Để bức ảnh cưới của em gái thêm trọn vẹn, anh Nguyễn Văn Công (23 tuổi, quê Nghệ An, hiện sống tại Gia Lai) đã nhắn tin cho người thợ ảnh đặc biệt, thỉnh cầu ước nguyện "có bố trong ngày trọng đại".
Cuộc "đoàn tụ gia đình" đầy xúc động qua người thợ ghép ảnh
Chúng tôi gặp anh Phùng Quang Trung (27 tuổi) dịp cuối tuần khi anh vừa từ Hải Dương ghé thăm nhà người thân ở huyện Thanh Trì, Hà Nội. Anh Trung chính là người đã ghép bức ảnh "Có bố trong ngày trọng đại" chia sẻ về người cha quá cố hiện diện trong bức ảnh ngày cưới con gái gây xúc động những ngày qua.
Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Trung kể, đêm khuya đầu tháng 4 vừa qua, khi đang làm việc, anh nhận được một tin nhắn đặc biệt qua Zalo: "Bố em mất khá lâu rồi, cả gia đình ước nguyện có tấm ảnh chung cùng bố mà chưa thực hiện được. Mong ước lớn nhất lâu nay rồi mà em chưa hoàn thành được tâm nguyện. Mong anh ghép giúp em với ạ".
Anh Phùng Quang Trung, người ghép bức ảnh "Có bố trong ngày trọng đại" thể hiện người cha quá cố hiện diện trong bức ảnh ngày cưới con gái gây xúc động những ngày qua. Ảnh: Gia Khiêm
Người nhắn tin là Nguyễn Văn Công (23 tuổi, quê Nghệ An, hiện sống tại Gia Lai). Anh Công bày tỏ nguyện vọng và gửi anh Trung một bức ảnh cưới của em gái có đầy đủ các thành viên trong gia đình cùng bức ảnh chân dung xưa cũ của người cha quá cố. Công từng nhờ một người thợ chỉnh sửa ảnh khác, hi vọng ngày vui của em gái thêm trọn vẹn khi có bố, tuy nhiên sản phẩm nhận về không được như mong muốn.
Nghe xong, anh Trung nhận được tấm ảnh cũ của người cha quá cố của anh Công. Anh hỏi thêm về hình dáng của người bố để kết nối các nhân vật thật phù hợp. Công việc của anh là tái tạo, phục chế và dựng hình.
Nguyễn Văn Công (áo trắng, ngoài cùng bên trái) nhắn tin cho anh Trung, mong muốn có một bức ảnh đầy đủ thành viên gia đình. Ảnh: NVCC
Anh Trung đã bóc tách không gian ảnh, giúp người bố đứng cạnh và nắm chặt tay vợ trong ngày trọng đại của con gái. Ảnh: NVCC
"Tôi xem qua bức ảnh hiểu được cảm giác của bạn ấy khi người thân mất mà không có ảnh. Tôi nhận lời sẽ giúp và không lấy tiền công. Khoảng 2,3 ngày sau sắp xếp công việc tôi bắt tay vào làm luôn", anh Trung kể.
Với những bức ảnh photoshop thông thường, người thợ chỉ mất khoảng 1 tiếng. Nhưng với sản phẩm lần này, anh dành nhiều tâm huyết, cùng sự tỉ mỉ và chỉn chu, kiên nhẫn từ 23h đêm đến 3h sáng hôm sau. Quá trình làm anh nghiên cứu những chi tiết nhỏ như cái nắm tay của bố mẹ, khoác tay của con gái với bố làm sao bức ảnh tình cảm, chân thật, gần gũi nhất.
"Công đoạn phục chế ảnh có chút tốn nhiều công sức bởi ảnh của bố bạn Công cũ nên phải làm sao cho nét mới đồng bộ với thực tại cũng là cả quá trình. Sau 4 tiếng hoàn thành, tôi có gửi cho Công. Công đã rất xúc động nói cảm ơn", anh Trung cho hay.
Bức ảnh cưới của bố mẹ trong ngày giỗ mẹ. Ảnh: NVCC
Sau đó, anh Trung cũng đã chia sẻ tấm ảnh lên mạng xã hội với thông điệp "Có bố trong ngày trọng đại" đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Không ít người khi nhìn thấy tấm ảnh này đã xúc động chia sẻ: "Tiếc là kỷ niệm lại chỉ còn nằm trên những tấm ánh ghép; Cuối cùng ngày trọng đại cũng đã có bố ở bên…"
"Ban đầu tôi đăng tải lên mạng chỉ nghĩ đơn thuần chia sẻ hành động, lan toả lên cộng đồng, không nghĩ cộng đồng mạng đón nhận lớn như thế. Hoàn thiện cho Công xong tôi vui mừng, xúc động.. Có người nhận bức ảnh người thân tôi gửi xong bật khóc, cảm ơn. Khi đó, tôi cũng giống như họ, mừng thay họ, đôi lúc cảm xúc rưng nước mắt", anh Trung chia sẻ.
Sau khi nhận bức ảnh hoàn chỉnh, anh Công vui buồn lẫn lộn, nhớ lại những kỷ niệm. Điều anh hối hận nhất, là lúc bố bệnh tật qua đời vào năm 2017, không thể về Nghệ An nhìn mặt ông lần cuối. Bức ảnh tuy là chỉnh sửa, nhưng giống như thật, hiện lên hình ảnh người bố nắm chặt tay vợ trong ngày vui của cô con gái. Công và những thành viên khác trong gia đình đều rất xúc động.
"Đây được xem là bức ảnh đầu tiên có đầy đủ thành viên trong gia đình, đặc biệt là bố", anh Công xúc động kể từ trước đến nay, mỗi người con đi làm một nơi, nên gia đình không có bức ảnh chụp chung nào.
Bố mẹ sinh được 5 người con, anh Công là người con thứ 3. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên năm 2016, anh vào Gia Lai lập nghiệp, kinh doanh 2 cửa hàng vịt quay công ký, kiêm bếp trưởng nhà hàng tiệc cưới.
"Đám cưới em gái ở Nghệ An, các anh chị em trong nhà đều tề tựu, nhưng tiếc là không còn bố. Mình biết ơn và gửi lời cảm ơn sâu sắc tới anh Trung rất nhiều đã giúp hoàn thành ước nguyện có bố trong ngày trọng đại của em gái", anh Công nói.
Theo anh Trung, quá trình tạo dựng bức ảnh cho gia đình anh Công được đăng tải lên mạng, anh cũng nhận một số bình luận trái chiều, tiêu cực. Có người nghĩ bức ảnh bố anh Công được anh chèn lên một người khác, tức là chèn lên một người đang ở trong ảnh. Tuy nhiên, anh cho hay thực tế không phải một số người nghĩ.
"Tôi tách hai người là mẹ và con gái ra và để bố vào giữa chứ không chèn lên ai cả. Đó là do một số nhỏ mọi người chưa hiểu công việc của mình nên mình bỏ qua, mình làm giúp nên không để ý. Sau lần đó Công liên hệ nhiều, gửi lời cảm ơn nhiều. Anh em bạn bè, hàng xóm của cậu ấy đã gửi rất nhiều vào các hội nhóm chia sẻ bức ảnh. Công vui mừng in tấm ảnh cỡ lớn treo trang trọng trong nhà", anh Trung nói.
"Nếu ai đó nhờ giúp tôi sẽ rất nhiệt tình"
Đây không phải lần đầu tiên anh Trung trổ tài ghép ảnh gây bão mạng xã hội. Anh Trung từng là thợ chỉnh sửa ảnh bất động sản và dựng phim quảng cáo, nhưng đã nghỉ việc khoảng một tháng nay. Anh chuyển sang phục chế, chỉnh sửa và in ảnh giá rẻ. Anh và vợ đều cùng nghề và chủ yếu làm việc tại nhà ở tỉnh Hải Dương.
Tiếp câu chuyện về công việc của mình, anh Trung nhớ hoàn cảnh của một bạn gái đi tìm điều ước dành tặng cho bố nhân ngày giỗ của mẹ. "Mẹ bạn ấy bị ung thư đã mất cách đây vài năm. Trước đó, bố với mẹ bạn ấy ao ước đi chụp ảnh kỷ niệm cưới nhưng căn bệnh ung thư quái ác phát triển nhanh nên chưa kịp thực hiện điều ước đó. Bố bạn ấy đi tìm nhiều người thợ, thuê họ làm tuy nhiên gia đình không ưng ý. Sau thời gian dài tìm kiếm thì họ biết và nhờ tôi.
Tấm ảnh liệt sĩ Nguyễn Thanh Hải hy sinh tại đảo Gạc Ma năm 1988 trước và sau khi được anh Trung phục dựng lại. Ảnh: NVCC
Sau khi làm in ảnh gửi về bố bạn ấy nhận rất mừng, có những giọt nước mắt đã rơi. Đó là nhiềm vui sướng của người bố nhận được tấm ảnh hai vợ chồng nhân kỷ niệm ngày cưới. Mà tấm ảnh của mẹ bạn ấy đợt bị ung thư rụng tóc. Tôi đã tái tọc phần tóc và vẽ thêm tóc để mẹ bạn ấy có tấm ảnh hoàn thiện hơn", anh nhớ lại.
Gần đây nhất, anh Trung có nhận được bức ảnh người con trai Liệt sĩ Nguyễn Thanh Hải đã hy sinh tại đảo Gạc Ma năm 1988 gửi tấm hình của cha nhờ anh chỉnh giúp.
"Bạn ấy có chia sẻ mẹ em đang bị Covid-19 rất nặng. Mong ước có tấm ảnh của bố tặng mẹ để mẹ có thêm nghị lực vượt qua căn bệnh trong lúc đang khó khăn như thế này. Đó cũng là tấm ảnh duy nhất của bố còn để lại.
Đây là tâm nguyện của mẹ và cũng là mong ước của bạn ấy bấy lâu nay. Cùng với đó bạn ấy gửi hình ảnh đang chăm mẹ tại bệnh viện. Đến bây giờ nhắc lại cảm xúc của tôi rất nghẹn ngào khi mấy hôm trước biết tin mẹ anh ấy đã không qua khỏi, rất buồn. Đó là điều tôi nghĩ mặc dù giúp được họ nhưng thực sự tiếc nuối, mỗi người số mệnh không ai nói trước. Tôi có suy nghĩ giúp được bao nhiêu người mình sẽ cố gắng giúp nhiều nhất có thể", anh Trung xúc động.
Đến bây giờ anh Trung không nhớ nổi mình đã giúp bao nhiêu người, anh cũng không bao giờ đong đếm. Có những ngày anh giúp 1,2 người bởi phục dựng ảnh mất rất nhiều thời gian nhưng có ngày giúp cả chục người.
Nguồn thu nhập chính của anh Trung hiện tại là phục dựng ảnh và kiêm thợ chụp ảnh. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp anh đã giúp và không lấy bất kỳ đồng tiền công nào. Anh cho biết, sẽ có gắng giúp được ai đến đâu anh sẽ giúp đến đó, khi nào có người nhờ sẽ sẵn sàng giúp đỡ.
"Tôi biết công việc này ý nghĩa, mang lại cảm hứng cho mọi người, nhưng không mong công việc phát triển, vì thực ra nó đang dựa trên nỗi đau của người khác. Nếu ai đó nhờ giúp tôi sẽ rất nhiệt tình, hi vọng chúng ta đều quý trọng từng khoảnh khắc được ở cạnh người thân. Chính vì vậy tôi sẽ tiếp tục làm công việc này và sẽ không bao giờ từ bỏ", anh Trung chia sẻ thêm.