Cơm rượu nếp Tết Đoan Ngọ đắt hàng gấp 100 lần ngày thường, thu tiền "ầm ầm"

Ngày 25/06/2020 19:25 PM (GMT+7)

Trong dịp Tết Đoan Ngọ, cơm rượu nếp trở thành món ăn được rao bán rầm rộ trên chợ mạng cũng như tại các khu chợ truyền thống. Với giá từ 10.000 đồng/ cốc, 50-80.000 đồng/kg, tiểu thương được dịp hái ra tiền trong những ngày này.

Chị Nguyễn Thị Nga - tiểu thương bán cơm rượu nếp tại chợ Minh Khai (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vừa nhanh tay chia cơm rượu nếp thành từng hộp nhỏ vừa cho biết, nơi chị ở có nghề truyền thống làm bún nhưng cứ đến dịp Tết Đoan Ngọ, cả làng lại đi làm cơm rượu nếp để bán vì quá nhiều người đặt hàng.

Món cơm rượu nếp cẩm thơm lừng đã trở thành món ăn không thể thiếu vào dịp Tết Đoan Ngọ.

Món cơm rượu nếp cẩm thơm lừng đã trở thành món ăn không thể thiếu vào dịp Tết Đoan Ngọ.

“Nhà tôi ở làng nghề bún Thanh Lương (xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai) ngoài làm bún giao khắp Hà Nội thì từ ngày tôi còn bé xíu, vào dịp 5/5 đã thấy bố tôi ủ hàng chục thùng cơm rượu nếp mang ra chợ bán. Giờ lớn lên, nhu cầu người mua cơm rượu nếp vào dịp này tăng cao, cả làng tôi đều bắt tay vào làm cơm rượu nếp. Những ngày này, chỉ cần đi đến đầu làng là đã ngửi thấy mùi rượu nếp thơm lừng”, chị Nga chia sẻ.

Theo chị Nga, có 2 loại cơm rượu nếp đó là cơm rượu nếp cái hoa vàng và cơm rượu nếp cẩm. Để cơm rượu nếp đúng vị và ngon nhất phải được làm từ loại gạo ngon nhất và loại men chuẩn nhất.

“Nhà tôi làm cơm  rượu nếp từ gạo nếp nhung, nếp cái hoa vàng Điện Biên mua với giá 28.000 đồng/kg, gạo nếp cẩm có giá 35.000 đồng/kg. Men để ủ cũng phải là men chuẩn mới cho vị ngọt đặc trưng của cơm rượu nếp, nếu men mới quá thì cơm rượu sẽ bị cay và chua. Cứ mỗi tạ gạo nếp nấu lên thành phẩm sẽ được 1,6 tạ cơm rượu nếp. Ngày Tết Đoan Ngọ năm nào nhà tôi cũng phải làm 4-5 tạ gạo mới đủ bán”, chị Nga cho hay.

Cơm rượu nếp cái hoa vàng là món không thể thiếu trong mâm cơm cúng mỗi gia đình dịp Tết Đoan Ngọ.

Cơm rượu nếp cái hoa vàng là món không thể thiếu trong mâm cơm cúng mỗi gia đình dịp Tết Đoan Ngọ.

Để có đủ lượng cơm rượu nếp bán vào dịp này, 7 thành viên nhà chị Nga phải làm luôn chân luôn tay từ sáng tinh mơ cho đến tối khuya với 2 bếp lò to và 4 bếp ga công nghiệp luôn rực lửa. Người rửa lá sen, người nấu cơm, người ủ men, người đi giao hàng cho các mối sỉ. Chị Nga và em gái thì cùng nhau chở cơm rượu nếp vào các chợ đầu mối nội thành để bán.

“Tôi chủ yếu là bán buôn, nhưng khách lẻ cũng đông lắm. Mỗi hộp cơm rượu nếp cái hoa vàng nặng tầm 200g tôi bán với giá 10.000 đồng, hộp cơm rượu nếp cẩm thì có giá 15.000 đồng. Nếu mua theo cân thì 50.000 đồng/kg cơm rượu nếp cái hoa vàng, 70.000 đồng/kg cơm rượu nếp cẩm. Ngày thường nhà tôi chỉ làm tầm 4-5kg gạo mà bán mãi mới hết nhưng vào đúng ngày Tết Đoan Ngọ, nhà tôi làm 4 tạ gạo mà không ế bao giờ. Từ sáng đến giờ, 2 chị em tôi chưa được nghỉ tay lúc nào vì quá đông khách”, chị Nga nói.

Tại các chợ truyền thống, món cơm rượu nếp được đóng thành từng hộp, luôn trong tình trạng “cháy hàng”.

Tại các chợ truyền thống, món cơm rượu nếp được đóng thành từng hộp, luôn trong tình trạng “cháy hàng”.

Hơn 20 năm bán gạo tại chợ Cầu Diễn, những ngày này, chị Hiền cũng tranh thủ tự làm cơm rượu nếp ngồi bán, khách đến mua rất đông bởi cơm rượu nếp nhà chị đã “có tiếng” ở khu vực này.

Với giá bán 10.000 đồng/ cốc nhỏ, 20.000 đồng/ cốc to, dịp Tết Đoan Ngọ năm nào chị cũng bán được 40-50kg cơm rượu nếp với hàng trăm cốc.

“Năm ngoái tôi làm gần 1 tạ mà bán hết veo. Từ tết đến giờ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hàng hóa bán chậm, tôi sợ “ế” cơm rượu nếp nên chỉ làm 40kg gạo, không ngờ chỉ bán nửa ngày là hết, không còn mà bán. Nhiều người mọi năm ăn quen chạy ra muộn cũng không mua được, đặt thêm nhưng tôi không nhận vì làm cái này không đơn giản và nhanh được”, chị Hiền nói.

Theo chị Hiền, gạo nếp dùng để làm cơm rượu nếp phải là loại ngon nhất được lựa chọn cẩn thận, nhặt sạch thóc và sạn, tạp chất, đãi sạch ngâm nước trong 12 giờ đồng hồ. Sau đó đem nấu chín, rắc men và ủ trong lá sen sẽ cho ra lò món cơm rượu nếp thơm ngon, ngọt tự nhiên mà không cần cho đường. 

Trên chợ online, hàng cơm rượu nếp cũng “chiếm sóng” những ngày này (Ảnh: Bếp cỗ Vesta).

Trên chợ online, hàng cơm rượu nếp cũng “chiếm sóng” những ngày này (Ảnh: Bếp cỗ Vesta).

Theo quan sát của PV, không chỉ đắt hàng tại chợ truyền thống, trên chợ mạng những ngày này cũng có hàng trăm người rao bán cơm rượu nếp thu hút rất nhiều chị em nội trợ.

Bán cơm rượu nếp trên chợ mạng, anh Nguyễn Tuấn Ngọc (trú tại HH2A Khu đô thị Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, nếu trước đây mỗi tuần mình chỉ bán được tầm 10kg thì những ngày này, lượng khách tăng lên gấp cả trăm lần.

“Khoảng 3 ngày gần đây mỗi ngày nhà tôi bán được khoảng 1 tạ cơm rượu nếp, chủ yếu phục vụ các hộ gia đình trong khu chung cư và một số mẹ bỉm sữa mua sỉ về bán lại kiếm lời. Rượu nếp cái tôi bán 55.000 đồng/kg, rượu nếp cẩm 60.000 đồng/kg. Để đỡ tiền ship, các chị em toàn rủ nhau mua cùng nên nhanh hết lắm”, anh Ngọc nói thêm.

 Một số cửa hàng còn bán combo mâm cúng đầy đủ cơm rượu nếp, bánh gio và hoa quả phục vụ nhu cầu Tết Đoan Ngọ (Ảnh: Hoa quả Ưu Đàm).

 Một số cửa hàng còn bán combo mâm cúng đầy đủ cơm rượu nếp, bánh gio và hoa quả phục vụ nhu cầu Tết Đoan Ngọ (Ảnh: Hoa quả Ưu Đàm).

Theo tìm hiểu, người Việt Nam còn gọi Tết Đoan Ngọ là Tết diệt sâu bọ, phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt hết các loại gây hại cho mùa màng, cho cây trồng, trong đó cũng có nhiều loại sâu có thể ăn được. 

Rượu nếp là món ăn không thể thiếu trong ngày này, người ta cho rằng bộ phận tiêu hóa của con người thường có các loại ký sinh gây hại và chúng nằm sâu trong bụng nên không phải lúc nào cũng diệt được. Duy có ngày mùng 5/5 (âm lịch), các loại ký sinh này thường ngoi lên, con người có thể ăn thức ăn, hoa quả vị chua, chát và nhất là rượu nếp, có thể loại bỏ chúng.

Do vậy, nhu cầu mua rượu nếp của người dân dịp này tăng cao, người nào đi chợ cũng xách về 1-2 cốc cơm rượu nếp để “giết sâu bọ”, nhà nào đông người còn mua cả vài cân về sử dụng dần. Ngoài rượu nếp, các loại hoa quả như mận, vải cùng một số loại bánh như bánh tro, bánh nếp cũng được nhiều người tìm mua vào dịp này.

Đêm trước Tết Đoan ngọ, người dân đội mưa đến chợ hoa lớn nhất Sài Gòn
Tết Đoan ngọ 5/5 Âm lịch năm nay, mặt hàng hoa ở chợ hoa Hồ Thị Kỷ rất đa dạng, phong phú phục vụ cho việc cúng kiến tại các gia đình với giá phải...
Theo Hồng Cảnh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Sáng nay (22/11), giá vàng tiếp tục tăng mạnh nửa triệu đồng/lượng. Theo đó, vàng miếng SJC lên mốc 86 triệu đồng/lượng, giá vàng nhẫn trên...

Tin bài cùng chủ đề Sản phẩm tiêu dùng