Cô bé “chim cánh cụt” và câu hỏi ngây ngô: “Sao mẹ đẻ con ra cụt cả chân lẫn tay”

Ngày 15/10/2018 00:08 AM (GMT+7)

Dù khuyết tật chân tay, cô bé Hiếu Thảo ( 8 tuổi) vẫn ước mơ trở thành bác sĩ để có thể chữa bệnh cho ông bà ngoại.

Vượt quãng đường dài 250km, tôi tìm đến gia đình Trần Thị Hiếu Thảo (8 tuổi, Sóc Trăng) – cô bé “chim cánh cụt” nhưng lúc nào cũng lạc quan, vui tươi và ngoan ngoãn.

Thấy có khách, Hiếu Thảo nhanh nhảu chào hỏi rồi lật đật lại phía chiếc phản mời tôi ngồi. Sau đó bé lết người vào nhà giúp ngoại bê từng ly nước bằng hai cánh tay đặc biệt.

Cô bé “chim cánh cụt” và câu hỏi ngây ngô: “Sao mẹ đẻ con ra cụt cả chân lẫn tay” - 1

Cô bé “chim cánh cụt” nhưng lúc nào cũng lạc quan, vui tươi và ngoan ngoãn

Cô bé Hiếu Thảo và hình hài không chân không tay

Bà Lý Thị Cho (64 tuổi, bà ngoại Hiếu Thảo) cho biết, bé Thảo là đứa con duy nhất của con gái bà với người chồng trước. Khi bé cất tiếng khóc chào đời đã khiến nhiều người sợ hãi bởi hình hài không chân không tay.

Hiếu Thảo được 8 tháng tuổi thì bố bé qua đời vì tai nạn giao thông. Một năm sau người mẹ cũng đi lấy chồng mới, “để lại” bé cho ông bà ngoại nuôi dưỡng đến tận bây giờ.

“Dù cụt chân tay, con bé vẫn tự mình làm tất cả mọi việc từ ăn uống, dọn dẹp nhà cửa cho đến đi học... Nó rất ngoan ngoãn và lém lỉnh nhưng tội nghiệp lắm.

Từ nhỏ, nó đã không biết mặt bố, còn mẹ thì đi cả năm mới về quê thăm được một lần. Nó nhớ và muốn gặp mẹ nhưng không dám nói, sợ chúng tôi buồn”, bà Cho nghẹn ngào.

Cô bé “chim cánh cụt” và câu hỏi ngây ngô: “Sao mẹ đẻ con ra cụt cả chân lẫn tay” - 2

Dù cụt chân tay, Hiếu Thảo vẫn tự mình làm tất cả mọi việc từ ăn uống, dọn dẹp nhà cửa cho đến đi học...

Bà kể tiếp: “Thi thoảng, Hiếu Thảo lại ngây ngô hỏi tôi vì sao mẹ sinh ra bị cụt cả chân lẫn tay, trong khi đó em nó (con của mẹ Thảo và người chồng hiện tại- PV) vẫn bình thường. Lúc đó, tôi không biết trả lời như thế nào, đành ôm nó vào lòng vỗ về”.

“Con biết vì sao mình lại khác em rồi, vì... vì chúng con không cùng bố”, nghe ngoại bảo vậy, Hiếu Thảo mếu máo.

Đã 8 tháng nay, cô bé “chim cánh cụt” chưa từng gặp lại mẹ ruột chỉ 1 lần. Dù vậy, Thảo không bao giờ giận trách mẹ bất cứ điều gì. Bé luôn yêu thương và tỏ ra thấu hiểu hoàn cảnh của mẹ.

“Con yêu mẹ. Nhiều lúc nhớ, con chỉ muốn mẹ chuyển về quê sinh sống nhưng ở Bình Dương mẹ còn có gia đình mới. Mẹ phải chăm sóc cho em bé và dượng nữa. Thôi, con ở với ông bà cũng hạnh phúc lắm rồi”, Thảo nói.

Cô bé “chim cánh cụt” và câu hỏi ngây ngô: “Sao mẹ đẻ con ra cụt cả chân lẫn tay” - 3

Đã 8 tháng nay, cô bé “chim cánh cụt” chưa từng gặp lại mẹ ruột chỉ 1 lần

Ước mơ trở thành bác sĩ chữa bệnh cho ông bà ngoại

Gia đình bà Cho không có đất canh tác, bản thân bà lại bị gãy tay nên mọi chi phí sinh hoạt và tiền học cho Hiếu Thảo đều phụ thuộc vào ông Nhở (64 tuổi, chồng bà). Hàng ngày, ông đạp chiếc xe cũ đi khắp nơi tìm việc làm mướn với hi vọng kiếm được dăm ba chục về mua gạo, chút thịt nấu cơm cho cháu.

“Số con bé khổ từ nhỏ. Thuở lọt lòng, nó đã khuyết tật chân tay rồi bố chết sớm, mẹ có gia đình khác. Nó sống với vợ chồng tôi nhưng nào được đầy đủ, đến cơm ngày ba bữa còn không có”, ông tâm sự.

Cô bé “chim cánh cụt” và câu hỏi ngây ngô: “Sao mẹ đẻ con ra cụt cả chân lẫn tay” - 4

Ngoài những giờ học bài, Hiếu Thảo thường tự chơi một mình với chú gấu bông bé nhỏ

Trong lúc ông bà trò chuyện với chúng tôi, Hiếu Thảo cố khum đôi tay cầm cây bút rồi nắn nót từng nét chữ. Có lẽ với bé để có thể đặt bút xuống cuốn vở là cả một quá trình nỗ lực, vượt qua mọi đau đớn thể xác.

Thảo kể: “Năm nay con học lớp 3. Ban đầu con tập viết nhưng không được vì quá đau. Con phải tập từ từ rồi ông bà cũng dạy con cách cầm cây viết để khuỷu tay bớt đau”.

Mỗi ngày đến trường, Hiếu Thảo và ông ngoại phải vượt quãng đường dài gần 5km bằng xe đạp. Ông Nhở kể chỉ cần tới cổng, bé lại xin ngoại cho tự lết người vào lớp học bằng đôi chân cụt. “Ước gì con có một đôi chân giả bằng gỗ. Khi ấy, con có thể một mình đến trường mà không cần ông bà phải lo lắng”, bé nói.

Cô bé “chim cánh cụt” và câu hỏi ngây ngô: “Sao mẹ đẻ con ra cụt cả chân lẫn tay” - 5

Hiếu Thảo mơ ước trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho ông bà ngoại và những người nghèo

Cơ thể Hiếu Thảo không lành lặn như bạn bè trong lớp nhưng bé rất hiếu học. Từ lúc vào lớp 1 đến nay, bé chưa từng nghỉ học một buổi nào  dù trời nắng hay mưa. Bé bảo được học chữ là niềm hạnh phúc nhất cuộc đời để nuôi dưỡng ước mơ trở thành bác sĩ.

“Sau này con muốn trở thành bác sĩ chữa bệnh cho ông bà ngoại và những người nghèo. Ở lớp, các bạn nghe con phát biểu ước mơ đã cười phá lên  rồi chế giễu cụt chân tay thì học hành sao nổi mà mơ xa vời. Cô ơi! Có phải không có chân tay như con sẽ không làm được bác sĩ?”, Hiếu Thảo hỏi tôi bằng ánh mắt buồn rầu.

Dù cuộc đời có bất công với Hiếu Thảo nhưng tôi tin rằng bằng sự nỗ lực và tinh thần lạc quan ấy, một ngày nào đó bé sẽ “chạm” tới giấc mơ cao đẹp trở thành bác sĩ. Hiếu Thảo sẽ viết tiếp câu chuyện của Nick Vujicic và chàng họa sĩ tật nguyền vẽ tranh bằng miệng Lê Minh Châu…

Mọi giúp đỡ xin vui lòng liên hệ số điện thoại bà Lý Thị Cho (ngoại Hiếu Thảo): 0979412589. Hoặc thông qua số tài khoản ngân hàng Agribank: 7613205086576.

Chủ tài khoản: Lý Thị Cho, chi nhánh ngân hàng huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng.

Xin chân thành cảm ơn!

4 đứa trẻ mất cả bỗ lẫn mẹ trong 1 năm: Không đi nhặt ve chai, các em sẽ… chết đói
Từ ngày bố mẹ mất, Tuyến vừa làm mẹ vừa làm cha nuôi dạy 3 đứa em nhỏ và đi nhặt ve chai kiếm tiền sống qua ngày.
Khai Tâm
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những câu chuyện cảm động