hồng Phong, thăm quan Đền thờ Khúc Thừa Dụ (xã Kiến Quốc) và từ đây đi vãn cảnh chùa Trông (xã Hưng Long) và sang Đảo Cò (xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện).
Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm thông tin thêm, trước đây người dân ngoài Bắc vào miền trong lập nghiệp và khi đi mọi người có đến đền này lấy một ít đất mang theo. Sau khi yên ổn sinh sống, họ cho lập ngôi đền Tranh tại đó và hiện tại ngôi đền này thuộc Quận 3 (TP. Hồ Chí Minh).
"Hiện nay, trên cả nước có 3 ngôi đền Tranh thờ Quan lớn Tuần Tranh gồm: xã Đồng Tâm (huyện Ninh Giang, Hải Dương); phường Vĩnh Trại, TP. Lạng Sơn và Quận 3, TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, 2 ngôi đền kia chỉ thờ vọng còn thờ chính và lễ hội truyền thống thuộc đền Tranh (xã Đồng Tâm)", ông Thuần cho biết.
Một số hình ảnh PV Báo Gia đình & Xã hội ghi nhận tại ngày khai hội đền Tranh:
Đoàn rước được xuất phát từ đền đi lấy nước tại ngã ba sông Tranh về làm lễ
Đoàn rước lên phà để ra khu vực ngã ba sông Tranh lấy nước thiêng
Quá trình lấy nước thiêng cho giữa dòng sông Tranh, nơi phát tích về câu chuyện
Sau khi lấy được nước thiêng để về thờ trong đền và làm lễ, đoàn rước quay trở về đền Tranh tiến hành khai hội