Khi đọc câu chuyện ấy, nhiều người rưng rưng trước tình mẫu tử thiêng liêng, rồi chợt nhận ra rằng, dù có đi đâu thì mẹ vẫn sẽ luôn bên chở che và thương yêu.
Ai cũng biết Ngày Quốc tế Phụ nữ có ý nghĩa tôn vinh “một nửa thế giới”. Sự tôn vinh ấy được thể hiện theo nhiều cách khác nhau từ đấng mày râu. Nhưng có một thực tế là trong ngày 8/3, không có nhiều người thực sự để tâm suy nghĩ về người phụ nữ đầu tiên của đời mình, người đã có công sinh thành và dưỡng dục lớn lao như biển trời.
Thế nhưng, khi đọc câu chuyện dưới đây, nhiều người rưng rưng trước tình mẫu tử thiêng liêng, rồi chợt nhận ra rằng, dù có đi đâu thì mẹ vẫn sẽ luôn bên chở che và thương yêu.
Câu chuyện được chàng trai Đặng Đức Dũng chia sẻ trên một trang mạng xã hội. Dũng kể về một người mẹ mất con trai cách đây 10 năm. Nhưng ngày nào bà cũng đến “nhà của con trai” lo toan dọn dẹp, cắm những cành hoa cúc trắng rồi lặng lẽ áp đầu vào đá thủ thỉ với con đến tận chiều muộn.
Ngày nào người mẹ cũng đến “nhà con” lo toan dọn dẹp, cắm những cành hoa cúc trắng...
Dũng kết thúc câu chuyện buồn bằng việc nhắc đến ngày 8/3 đang đến gần và hỏi các bạn nam có ý định tặng gì cho mẹ và chị em gái của mình không?.
Dưới đây là những sẻ chia của Đặng Đức Dũng:
“Đến sau cùng khi bạn nằm xuống, người cạnh bạn là ai!
Người yêu hay bạn bè?
Gia đình mình cũng thuộc dạng đủ ăn đủ mặc với cả con út nên mình được nuông chiều, thành ra nhiều lúc sống buông thả. Hầu như mình chưa bao giờ quan tâm đến bố mẹ, còn hay bất đồng quan điểm nữa chứ. Đỉnh điểm là năm 2018, mình đã thách thức lại bố bằng cách lén đăng ký đi nghĩa vụ.
Ngày mình đi, bố mẹ lo lắng nhập viện luôn. Rồi môi trường quân ngũ đã rèn luyện cho mình thấy nhiều điều. Mình nhận ra: Bạn phải tử tế với gia đình trước rồi mới làm người tử tế cho xã hội được.
Một lần về phép, mình ra thăm mộ anh và vẫn gặp cô! À quên nói với mọi người, cô trong hình là hồi anh mình mất vì tai nạn cách đây 10 năm thì con cô cũng mất cùng ngày. Mộ con cô chéo mộ anh mình.
Buổi sáng hôm chôn cất xong, mọi người đã về gần hết thì mình vẫn thấy cô ôm mộ con trai. Cô nằm áp má vào tảng đá hoa cương vô tri mà khảm nước mắt lên trên mộ. Mình mất anh trai, còn cô mất con và nỗi đau thì vô cùng tận mọi người ạ!
Và cứ thế, lần nào ra thăm anh, mình vẫn thấy cô cầu nguyện cắm nhang. Cô thường đốt nguyên một bó nhang nhưng chỉ cắm cho mộ con trai 3 cây, còn lại cắm hết cho những ngôi mộ xung quanh.
"Cô thường đốt nguyên một bó nhang nhưng chỉ cắm cho mộ con trai 3 cây, còn lại cắm hết cho những ngôi mộ xung quanh”.
Thấm thoắt đã 10 năm, mình chưa bao giờ thấy bạn bè hay một cô gái nào khác ngoài cô ra lau dọn, cắm nhang cầu nguyện cho mộ con cô. Mình không có ý trách móc bạn bè con của cô vì ai cũng có công việc và cuộc sống riêng. Nhưng với cô, mình thấy ra thăm mộ con trai mỗi buổi chiều là một phần trong cuộc sống mọi người ạ. Bởi vậy khi chúng ta đã đủ trải sẽ nhận ra gia đình mới là nơi chúng ta có thể quay về, còn ngoài kia bạn bè, người yêu, quan hệ xã hội chỉ là một phần cần có trong cuộc sống này.
Mình chia sẻ với mọi người câu chuyện này vì ngày 8/3 sắp tới. Các bạn trai có ý định tặng gì cho mẹ và chị gái của mình không? Tin mình đi, các mẹ sẽ không cần hoa, không cần chocolate ngọt ngào đâu, chỉ cần một lời chúc thật lòng và một vài món đồ nội trợ cũng đủ để mẹ khóc trong lòng. Con trai dù tình cảm dành cho bố mẹ đong đầy không kém con gái nhưng thật khó để thể hiện ra”.
Câu chuyện ngay sau khi đăng tải đã nhận được sự quan tâm của cư dân mạng. Ai cũng xúc động và bày tỏ thương cảm với người mẹ. Đặc biệt, qua đó nhiều người đã chợt nhớ đến mẹ của mình khi “ngày của mẹ” sắp đến.
Bạn Huy Hậu bình luận: “Tôi nhớ: Hồi má bị chẩn đoán mắc bệnh, nhiều lần má phải nằm viện ở thành phố để phẫu thuật. Đêm nào trở mình, má cũng đau, quằn quại. Lần đó, tôi hay thức dậy 2-3h sáng, ngồi đấm lưng cho má rồi ngồi ngủ quên lúc nào không hay. Má khóc, khóc hoài.
Sau này, ra viện, tôi với má đi xe dạo dọc biển Quy Nhơn. Tự nhiên, ngồi trước xe, má lúc lắc tay lái, dụi mắt đỏ au, rồi thỏ thẻ xin lỗi tôi.
Má xin lỗi vì anh Hai hồi mới sinh ra gần chết yểu nên má phải thương anh hơn, má xin lỗi vì tôi hiền lành nên cái gì má cũng phải nhờ vả, má xin lỗi vì tôi tự lập nên má ít lo toan, má xin lỗi vì nhà không đủ ăn đủ mặc nên tôi chẳng bao giờ được bằng bạn bè… Lần đó, 2 má con cứ thế khóc cả đoạn đường dài.
Tôi ngu ngốc thật! Hồi nhỏ, hở xíu là đòi bỏ nhà đi, chui vô cái áng nước nằm cả ngày cho cả nhà đi kiếm, lắm lúc còn hỏi má có phải nhặt con ở gầm cầu đem về không. Đêm đêm, tôi ước: sinh ra lần nữa không phải làm con của má, tốt hơn thì đầu thai làm con của dì để được ở nhà cao cửa rộng, ăn sung mặc sướng… Không biết mấy lần đó, má có khóc không?
Một buổi sáng, 2 má con xếp hàng dài ở bệnh viện Ung Bướu chờ bốc số, tôi lặng nhìn má mệt mỏi, quằn quại ôm bụng đau. Tôi chỉ ước, người bước vào cánh cổng viện ấy, không phải là má. Là tôi”.