Chuyện về những người phụ nữ "thề không bao giờ lấy chồng" ở Sài Gòn xưa, quyết không lệ thuộc vào đàn ông

H.A - Ngày 03/04/2024 14:09 PM (GMT+7)

Sài Gòn trước năm 1975 có một nhóm người phụ nữ "thề không bao giờ lấy chồng” có tên gọi chung là "tự sơ nữ", "chị má" hoặc "bà cô"... với quan điểm không đồng tình với việc phụ nữ phải phụ thuộc vào đàn ông.

Sài Gòn xưa từng là nơi sinh sống, làm việc của nhóm phụ nữ độc thân, lập lời thề không bao giờ lấy chồng. Đến hiện tại dấu tích của nhóm người này vẫn còn tồn tại trong một ngôi nhà cổ có tên Tụ Quần Cư (số 150, đường Trần Quý, phường 6, quận 11, TP.HCM).

"Tự sơ nữ" là gì? Vì sao nhiều người phụ nữ không muốn lấy chồng?

Những người phụ nữ này thường được gọi là “Tự sơ nữ”, “Chị má” hoặc “Bà cô”... Họ là nhóm phụ nữ “quyết tâm sống độc thân” của vùng tam giác sông Châu Giang (Quảng Đông, Trung Quốc) đến vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn sinh sống và làm việc từ những năm 1900 - 1942.

“Tự sơ nữ” là những người phụ nữ không phục tư tưởng Nho giáo, không đồng tình với việc phụ nữ phải lệ thuộc vào đàn ông. Họ cho rằng không cần đàn ông vẫn có thể làm việc để nuôi sống bản thân, gia đình.

Hình ảnh về một nhóm “Tự sơ nữ” ở Sài Gòn được lưu lại

Hình ảnh về một nhóm “Tự sơ nữ” ở Sài Gòn được lưu lại

Từ việc chung một chí hướng đó, họ tạo thành một cộng đồng, một nhóm người riêng biệt. Tuy nhiên, không phải ai cũng được gọi là “Tự sơ nữ” và có thể sinh hoạt chung trong nhóm này.

Để trở thành một “Tự sơ nữ” phải trải qua nghi thức đặc biệt tổ chức tại “nhà bà cô”, nơi tập trung sinh sống của nhiều tự sơ nữ. Các cô gái sẽ được hướng dẫn, giúp đỡ thực hiện các nghi thức. Sau khi hành lễ sẽ đọc lời thề, rồi búi tóc lên và chính thức trở thành một “Tự sơ nữ”.

Sau khi đã làm lễ và đọc lời thề, những người phụ nữ này sẽ phải sống độc thân suốt đời, không bao giờ được nghĩ đến tình yêu nam nữ. Nếu không làm theo đúng lời thề sẽ phải chịu phạt, bỏ vào lồng thả trôi sông cho đến chết. Lúc tuổi già hoặc mắc bệnh nặng, người “Tự sơ nữ” phải dọn đến “nhà bà cô” để ở, tuyệt đối không được chết tại nhà cha mẹ đẻ.

Các “Tự sơ nữ” khi đã lập lời thề thì sống độc thân suốt đời, không được nghĩ đến chuyện yêu đương trai gái nếu không sẽ bị phạt nặng

Các “Tự sơ nữ” khi đã lập lời thề thì sống độc thân suốt đời, không được nghĩ đến chuyện yêu đương trai gái nếu không sẽ bị phạt nặng

Theo một số thông tin được lưu truyền lại, các “Tự sơ nữ” đều là những người phụ nữ thông minh, giỏi giang, đặc biệt làm nghề tơ tằm khi còn ở Trung Quốc. Khi sang Việt Nam, họ làm nghề quản gia, giúp việc nhà, giữ trẻ…, thường được các gia đình, dòng tộc giàu có thuê về làm. Có những người làm việc tốt, tạo được chữ tín khiến chủ nhà yêu thương, khi về già được lo liệu chôn cất đàng hoàng.

Với những ai không có chủ nhà lo liệu thường sẽ tụ tập lại sống chung. Cũng từ đó hình thành lên những ngôi nhà dành riêng cho nhóm người này, có tên gọi như: Phổ Thắng Đường, Nhất Đắc Đường, Hợp Thành Đường, Tái Trân Đường, Tụ Quần Cư, Thủ Trần Đường…

Qua thời gian, hiện nay tại Sài Gòn chỉ còn lại ngôi nhà Tụ Quần Cư ở quận 11, lưu lại những dấu tích của nhóm phụ nữ lập lời thề không lấy chồng này.

Có gì trong nhà chung của những người phụ nữ thề không lấy chồng?

Hiện nay ngôi nhà Tụ Quần Cư được lưu giữ lại như một nơi trưng bày dấu tích của người Hoa tại Sài Gòn - Chợ Lớn một thời tại “Phòng trưng bày văn hóa người Hoa Sài Gòn - Chợ Lớn”.

Tụ Quần Cư là một căn nhà nhỏ, có sự kết hợp giữa phong cách kiến trúc Pháp và Trung Hoa. Tường được xây bằng gạch đặc và vữa thạch cao. Đến nay có nhiều mảng tường thạch cao trắng đã ố vàng, bong tróc nham nhở. Không gian ngôi nhà chật hẹp, tối tăm ẩm thấp.

Một phần của Tụ Quần Cư đã bị giải tỏa, nhiều vật dụng của các “Tự sơ nữ” không còn. Ngoài chiếc bàn gỗ dùng để bày biện hương án ở phòng chính cùng 1 chiếc phản gỗ cũ kỹ bên trong, hầu như tại Tụ Quần Cư không còn vật dụng gì đáng giá.

Một số hình ảnh về đồ dung được các “Tự sơ nữ” sử dụng còn lưu lại

Một số hình ảnh về đồ dung được các “Tự sơ nữ” sử dụng còn lưu lại

Tại TP. HCM, nhóm “Tự sơ nữ” biến mất hoàn toàn sau khi cụ Văn Mai (hay còn có tên là Văn Ngọc Phương) mất vào năm 2012. Cụ được xem là “Tự sơ nữ” cuối cùng của TP.HCM.

Tuy vậy tại khu vực Tụ Quần Cư này vẫn có những người phụ nữ gốc Hoa không lập gia đình cùng nhau sinh sống. Họ cũng sang Việt Nam làm nghề giúp việc cho các gia đình người Hoa giàu có. Khi đã đến tuổi “quá lứa lỡ thì”, vì không lập gia đình, không có người thân tại Việt Nam nên xin vào ở trong Tụ Quần Cư.

Hình ảnh của cụ Văn Mai, người được xem là “Tự sơ nữ” cuối cùng ở Sài Gòn

Hình ảnh của cụ Văn Mai, người được xem là “Tự sơ nữ” cuối cùng ở Sài Gòn

Tuy nhiên những người này không phải là “Tự sơ nữ”, đơn giản chỉ là phụ nữ độc thân, không nơi nương tựa khi đã có tuổi. Đặc biệt chỉ có phụ nữ chưa lấy chồng mới vào trú thân tại Tụ Quần Cư được, những người đã bỏ chồng, góa phụ không được vào ở.

Chuyện của Thu Thủy: Từ cô gái không chân, bị mẹ bỏ rơi đến việc nén cơn đau trở thành giáo viên dạy trẻ tự kỷ
Bị mẹ bỏ rơi tại bệnh viện khi vừa mới chào đời, Thu Thuỷ lớn trong tình yêu thương của các cô chú ở mái ấm. Dù cho đôi chân không lành lặn, bằng...

Ôm con vào lòng

Theo H.A
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Nhịp sống Sài Gòn