TS Nguyễn Huy Quang cho biết, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện phẫu thuật chuyển giới, vấn đề cơ bản là pháp luật Việt Nam có cho phép ngành y tế và các cơ sở y tế thực hiện hay không mà thôi.
Ngày 24/11, Quốc hội đã chính thức thông qua việc chuyển đổi giới tính ở Việt Nam, đây là một tin vui đối với những người đang có ý định chuyển giới trên khắp mọi miền tổ quốc. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó thì vấn đề này vẫn đang phải tiếp tục hoàn thiện, trong đó có lĩnh vực phẫu thuật chuyển đổi giới tính.
Để làm rõ vấn đề này, chiều ngày 25/11, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) về những quy trình cũng như những điều kiện để có thể thực hiện được phẫu thuật chuyển giới.
TS Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế)
Theo đó, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho rằng, việc xác định lại giới tính đã được Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định rất rõ, đó là người có khuyết tật bẩm sinh, hoặc người có giới tính chưa được định hình chính xác thì sẽ được xác định lại giới bằng cách can thiệp y học.
“Tôi lấy ví dụ như những trẻ em sinh ra không có bộ phận sinh dục hoặc thiếu bộ phận sinh dục, hay những trường hợp là nam nhưng lại có những bộ phận của phụ nữ thì sẽ được can thiệp y học nhằm xác định lại giới tính. Điều này đã được quy định tại Luật Dân sự năm 2005”, TS Quang cho biết.
Theo TS Quang, Bộ luật Dân sự (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua vừa rồi, trong đó có điều cho phép người hoàn thiện về giới tính, nhưng trong tư tưởng, hành vi của họ lại ngược lại hình hài được phép chuyển giới, là nhằm giúp những người này được sống thật với giới tính của mình và khẳng định quyền của con người.
“Trước hết là chúng ta đã thừa nhận người có nhu cầu, mong muốn được chuyển đổi giới tính và sống thật với giới tính của mình. Và đó cũng chính là thể hiện quyền con người luôn được đề cao”, TS Quang cho hay.
Trả lời câu hỏi về việc liệu các cơ sở y tế Việt Nam có thực hiện được việc chuyển đổi giới tính; và những khó khăn vướng mắc của những người được chuyển đổi giới tính như thế nào, TS Nguyễn Huy Quang khẳng định, về mặt y học và kỹ thuật, Việt Nam đều có thể thực hiện được.
“Chúng ta có thể phẫu thuật được từ nam thành nữ hoặc từ nữ thành nam. Ngoài ra, chúng ta có thể điều trị được hoóc môn tăng trưởng của nữ và hóc môn tăng trưởng của nam. Vấn đề cơ bản là pháp luật Việt Nam có cho phép ngành y tế và các cơ sở y tế thực hiện hay không mà thôi, nếu cho phép các cơ sở y tế Việt Nam hoàn toàn có thể làm được”, TS Quang nói.
Tuy nhiên, ông Quang cũng thẳng thắn cho biết, để thực hiện được việc chuyển đổi giới tính thì cần phải có đạo luật riêng, trong đó có luật chuyển đổi giới tính. TS Quang hy vọng trong nhiệm kỳ tới của Quốc hội có thể được thông qua.
Phẫu thuật chuyển giới là nhằm giúp những người này được sống thật với giới tính của mình (Ảnh minh họa)
“Theo tôi khi đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để thực hiện phẫu thuật chuyển giới thì cũng cần phải có những trình tự trước khi chuyển đổi giới tính. Ví dụ như cho những người là nam muốn chuyển đổi giới tính sang nữ thì cần phải sống thử và sinh hoạt như một người phụ nữ, ví dụ như việc: mặc váy, tô son đánh phấn, nội trợ, chơi các trò của nữ giới.
Ngược lại, khi nữ giới muốn chuyển đổi giới tính thành nam, thì cũng cần phải sống thử và sinh hoạt như nam giới như tham gia các hoạt động thể thao, làm việc nặng, chân tay trong vòng 1-2 năm, từ đó để họ quyết định có chuyển đối giới tính hay không. Khi đó y học mới có sự can thiệp và sự can thiệp này phải là nơi đảm bảo đủ cả về dịch vụ, chất lượng và đội ngũ bác sĩ có trình độ…Sau khi thực hiện xong, ngành y tế sẽ cấp 1 giấy chứng nhận đã phẫu thuật chuyển giới, để từ đó làm các thủ tục pháp lý cũng như sinh hoạt khác được thuận lợi nhất cho họ”, TS Quang nói.