Khu vực xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt đã được khoanh vùng, tuy nhiên các chuyên gia lo ngại, người dân sử dụng cá đó vào mục đích khác như làm mắm.
Trong những ngày qua, thông tin cá chết hàng loạt tại ven biển miền Bắc Trung bộ đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Ngoài nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá chết trên, thì việc có nên ăn hải sản được đánh bắt từ biển hay không cũng là vấn đề đang gây tranh cãi.
Nhiều thông tin cho rằng, trong thời điểm này nên dừng ăn các loại hải sản từ biển với phương châm “phòng hơn chống”, bởi biết đâu những loại hải sản đó cũng nhiễm độc, nhưng ở mức nhẹ nên không bị chết, như vậy khi người sử dụng ăn phải vẫn nhiễm độc.
Cũng ảnh hưởng bởi sự việc này, không chỉ ngư dân ở vùng biển xảy ra cá chết hàng loạt, mà ngư dân ở nhiều địa phương khác, thậm chí là những người buôn bán thủy hải sản cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi việc bán hải sản đang bị ế ẩm nghiêm trọng.
Trước sự việc trên, sáng ngày 25/4, trao đổi với phóng viên bên lề Hội thảo “Quản lý sử dụng cất cấm trong chăn nuôi và các vấn đề đặt ra”, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, người dân không nên suy nghĩ như vậy, không nên đánh đồng chung là không ăn tất cả các loại thủy-hải sản, như vậy sẽ ảnh hưởng đến cả việc đánh bắt và tiêu thụ mặt hàng này.
Người dân tuyệt đối không sử dụng và ăn cá chết ở vùng biển miền Trung.
Theo ông Dũng, hiện tại tất cả khu vực có cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh như báo chí đã thông tin đều đã được khoanh vùng. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng có khuyến cáo không nên ăn cá chết, sử dụng cá chết ở những khu vực này để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Còn những loại thủy hải sản ở khu vực khác, mọi người vẫn sử dụng như bình thường. Bởi hải sản có nguồn gốc từ biển là loại thực phẩm sạch, sống tự nhiên trong môi trường, vì thế nó sẽ cung cấp một nguồn dinh dưỡng rất tốt cho cơ thể.
Quay trở loại vấn đề cá chết ở vùng biển 4 tỉnh Bắc Trung bộ, ông Dũng lo ngại: “Mặc dù đã có khuyến cáo đến người dân, nhưng điều lo ngại nhất hiện nay đó chính là việc người dân sử dụng cá chết phục vụ cho việc làm mắm, việc làm này rất nguy hiểm nếu mám được làm từ cá chết được bán ra thịt trường.
Hiện tại, cơ quan chức năng đã khuyến cáo và giao chính quyền địa phương quản lý, thu gom tất cả xác cá chết trôi dạt vào bờ và tiêu hủy bằng cách đốt tập trung”, ông Dũng nói.
Cũng liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Chuyên gia về Công nghệ sinh học và thực phẩm cho rằng, cá chết dù bất kỳ nguyên nhân nào (do nhiễm độc hay nhiễm vi sinh), con người đều không thể sử dụng bởi đó là nguồn lây bệnh nguy hiểm. Bởi, lúc đó lượng protein bị hư hỏng trong cá sẽ sinh ra rất nhiều độc tố. Khi chúng ta ăn phải sẽ gây độc cho cơ thể, dẫn tới ngộ độc thực phẩm và có thể nguy hại đến tính mạng.
Nếu người dân nào vì mối lợi mà sử dụng cá chết này đem chế biến và bán cho người tiêu dùng là hành vi vi phạm pháp luật, cần bị xử lý nghiêm.
Cũng liên quan đến vấn đề này, dù đã có rất nhiều cuộc họp nóng, thậm chí là họp kín và có nhiều giả thiết được đưa ra, nhưng nguyên nhân cuối cùng khiến cá chết hàng loạt vẫn chưa được xác định.
“Thực tế việc xác định nguyên nhân hết sức phức tạp. Phải rất khách quan, khoa học, phải xem nguyên nhân từ đâu, kể cả động đất, từ trường, độc tố môi trường, chúng tôi cũng đã tập trung nhiều vào nguyên nhân các nhà máy xả thải ra môi trường biển. Tuy nhiên, đến nay chưa đủ luận cứ, luận chứng nên chưa thể đưa ra kết luận” Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết tại một cuộc họp.