Vũ Bích Hường: Nữ hoàng điền kinh Việt Nam và hành trình vượt qua nỗi đau

Ngày 15/02/2018 06:03 AM (GMT+7)

Đường chạy vinh quang, tràn ngập tiếng cười bao nhiêu thì đường đời của “nữ hoàng điền kinh” Việt Nam - Vũ Bích Hường lại gian truân bấy nhiêu. Dẫu vậy, chị vẫn nhìn về phía trước, cố gắng chiến thắng mọi nỗi đau.

Nữ hoàng điền kinh Việt Nam và hành trình không gục ngã. Clip: Trung Đức

Vũ Bích Hường (SN 1969) được biết đến là “nữ hoàng điền kinh Việt Nam, “linh dương đen Việt Nam” vì đã giúp đất nước mang về giành Huy chương Vàng (HCV) SEA Games nội dung vượt rào 100m năm 1995, đưa điền kinh Việt Nam sang trang mới trên đấu trường khu vực.

Tham gia điền kinh từ năm 13 tuổi và mãi đến 41 tuổi mới ngừng chạy, với thành tích hàng chục huy chương ở các giải đấu khác nhau nhưng những thành công ấy cũng không thể mang lại cho chị thu nhập đủ trang trải cho cuộc sống cần có “cơm áo gạo tiền”.

Vũ Bích Hường: Nữ hoàng điền kinh Việt Nam và hành trình vượt qua nỗi đau - 1

Vũ Bích Hường của thời đỉnh cao, giành được 1 HC Vàng, 4 HC Bạc và 1 HC đồng ở các kỳ SEA Games.

Vì thế, nữ hoàng điền kinh toả sáng trên đường chạy năm nào giờ đã gần 50 tuổi nhưng vẫn phải gồng gánh kiếm sống để có tiền trả tiền mua nhà và chăm lo cho đứa con trai út (14 tuổi, mắc chứng bệnh tăng động) trên đôi chân tập tễnh – di chứng còn lại sau vụ tai nạn cách đây tròn 3 năm.

Vinh quang và nước mắt

Sau những năm tháng xa nhà triền miên để tập luyện, cống hiến cho thể thao nước nhà, năm 2010 chị Hường quyết định từ giã đường chạy chuyển sang làm Huấn luyện viên để có thời gian bù đắp, chăm sóc cho chồng con. Nhưng chưa được bao lâu thì những nỗi đau liên tiếp kéo đến khiến cho người phụ nữ mạnh mẽ như chị có những giây phút tưởng chừng như không thể nào chịu nổi.

Vũ Bích Hường: Nữ hoàng điền kinh Việt Nam và hành trình vượt qua nỗi đau - 2

Chị Hường kể lại khoảng thời gian những nỗi đau dồn dập kéo đến. Ảnh Trung Đức

7 năm trước, con trai út của chị đang khoẻ mạnh bỗng phát hiện mắc phải chứng bệnh tăng động. Nguyên do là vì bị cô giáo phạt nhốt trong nhà vệ sinh dẫn đến bị hoảng loạn rồi sinh bệnh. Vợ chồng chị khi ấy chạy vạy khắp nơi để có tiền chữa bệnh cho con. Cuộc sống vốn dĩ khó khăn lại càng thêm cơ cực khi mà kinh tế của gia đình gần như chỉ trông chờ vào đồng lương của chị.

“Vì đam mê điền kinh quá nên sau khi sinh con trai đầu được 7 tháng là mình xin quay trở lại tập luyện. Con trai thứ 2 lúc được 4 tháng tuổi mình cũng quay lại đường chạy. Để có thể tập trung tập luyện cũng như thi đấu mình đã trao đổi thẳng thắn với chồng, may mắn là anh ủng hộ mình và ở nhà chăm sóc các con nhưng cũng vì thế mà kinh tế của gia đình mình không có gì, cả nhà vẫn phải ở nhà thuê”, chị Hường bộc bạch.

Vũ Bích Hường: Nữ hoàng điền kinh Việt Nam và hành trình vượt qua nỗi đau - 3

Gắn bó với bộ môn Điền kinh từ năm 13 tuổi, dù gặp phải nhiều chấn thương khi tập luyện, thi đấu nhưng chị vẫn một lòng đam mê. Ảnh Trung Đức

Đến năm 2012, vợ chồng chị vừa được Trung tâm Huấn luyện và thi đấu Hà Nội đề xuất đặc cách cho gia đình chị được mua nhà chung cư giá rẻ ở khu đô thị Việt Hưng (Gia Lâm, Hà Nội). Mỗi tháng phải trả gần tám triệu đồng trong vòng 10 năm thì chồng chị Hường ra đi vì căn bệnh ung thư phổi sau 9 tháng cầm cự. Vì không có tiền trả nên cho đến nay chị mới trả được 20% giá trị căn nhà.

“Những ngày anh bị bệnh tôi luôn trong tư thế như sẵn sàng chiến đấu, giầy thể thao, túi đeo hông để lúc nào chạy thì chạy, lúc nào đưa chồng đi viện thì cõng chồng đi viện. Buồn lắm vì biết anh không thể ở lâu hơn với mình nhưng biết làm sao được đành phải vững tâm lý để còn chăm lo cho con cái”, chị Hường nghẹn ngào.

Vũ Bích Hường: Nữ hoàng điền kinh Việt Nam và hành trình vượt qua nỗi đau - 4

Một phần nhỏ trong số những huy chương mà chị đã đạt được trong hơn 20 năm thi đấu. Ảnh Trung Đức

Nỗi đau chồng chất nỗi đau khi mà chồng chị mất được 100 ngày thì bố ruột của chị cũng qua đời. Tang chồng, tang cha khiến chị rơi vào trạng thái u uất. Nhưng ông trời vẫn chưa hết thử thách chị, ngày 20 tháng chạp năm 2014 – chỉ cách Tết Nguyên đán năm 2015 ít ngày thì trên đường đi làm về chị bất ngờ gặp tai nạn khiến đốt cột sống bị dập.

Đốt sống số 4 và số 5 lệch ra, chèn ép dây thần kinh khiến chân trái không được nuôi dưỡng và ngày càng teo đi, chị sút cân một cách nhanh chóng từ 59kg xuống chỉ còn 50kg trong vòng 2 tháng. Tết năm ấy, người phụ nữ vốn giàu nghị lực phải chịu cảnh nằm, ngồi một chỗ ăn không được, ngủ không được và phải đối mặt với nguy cơ bị liệt.

Vũ Bích Hường: Nữ hoàng điền kinh Việt Nam và hành trình vượt qua nỗi đau - 5

Dù không thể chạy như lúc trước nhưng chị vẫn cảm thấy may mắn khi đã đi lại được. Ảnh Trung Đức

“Thời điểm đó chẳng mong gì hơn, chỉ mong đi lại được bình thường và tự vệ sinh cá nhân được. Dù là Tết nhưng mọi người trong gia đình đều sốt sắng tìm nơi đưa tôi đi chữa bệnh. Quả thật là nếu không có nghị lực chơi thể thao chắc tôi đã muốn chết đi, bởi vì tuổi chưa cao, bao nhiêu việc phía trước mà phải nằm liệt như thế này khiến tôi không thể nào chịu nổi”, chị Hường nhớ lại.

Hành trình vượt qua nỗi đau

Chia sẻ về hành trình tìm lại những bước chân, chị Hường cho biết chị đã gặp nhiều bác sĩ khác nhau, cả đông y, tây y để hy vọng có thể đi lại được. Sau 7 tháng kiên trì chữa trị, luyện tập chị Hường đã có thể chống nạng và đi lại. Cứ thế, đến tết năm 2016 chị đã có thể đi lại được mà không cần dùng nạng. Dẫu vậy chân trái của chị vẫn không thể nào hồi phục hoàn toàn mà vẫn tập tễnh.

Vũ Bích Hường: Nữ hoàng điền kinh Việt Nam và hành trình vượt qua nỗi đau - 6

Chân trái dù vẫn còn tập tễnh do di chứng sau vụ tai nạn nhưng chị vẫn mang giày thể thao, phong thái nhanh nhẹn như lúc trước. Ảnh Trung Đức

“Ban đầu rất đau đớn, cứ khi mặt trời tắt là những cơn đau lại dày vò tôi, đau hơn cả đau đẻ nhưng nghĩ đến các con và hai cháu nội nên mình lại cố gắng thêm một chút, kết hợp xoa bóp, bấm huyệt chân tôi dần lấy lại được cảm giác. Rồi tôi tập đi lại được như bây giờ. Nhiều lúc nhìn đường chạy mà thèm lắm, nhưng chân cẳng đã vậy, đi lại được đã tốt lắm rồi nên khi nhìn thấy các vận động viên khác ra sân là tim tôi lại loạn nhịp.

Chấn thương với các vận động viên trong quá trình tập luyện rất dễ xảy ra nếu có chút phân tâm hoặc lơ là nên nhờ có tâm lý tốt mà việc điều trị của tôi cũng gặp nhiều thuận lợi hơn một chút so với những người khác.

Trong thời gian chữa bệnh, tôi vẫn được nhận lương đầy đủ. Lãnh đạo của Liên đoàn điền kinh Hà Nội, bạn bè, đồng nghiệp cũng thường xuyên đến thăm hỏi và giúp đỡ tôi rất nhiều nên tôi có thêm nghị lực để vượt qua”, chị Hường nói về quãng thời gian tìm lại những bước chân.

Vũ Bích Hường: Nữ hoàng điền kinh Việt Nam và hành trình vượt qua nỗi đau - 7

Ngoài thời gian làm huấn luyện viên điền kinh ở trung tâm, chị còn mở thêm hàng nước và làm thịt lợn hun khói để kiếm thêm thu nhập. Ảnh Trung Đức

Bên cạnh đó, dù chị không thể chạy trên đường chạy nữa nhưng chị có thể ngắm nhìn người con trai cả Ngọc Quang (SN 1990) hiện cũng là VĐV Điền kinh của Trung tâm Huấn luyện Thể dục thể thao Hà Nội cống hiến hết mình trên sân đấu. 

Năm 2012, sau khi bố mất được vài tháng, Ngọc Quang đã giành HCV giải Vô địch quốc gia môn điền kinh đúng ngày sinh nhật của bố. Tấm huy chương vàng quốc gia đầu tiên trong sự nghiệp đáng để ăn mừng, nhưng mẹ con chị Hường chỉ biết ôm nhau khóc vì đối với cả hai đó là món quà vô giá mà con trai chị dành tặng cho người bố đã mất – người tận tuỵ và luôn ủng hộ 2 mẹ con theo đuổi sự nghiệp điền kinh đầy gian nan.

Với chị Hường, vinh quang xưa chỉ còn là kỷ niệm. Hiện tại, ngoài công tác huấn luyện ở trung tâm vào ban ngày chị còn bán thêm hàng nước và thịt lợn hun khói ngay tại chung cư nơi chị đang sống để có thêm chút tiền trang trải cho việc chữa trị chứng hẹp ống tuỷ ở cổ, tiền trả góp mua căn hộ và việc học hành của cậu con trai út.

Vũ Bích Hường: Nữ hoàng điền kinh Việt Nam và hành trình vượt qua nỗi đau - 8

Những xâu thịt lợn hun khói được chị làm cẩn thận, tỉ mỉ để có thể làm hài lòng khách hàng. Ảnh Trung Đức

“Cứ trái gió trở trời là người tôi lại đau nhức, chứng hẹp ống tủy ở cổ khiến tôi hay bị ngất giữa đường. Vào phòng họp kín quá cũng bị ngất. Vì thế nên mỗi khi di chuyển vào thành phố, đến đầu cầu tôi lại dừng lại để vuốt, xoa bóp rồi mới đi tiếp được vì sợ đâm vào người ta. Vận đen vào ai người ấy chịu nên tôi chỉ biết cố gắng vượt qua”, chị Hường chia sẻ.

Cuộc đời éo le là thế, ngày còn thi đấu, chỉ cần bật nhẹ là vượt qua rào chắn cao hơn một mét ở đường chạy, nhưng giờ đây chị chỉ có thể đi lại bằng cách nhích từng bước một. Bao nhiêu biến cố, thử thách đều không thể đánh gục chị thì những khó khăn này chắc chắn chị sẽ vượt qua.

Chàng trai 26 tuổi người Singapore trở thành nghị lực sống của hàng triệu người
Dù sinh ra trong gia đình nghèo khó, bố mẹ và ngay cả chính bản thân mình đều khuyết tật, nhưng chàng trai 26 tuổi đến từ Singapore vẫn khiến mọi...
Clip: Tú Hương - Trung Đức
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h