Chuyện đi sinh của mẹ bầu ở điểm nóng dịch bệnh: "Rất lo lắng khi ngày dự sinh cận kề"
Trong những ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều ca F0, khoanh vùng cách ly, các mẹ bầu đang có rất nhiều băn khoăn, lo lắng.
Vỡ ối lúc 3 giờ sáng, chị Trường An (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cùng chồng lật đật chạy lên Bệnh viện Từ Dũ nhập viện. Chị An kể rằng đứa đầu chị sinh thường ở bệnh viện này rất an toàn nên muốn những đứa sau cũng được thăm khám và chào đời tại đây. Nhưng vì dịch bệnh giữa hai thành phố giáp nhau quá phức tạp, chị quyết định theo dõi những tháng cuối thai kì tại Biên Hòa và tìm cách lên Bệnh viện Từ Dũ dù chặng đường có nhiều rủi ro dịch bệnh. Sát ngày dự sinh, chị được tư vấn làm xét nghiệm COVID-19 nhanh kèm với lí do cấp cứu để "thông chốt" dễ dàng.
Khoảng 5 giờ sáng, 2 vợ chồng kịp đến Từ Dũ, với chị đó là 2 tiếng đồng hồ không thể nào quên được. “Lúc tôi phát hiện mình vỡ ối, chuẩn bị chuyển dạ, chồng đã lái xe riêng và chạy rất nhanh trên quốc lộ để kịp tới Từ Dũ. Thật ra tôi đã đắn đo nhiều lần về quyết định sinh em bé ở đâu vì lên Sài Gòn không an toàn, nhất là khi hai vợ chồng chưa tiêm vắc xin. Thế nhưng vì sự an toàn của mẹ và bé, tôi tin tưởng đội ngũ bác sĩ ở đây nhất nên đành “liều”. Trên đường đi có rất nhiều chốt, nhưng may khi công an kiểm tra có bà bầu trên xe thì họ tạo điều kiện cho qua rất nhanh, thậm chí thông báo luôn cho các chốt phía trước”, chị bồi hồi kể lại.
Chị Trường An vượt cạn thành công tại bệnh viện Từ Dũ. Bé Ken chào đời bằng phương pháp sinh thường có cân nặng 4,3kg
Đến nơi, chị được đội ngũ bác sĩ thăm khám và chuyển lên phòng chờ sinh. Vì lí do dịch bệnh, mỗi sản phụ được yêu cầu chỉ có một người thân vào thăm nom, chăm sóc và không được ra ngoài đến khi xuất viện. Chị nhớ lại, khi biết bệnh viện thông báo như vậy, chị tự nhủ cả hai phải thật an toàn để lần chuyển dạ này thành công, vì ở bên cạnh không còn người thân nào ngoài chồng của mình. “Những lần trước bên cạnh có bà ngoại, bà nội, em gái bên cạnh động viên vui vẻ biết bao nhiêu, thì lần này chỉ có mỗi hai vợ chồng chào đón niềm vui lớn này. Trộm vía em bé khỏe mạnh cho nên sau hai ngày nằm viện thì cả gia đình được về nhà”, chị nói thêm.
Sản phụ chuyển dạ trong mùa dịch phải đảm bảo mang khẩu trang trong suốt quá trình sinh
Cùng tâm trạng với chị An, chị Trần Tuyền, một sản phụ ở quận 7, TP.HCM đi sinh trước ngày Sài Gòn chuẩn bị “ai ở đâu ở yên đó”. Từ bệnh viện gọi video call về thăm ông bà, chị Tuyền kể đó là hành trình đặc biệt nhất trong cuộc đời mình. Bắt xe taxi chuyên dụng trong những trường hợp khẩn cấp, chị Tuyền gọi 1055 rồi cùng chồng lên xe đến thẳng bệnh viện Từ Dũ. “Vì tôi có giấy giới thiệu mổ chủ động của bác sĩ lấy ở phòng khám tư nhân nên khi đến bệnh viện sẽ nhanh hơn những trường hợp khác, có giấy đó sẽ được vào mổ luôn trong ngày. Trường hợp đi bình thường thì bác sĩ sẽ xem sản phụ có dấu hiệu sinh chưa mới cho nhập viện, còn không sẽ cho về nhà để theo dõi tiếp”, chị kể.
Nhớ về khoảng thời gian ở trong phòng mổ, chị hồi hộp kể: “Đi mổ lần 2 nhưng lại sợ hơn lần 1 rất nhiều. Vì dịch bệnh nên quy trình thực hiện rất nhanh và gấp rút. Tôi nhớ lúc đẻ đứa đầu, ngoài bác sĩ mổ còn có cô phụ tá, hai cô hai bên nắm tay trò chuyện động viên an ủi nên đỡ sợ. Còn bây giờ người ta bất đắc dĩ lắm mới lại mình, không ai nắm tay xoa dịu cơn đau nữa, lúc đó tôi bị hoảng, tim đập nhanh, khó thở, buồn nôn. Họ đẩy tôi vào rồi làm đúng thủ tục, hỏi tên tuổi lại cho khớp với hồ sơ xong tiến hành phẫu thuật ngay, không ai cầm tay nữa”.
Chị cho biết, sản phụ từ khi nhập viện đến lúc trong phòng sinh được yêu cầu đeo khẩu trang, không một ai thấy mặt ai. “Qua gần 1 tiếng trên bàn mổ đó, tôi thấy mình bị sốc, mọi thứ diễn ra quá nhanh, nhưng may mắn hai mẹ con đều khỏe mạnh và đang chờ ngày xuất viện”, chị tâm sự.
Nỗi lo của mẹ bầu không chỉ diễn ra trong phòng sinh, khi khắp thành phố là “vùng đỏ”, những sản phụ khác bị kẹt trong khu phong tỏa, cách ly, thậm chí là F0, cũng gặp rất nhiều khó khăn khác cho đến ngày chuyển dạ.
Chị Hoàng Thị Huỳnh sau khi phát hiện mình cùng gia đình nhà chồng là F0 ở quận Tân Phú, chị lập tức được yêu cầu đến bệnh viện Hùng Vương chờ sinh. Dự kiến sau khi em bé ra đời, nếu không nhiễm bệnh sẽ đưa về cho người nhà ở khu vực an toàn chăm sóc.
“Thế là điều không muốn nhất đã xảy đến với gia đình tôi, tôi và 3 người nhà đã nhiễm COVID-19, vì triệu chứng còn nhẹ nên hiện tại sức khỏe ổn, nhưng thật sự rất lo cho em bé khi chào đời không được ở cạnh mẹ. Tôi đã ủy quyền chăm sóc bé cho chị chồng ở quận 9, chị còn độc thân nên kinh nghiệm làm mẹ hầu như không có, phải đi xin sữa và gửi sẵn bỉm sữa em bé cho chị, nhưng giờ tình hình này không thể làm gì khác. Tôi rất lo và thương cho con của mình, đầu óc rối bời không nghĩ được gì ngoài cầu bình an”, chị rưng rưng kể.
Những thiên thần đặc biệt chào đời trong mùa dịch giã
Ngoài chị Huỳnh, chị Nguyễn Thị Hường là sản phụ dự kiến sinh vào đầu tháng 10, chị đang ở "điểm nóng" dịch bệnh là thị xã Tân Uyên, Bình Dương nên cũng rất lo lắng khi ngày dự sinh cận kề.
Chị cho biết vì dịch bệnh nên 2 vợ chồng thất nghiệp, ở nhà mấy tháng nay không có nguồn thu để trang trải chi phí sinh hoạt cho 4 người. Chị có dự tính những tháng cuối sẽ về Ninh Bình để chờ em bé ra đời, nhưng không ngờ số ca nhiễm tại Bình Dương tăng nhanh, chị ở ngay khu cách ly nên không thể về quê chồng theo dự định.
“Vậy là tôi bị kẹt lại đây luôn, gặp nhiều khó khăn về kinh tế nên đã mấy tháng không đi khám thai. May cô chủ trọ và hàng xóm có quan tâm nên thường xuyên chia sẻ đồ ăn. Nói thật giờ đến đâu tính đến nấy, đồ sinh đẻ cũng chẳng kịp chuẩn bị gì, lấy tạm đồ cũ để lo liệu cái đã”, chị chia sẻ.
Anh Hoàng Thiện (kỹ sư nhà máy nước Đồng Nai) phải trực chiến ở công ty do nơi anh sống có lệnh phong tỏa y tế toàn bộ. Thương vợ nhưng không thể bên cạnh chăm sóc những ngày bầu bí, anh Thiện chia sẻ: “Xa vợ gần 3 tháng, lại những tháng cuối nên tôi thương vợ con quá, giờ không lên thành phố sinh được như đứa đầu, tôi tính sẽ để vợ sinh ở đây để tiện chăm sóc và đảm bảo an toàn hơn, chỉ cần mẹ tròn con vuông, khó khăn mấy tôi cũng sẽ vượt qua…”.
Hiện tại, những mẹ bầu dự kiến đến ngày sinh nếu gặp khó khăn có thể liên hệ đường đến đường dây nóng 1022 nhấn phím 2 hoặc phím 3 hoặc trực tiếp gọi đến bệnh viện để được tư vấn sức khỏe online, cân bằng lại tâm lý, riêng sản phụ ở khu cách ly, phong tỏa có thể liên hệ trực tiếp đến đội phản ứng nhanh ở phường để được hỗ trợ kịp thời.
Tin liên quan
Ông là vị vua cuối cùng của thời Lê Sơ, lên ngôi trong bối cảnh đất nước suy yếu, loạn lạc khắp nơi. Dù ngồi ngai vàng 5 năm nhưng ông thực...
Tin bài cùng chủ đề Chuẩn bị đồ và tâm lí
Nhiều mẹ bầu thường đùa nhau về thứ tự xếp hạng những thứ cần mang theo khi vượt cạn. Và top 1 trong số những điều đó ai cũng phải bật cười vì đúng là chân ái.