Bị mẹ bỏ rơi tại bệnh viện khi vừa mới chào đời, Thu Thuỷ lớn trong tình yêu thương của các cô chú ở mái ấm. Dù cho đôi chân không lành lặn, bằng những nỗ lực phi thường, cô gái trẻ vẫn chạm tới ước mơ của mình, trở thành giáo viên của những em nhỏ tự kỷ, khiếm khuyết.
Mẹ bỏ rơi, lớn lên trong những lời “miệt thị”
Vừa cất tiếng khóc chào đời, Phạm Thị Thu Thuỷ (SN 1997) bị mẹ bỏ rơi ngay tại bệnh viện Từ Dũ (Quận 1, TP.HCM) với một cơ thể không giống những đứa trẻ bình thường khác. Thuỷ không có một đôi chân lành lặn.
Dù may mắn được mái ấm nhận nuôi nhưng với cơ thể đặc biệt, trong ký ức của Thuỷ, không ít lần cô gái trẻ bị bạn bè trêu chọc, lấy ngoại hình của Thuỷ ra bàn tán. Và cũng vì, Thuỷ là đứa trẻ vô thừa nhận, chẳng có cha mẹ cạnh bên…
Vượt qua nỗi mặc cảm của bản thân, bỏ qua những lời bàn tán từ bạn bè, Thuỷ dần lớn lên trong tình thương của các cô chú ở mái ấm. Năm cấp 2, Thuỷ được chuyển về làng Hoà Bình (Bệnh viện Từ Dũ, Quận 1) và học tập tại trường chuyên biệt dành cho người khuyết tật, được gặp gỡ những người có hoàn cảnh giống mình, Thuỷ dần lấy lại sự tự tin. Cô gái trẻ đã nỗ lực không ngừng nghỉ để thi đậu vào khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Sau 4 năm học tập, cuối năm 2022, Thuỷ chính thức ra trường, trở thành cô giáo nhỏ với rất nhiều hoài bão.
Một ngày đầu tháng 4/2024, chúng tôi có cuộc trò chuyện với Thuỷ để hiểu hơn về hành trình đầy nước mắt mà Thuỷ đã trải qua. Vẫn chiếc xe máy 3 bánh, vừa bước xuống xe, Thuỷ thoăn thoắt dùng 2 đầu gối của mình để di chuyển, miệng nở một nụ cười lạc quan. Nhưng qua lớp kính cận, chúng tôi phần nào cảm nhận được, ẩn sâu đôi mắt sáng trong trẻo của Thuỷ có chút gì đó rưng rưng.
“Gần đây có người nói mình què mà còn đi xe máy. Thật sự nếu nói không buồn là mình đang dối lòng. Nhưng có lẽ mình đã quen với những lời nói không thiện cảm, mình tự nhủ rằng trong chúng ta đều sẽ có những vấn đề, cách tốt nhất là đối diện và vượt qua nó, mình cũng như thế”, Thuỷ mở đầu cuộc trò chuyện.
Khi vào đại học, không có cha mẹ bên cạnh, chiếc xe lăn là bạn đồng hành cùng Thủy. Thời gian đầu vì di chuyển quá nhiều bằng 2 đầu gối, Thủy bị viêm khớp nặng, sưng tấy lên. Cũng nhờ có sự hỗ trợ của các thầy cô, bè bạn, có nhiều bạn nam khoẻ mạnh sẵn sàng cõng Thuỷ lên tận lầu 3 để học dù không quen biết trước khiến Thuỷ vô cùng cảm động.
“Nhiều lúc mình sợ được ưu ái quá thì bản thân không rèn luyện được đức tính nhẫn nại. Không chỉ riêng mình, cả cộng đồng người khuyết tật nói chung, nếu mọi thứ đều được “trải hoa hồng" thì tương lai sẽ khó đương đầu được với khó khăn.
Bản thân mình thích sự bình đẳng, dù mình không làm được như bao người bình thường nhưng vẫn sẽ thực hiện được đến một mức độ nào đó bằng tất cả sự nỗ lực. Có nhiều lúc buồn, mình chỉ cho phép buồn một ngày rồi thôi. Vì buồn hoài cũng không giải quyết được vấn đề, chỉ có năng lượng tích cực thì mình mới có ý tưởng, tiếp tục đi xa hơn trong công việc, nhận được sự yêu thương của mọi người", Thủy chia sẻ.
Nói về gia đình của mình, Thuỷ cho biết trong suốt 27 năm qua, ý định tìm lại mẹ vẫn luôn ấp ủ trong lòng. “Mình chưa bao giờ ngưng ý định tìm lại mẹ. Tìm mẹ ở đây không phải mình muốn mẹ phải lo lắng, chăm sóc cho mình. Mình chỉ cần biết mẹ là ai và đang sống như thế nào, sinh hoạt ở đâu. Đương nhiên trong thâm tâm của chính mình, nếu mẹ nhận lại mình sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều”, Thuỷ nghẹn lời.
Bị trẻ tự kỷ cào cấu, mình không đau, chỉ biết thương các em nhiều hơn!
Sau khi tốt nghiệp đại học, Thuỷ có cơ hội được làm việc và tiếp xúc với những em nhỏ tự kỷ. Với tính chất công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn cực cao khi vừa phải giải đồng thời nhiều “bài toán khó" cùng một lúc, bằng sự yêu thương dành cho những em nhỏ tự kỷ, Thuỷ đã từng bước can thiệp, giúp đỡ được nhiều rất nhiều học sinh.
“Nếu nói việc can thiệp, chỉ dẫn cho trẻ tự kỷ là nghề khó khăn thì cũng không hoàn toàn đúng. Bản thân mình thấy công việc này rất thú vị. Mỗi đứa trẻ tự kỷ lại có đặc tính, đặc trưng riêng biệt. Quan trọng mình phải tìm được phương pháp phù hợp để tiếp cận và kết nối cùng với các bé.
Hơn hết, mình luôn nghĩ những đứa trẻ mà mình đang giảng dạy như một người bình thường, dù học sinh của mình không sẵn sàng hồ hởi tương tác như những đứa trẻ khác”, Thuỷ chia sẻ.
Trong quá trình dạy cho các em nhỏ tự kỷ, Thuỷ thường xuyên phải đối mặt với những hành động thiếu kiểm soát, thậm chí còn bị các em tác động vật lý, cào cấu. Thay vì bực tức, quát mắng các em, Thuỷ lại dùng tình yêu thương để nâng đỡ, xoa dịu cơn quấy khóc, mất kiểm soát của các bé.
“Có những lần các bé cào cấu, để lại vết thương ở tay, mình biết các bé không cố tình, chỉ qua là các bé không kiểm soát được hành vi. Khi có sự cố xảy ra, mình bình tĩnh giải quyết và giải thích cho các bé hành động cào cấu giáo viên, bạn bè cùng lớp là sai và gây tổn thương đến những người xung quanh.
Để giải quyết mình sẽ ngồi xuống nói chuyện với các bé, chỉ vào vết thương: “Đau cô", “Con không được như vậy". Từ đó, các bé sẽ nhận thức được hành động của chính mình. Đôi khi, mình chỉ sợ các bé tự làm tổn thương chính mình, khi đó đòi hỏi mình phải nhạy bén và buộc phải ra mệnh lệnh: “Không!” để các bé tự nhận thức và dừng ngay hành vi thiếu kiểm soát”, Thuỷ nói.
Chia sẻ thêm về cách tiếp cận các bé tự kỷ, Thuỷ cho biết với trẻ cần dùng câu mệnh lệnh từ đơn như các hành động như: ngồi, đứng, di chuyển, lại gần... Nếu khi ra mệnh lệnh, trẻ không tương tác mình lại phải bắt đầu làm mẫu để các bé theo dõi và học hỏi. Đặc biệt, trong quá trình can thiệp các giáo viên nên hướng sự mong muốn của trẻ về mình, trước khi dạy trẻ mình phải quan sát thật kỹ về các hành động, sở thích, cảm xúc của trẻ tự kỷ. Đôi khi phải nương theo cảm xúc, mong muốn của trẻ để hiểu về bé nhiều hơn.
“Với trẻ tự kỷ, mình phải thật sự kiên trì bởi các bé thường có trí nhớ khá ngắn. Đôi khi hôm nay tiếp thu bài học mới nhưng hôm sau lại trôi vào quên lãng. Về mặt chuyên môn, trước khi can thiệp một đứa trẻ bị tự kỷ thì mình đề ra mục tiêu 3 tháng: Ngôn ngữ - nhận thức - vận động tinh - vận động thô - tương tác xã hội. Những yếu tố trên mình đều giải thích với phụ huynh trước khi vào quá trình can thiệp cho trẻ tự kỷ để có thể nắm được mục tiêu dài hạn, mục tiêu ngắn hạn cho các bé”, Thuỷ tâm sự.
Có lẽ sau khi trải qua những khó khăn, Thu Thuỷ lại có thêm động lực để bám trụ với nghề giáo. Bởi với Thuỷ, cô giáo trẻ luôn xem các bé là con, là thành viên của một gia đình.
“Điều mình vui sướng nhất khi dạy trẻ là nhìn thấy sự phát triển và tới giờ lên lớp thì các bé “enjoy" hợp tác với cô giáo. Đôi khi mình phát hiện được sự thông minh, sáng tạo của các bé khiến bản thân vui vẻ và không khỏi bất ngờ. Những giờ lên lớp cho các trẻ tự kỷ lại giúp mình thấy hạnh phúc và không hối hận khi hết mình theo đuổi đam mê”, Thuỷ trải lòng.
Nói về dự định tương lai, Thuỷ cho biết bản thân luôn mơ ước trở thành một giáo viên được giảng dạy tại trường chuyên biệt dành cho những trường hợp có hoàn cảnh giống mình. Đồng thời, Thuỷ sẽ phấn đấu để có cuộc sống riêng, tự lập, tự tin hơn nữa.
Suốt buổi trò chuyện, điều chúng tôi cảm nhận được là một Thu Thủy vô cùng đặc biệt. Bỏ qua những điều chưa trọn vẹn với mình, sự tự tin, lạc quan và nụ cười là thứ luôn thường trực trên khuôn mặt của Thủy. Trước ống kính máy quay, trước những câu hỏi có thể khiến cô gái trẻ chạnh lòng, Thủy vẫn tự tin vì Thuỷ luôn đặc biệt với chính mình.
Chúc cho những dự định, ước mơ của Thu Thuỷ sẽ sớm thành hiện thực. Cảm ơn Thuỷ vì đã luôn đặc biệt với chính mình!