Chuyện ít biết về cô gái vàng điền kinh đi phụ hồ để chạm đến giấc mơ

Ngày 07/03/2019 08:20 AM (GMT+7)

Trước khi chạm tay vào tấm Huy chương Vàng (HCV) lịch sử cho điền kinh Việt Nam tại Asiad 2018, vận động viên điền kinh Bùi Thị Thu Thảo từng bươn chải, làm lụng đủ việc nặng nhọc để phụ giúp gia đình. Từng có thời gian vì cuộc sống quá khó khăn, cô phải gác lại đam mê để đi làm thợ xây, phụ hồ...

Nghỉ tập, đi làm thuê kiếm tiền chăm sóc bố bị bệnh

Tạp chí Forbes Việt Nam vừa công bố danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019. Trong lĩnh vực thể thao, cái tên Bùi Thị Thu Thảo (vận động viên điền kinh, bộ môn nhảy xa) nhanh chóng nhận được sự quan tâm của nhiều người. Trước đó vào tháng 12/2018, chủ nhân của chiếc HCV đầu tiên của điền kinh trong lịch sử Đại hội Thể thao châu Á cũng giành chiến thắng với danh hiệu vận động viên tiêu biểu toàn quốc, vượt qua cả Quả bóng vàng Việt Nam Nguyễn Quang Hải.

Thảo cũng là nguồn cảm hứng tích cực về tinh thần vượt khó cho vùng quê Đồng Thái (huyện Ba Vì, Hà Nội). Sống trong cảnh nghèo khó, đam mê và ước mơ về cuộc sống tươi mới đã thôi thúc cô gái sinh năm 1992 mạnh dạn tìm cho mình một con đường đi riêng – đến với thể thao.

Chuyện ít biết về cô gái vàng điền kinh đi phụ hồ để chạm đến giấc mơ - 1

Vợ chồng Bùi Thị Thu Thảo (ảnh gia đình cung cấp).

Trò chuyện với PV Báo Gia đình và Xã hội, ông Bùi Xuân Đức (55 tuổi) và bà Phùng Thị Mộc (57 tuổi) – bố mẹ của vận động viên Bùi Thị Thu Thảo hoàn toàn tỏ ra bất ngờ khi nhận được thông tin con gái mình nằm trong danh sách những phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam.

Thảo là con út trong gia đình nghèo có ba anh em. Ngay từ thưở nhỏ, cô đã sớm bộc lộ năng khiếu và niềm đam mê mãnh liệt dành cho thể thao. Qua lời kể của người mẹ, con đường để trở thành vận động viên điền kinh chuyên nghiệp của Thảo thật tình cờ nhưng cũng đầy gian nan thử thách.

“Từ hồi mới 4-5 tuổi, Thảo đã được bố dẫn ra ao cá sau nhà học bơi cùng các anh trai. Quá ngạc nhiên khi chỉ sau vài buổi tập, khả năng bơi lội của Thảo còn thành thạo hơn cả các anh. Niềm đam mê bơi lội khiến Thảo cứ chiều chiều đi học về là lại ra ao cá sau nhà bơi. Có hôm đi cắt cỏ cho bò, Thảo cũng nhanh nhanh chóng chóng về cho kịp giờ bơi trước khi mặt trời tắt nắng”, bà Mộc nhớ lại.

Với tài năng thiên phú, từ năm 12 tuổi, Bùi Thị Thu Thảo được tuyển vào đội bơi lội của trường, sau đó giành giải Nhất cuộc thi bơi lội cấp huyện. Sau đó Thảo được tuyển chọn vào trường THCS Lê Hồng Phong (Hà Đông, Hà Nội) để tiện cho việc tập luyện thể thao.

Lo lắng, chán nản, Thảo từng bỏ nghề đi làm phụ hồ, rồi thợ xây để có thể chăm sóc bố lúc bị bệnh (bố Thảo bị thấp khớp đã gần 20 năm nay). Nhưng được sự động viên của các huấn luyện viên cũng như sự tiếp sức của người bố, Thảo lại tiếp tục tham gia luyện tập, thi đấu. Ngày ấy, HLV trưởng Đội tuyển điền kinh Hà Tây Nguyễn Trọng Hổ đánh giá đúng sở trường và chuyển Thảo sang tập nhảy xa. Đây là một trong những bước ngoặt quan trọng nhất để có Thảo như hiện tại. Đến năm 18 tuổi, cô thi đậu vào trường Học viện Thể dục - thể thao Từ Sơn (Bắc Ninh).

“Không chỉ đam mê với bơi lội, Thảo còn xuất sắc trong rất nhiều môn thể thao khác như đá cầu, chạy, nhảy xa… Nhiều lần tôi còn phàn nàn bảo con gái mà suốt ngày thích mấy môn thể thao của đàn ông thế này thì khổ. Thế rồi cũng nhờ sự khỏe mạnh ấy mà từ hồi đi học, Thảo đã biết tận dụng thời gian nghỉ hè đi đóng than, làm gạch kiếm thêm tiền phụ giúp cha mẹ...”, bà Mộc tâm sự.

Luôn hãnh diện vì có con gái giỏi

Chuyện ít biết về cô gái vàng điền kinh đi phụ hồ để chạm đến giấc mơ - 2

Ông Bùi Xuân Đức tự hào về những thành tích trong thi đấu thể thao của con gái.

Hôm chúng tôi đến thăm, Bùi Thị Thu Thảo vẫn đang tập luyện ở Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia. Bà Mộc chia sẻ, dù dành đam mê đặc biệt cho thể thao nhưng cô con gái út cũng là một người phụ nữ rất đảm đang và vẹn toàn trong việc nữ công gia chánh. Mỗi khi gia đình có công có việc là Thảo lại lo việc nấu ăn, tiếp khách.

“Đều đặn mỗi tuần, cứ đến thứ Bảy thì hai vợ chồng nó sẽ ăn cơm và ở lại đây, Chủ nhật rồi về nhà chồng ở xã Vạn Thắng (Ba Vì) sau đó lên Hà Nội làm việc. Chồng của Thảo làm nghề sửa chữa ô tô, cũng gần với Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia”, bà Mộc cho hay.

Bố Thảo cho biết, ông rất mong muốn sớm có cháu ngoại để bế bồng nhưng do con gái theo nghiệp vận động viên nên mặc dù đã lấy chồng 3 năm nay, đôi vợ chồng trẻ vẫn chưa tính đến chuyện sinh con. “Đôi bên họ hàng nội ngoại đều thông cảm và cũng không thúc giục vợ chồng nó sớm sinh con đẻ cái. Thảo cũng nói với tôi, trong năm 2019 này sẽ tham dự các giải đấu và cố giành thành tích tốt nhất rồi sau đó mới tính đến chuyện sinh nở”, ông Đức cười hiền nói.

Trong quãng thời gian trò chuyện cùng chúng tôi, ông Đức không giấu nổi niềm tự hào mỗi khi nhắc đến cô con gái út Bùi Thị Thu Thảo. Vừa kể, ông Đức vừa nâng niu từng tấm Huy chương, Bằng khen về thành tích thi đấu thể thao của cô con gái. “Từ ngày biết tin Thảo thi đấu đạt được nhiều thành tích tốt, đem về nhiều danh hiệu cao quý cho thể thao nước nhà, bà con hàng xóm ai ai cũng đến chúc mừng, ngợi khen vợ chồng tôi đã sinh hạ được đứa con danh giá. Tôi và bà nhà đều rất lấy làm hạnh phúc và hãnh diện”, ông Đức hồ hởi chia sẻ.

Cách đây 9 năm, ông Đức bị bệnh không thể lao động được nữa. Không có bàn tay của ông, căn nhà xây dở ở quê cũng vì thế không thể hoàn thiện. Thế là tiền lương mỗi tháng cô đều gửi về quê lo thuốc thang cho bố. Theo chia sẻ, bây giờ có chồng rồi nhưng hằng tháng Thảo vẫn gửi phần lớn tiền lương về chăm lo cho bố mẹ. Năm ngoái khi đạt danh hiệu Cúp chiến thắng ở hạng mục vận động viên nữ, toàn bộ phần thưởng Thảo dùng hoàn thiện căn nhà cho bố mẹ ở quê.

Vũ Bích Hường: Nữ hoàng điền kinh Việt Nam và hành trình vượt qua nỗi đau
Đường chạy vinh quang, tràn ngập tiếng cười bao nhiêu thì đường đời của "nữ hoàng điền kinh" Việt Nam - Vũ Bích Hường lại gian truân bấy nhiêu. Dẫu...
Theo Cao Tuân – Ngọc Tuấn
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Nhân vật