Được sống trong nhung lụa, giàu sang nhưng cả 2 nàng công chúa đều không có bất cứ quyền tự do nào. Các cô đã quyết định từ bỏ tất cả, mạo hiểm tìm kiếm một cuộc sống mới nhưng cuối cùng bị chính người bố độc đoán của mình bắt cóc và giam cầm.
Công chúa Shamsa của Dubai bị cướp đi trên đường phố Cambridge 20 năm trước. Kể từ đó không một ai còn thấy cô. Giờ đây, thẩm phán Tòa án Tối cao Andrew McFarlane xúc động kết luận chính người bố độc đoán của cô, Tiểu vương Sheikh al-Maktoum đang giam cầm con gái. Do đó, Dubai sẽ phải chịu áp lực quốc tế để trả tự do cho Shamsa và em gái cô, công chúa Latifa.
Trước khi bỏ trốn và bị bắt giữ năm 2018, Latifa đã ghi lại một đoạn video lạnh người, tuyên bố chị gái Shamsa đã phải dùng thuốc để "kiểm soát tinh thần" và điều đó "biến chị ấy thành zombie". Cô nói Shamsa "đã bị giam cầm trong bóng tối liên tục nhiều tháng, có lẽ nhiều năm. Chị ấy không thể mở mắt trong một khoảng thời gian dài bởi không được nhìn ánh sáng mặt trời đã quá lâu". Là một tù nhân trong cung điện ở Dubai, Shamsa đã "cố tự sát nhiều lần".
Cho đến tận bây giờ, câu chuyện lạ thường về "công chúa zombie" Shamsa và vụ bắt cóc của cô chỉ có thể được chắp vá từ những bài báo cũ.
Hình ảnh hiếm hoi về công chúa Shamsa của Dubai.
Vào giữa tháng 7/2000, công chúa cứng đầu khi ấy 19 tuổi đã nổi giận với phụ thân vì không để mình đi học đại học. Cô cũng chán ghét tình trạng nhân quyền của Dubai nên đã bỏ trốn khỏi dinh thự được canh chừng cẩn mật tại khu bất động sản Longcross ở Surrey (Anh), nơi cả nhà thường đến nghỉ hè.
Cô lái chiếc Range Rover màu đen của mình đến cuối khu đất, trốn thoát qua một hàng rào để tới Chobham Common, sau đó bỏ chạy. Ngày hôm sau, các nhân viên phát hiện chiếc xe của công chúa bỏ lại, mọi thứ hỗn loạn. Khi một chiến dịch tìm kiếm bắt đầu, tiểu vương đã bay từ căn cứ đua ngựa của mình tại Newmarket, Suffolk tới để xử lý mọi chuyện.
Tất cả các nhân viên được điều đi, dùng ngựa hoặc xe hơi để tìm kiếm công chúa. Không có gì được phát hiện ngoại trừ chiếc điện thoại Shamsa bỏ lại.
Trong vài tuần, công chúa trốn tại một nhà nghỉ ở phía nam London. Nhưng vào ngày 19/8, tay sai của tiểu vương đã bắt gặp cô bên ngoài một quán bar ở Cambridge. Tiểu vương lần ra dấu vết con gái sau khi ra lệnh nghe trộm điện thoại của bạn bè Shamsa, thẩm phán tuyên bố. Ông thậm chí còn dùng một chiếc đồng hồ Rolex để hối lộ một người bạn của con gái.
Cung điện của hoàng gia Dubai ở Surrey, nước Anh, nơi công chúa Shamsa chạy trốn.
Shamsa sau đó đã viết một lá thư tiết lộ mình đã cố thoát khỏi cảnh giam cầm, nói rằng: "Tôi đã bị bố mình bắt. Ông ấy đã theo dõi tôi thông qua một người mà tôi còn giữ liên lạc. Ông ấy đã phái 4 người Ả Rập đến bắt tôi". Những gã tay chân này đã đe dọa công chúa, sau đó dùng thuốc mê để đưa cô trở lại Dubai.
Theo một người bạn của Shamsa, các nhân viên tại cung điện Longcross đã phải ký một thỏa thuận để không tiết lộ về sự mất tích của công chúa. Sau đó, vào tháng 3/2001, cảnh sát Cambridgeshire của nước Anh nhận được một cuộc gọi từ luật sư người Anh với câu chuyện kỳ quái. Vị luật sư này nói mình đang thay quyền cho công chúa Shamsa và kể chi tiết về vụ bắt cóc cũng như cách cô bị đưa ra khỏi Anh.
Cáo buộc đã được chuyển cho thanh tra trưởng của Cambridgeshire lúc đó là David Beck. "Bắt cóc là một hành vi phạm tội lớn. Không phải ngày nào cũng có cáo buộc liên quan đến một nguyên thủ quốc gia nằm trên địa bàn của một cảnh sát viên", ông David nói.
Theo phán quyết của thẩm phán Andrew, ông David đã thẩm vấn bạn bè của Shamsa và nhiều nhân viên của tiểu vương. Họ đã chứng thực một số khía cạnh của câu chuyện. Ít nhất thì một trong những người liên quan chặt chẽ đến vụ bắt cóc, được xác định là Mohammed Al Shaibani vẫn còn là trợ lý của tiểu vương Dubai cho đến ngày nay. Tiểu vương đã cố qua mặt cảnh sát khi nói rằng con gái ông "cảm thấy bị hạn chế bởi sự sắp xếp an ninh tất yếu quanh mình".
Tiểu vương Sheikh al-Maktoum và người vợ cũ là Công chúa Haya.
Ông nói với các thám tử rằng con gái mình đã "mất tích", "con bé dễ bị tổn thương hơn những cô gái khác cùng tuổi. Thân thế khiến con bé có nguy cơ bị bắt cóc". Tiểu vương cũng tỏ ra lo lắng cho sự an toàn của công chúa nên đã bàn bạc với vợ để cho người tìm kiếm con gái trở về.
Tuy nhiên, thẩm phán Andrew cho rằng sự thật là "người bố đã ra lệnh bắt cóc con gái bất hợp pháp, đưa Shamsa từ Vương quốc Anh trở về Dubai dù cô không muốn thế".
Cảnh sát đã tiến hành điều tra lại vào năm 2001 và thêm một lần nữa vào năm 2017. Tuy nhiên, họ không tìm được thêm bằng chứng để tiếp tục hành động. Vì vậy, cuộc điều tra đóng lại, cảnh sát vẫn không liên lạc được với nạn nhân.
Khi câu chuyện của công chúa Shamsa không tìm được lời giải thì em gái cô, công chúa Latifa cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Cách đây 2 năm, công chúa Latifa đã thuê một du thuyền để chạy trốn khỏi bố mình, tìm kiếm cuộc sống mới ở nước ngoài.
Tuy nhiên, khi thuyền đang ở gần bờ biển Ấn Độ thì bị những người đàn ông đeo mặt nạ, mang súng trường tấn công. Họ không phải cướp biển mà là những đặc công được phụ thân tỷ phú Sheikh Mohammed al-Maktoum, người cai trị Dubai phái đến để cướp công chúa về. Cô đã tự nhốt mình trong phòng tắm khi những người đàn ông đập cửa và gào lên: "Thôi nào Latifa, về nhà thôi".
Công chúa Latifa.
Đó là lần cuối cùng người ta thấy công chúa cho đến tháng 12/2018. Lúc này, Latifa xuất hiện trong tấm ảnh cùng nữ tổng thống đầu tiên của Ireland, Mary Robinson. Bà tuyên bố công chúa đang "sống trong sự bao bọc yêu thương" của gia đình. Bức ảnh này sau đó được công bố nhằm chứng minh công chúa không bị gia đình giam cầm. Tuy nhiên, Latifa trong ảnh có vẻ thu mình và không thoải mái. Cô hiểu rằng bất cứ nỗ lực bỏ trốn nào cũng sẽ đổi lại việc cô bị đánh thuốc và tuyên bố mắc bệnh tâm thần.
Vậy chuyện gì đã xảy ra với Latifa? Công chúa là một trong 30 người con của tiểu vương Sheikh Mohammed với 6 bà vợ. Cô tuyên bố ông là "một trong những người tàn độc nhất thế giới".
Trong đoạn video của mình, Latifa bình tĩnh kể chi tiết về cuộc sống cô đang trải qua. Nhà cô là một cung điện với 100 người làm, công chúa ra ngoài sẽ có lái xe riêng. Cô dành ngày tháng của mình đi lặn biển, trượt tuyết và nhảy dù. Nhưng công chúa bị theo dõi mọi lúc, mọi nơi, không được tự ý lái xe và đi du lịch nước ngoài là điều không tưởng. Hộ chiếu của mình cô cũng không được giữ. Bất cứ quyền tự do cá nhân nào cũng không có, 2 trong số những người chị em của cô thậm chí cũng được đặt tên là Latifa.
Latifa nói rằng người bố tưởng như hiền lành, từng uống trà với Nữ hoàng của mình thực chất là một kẻ phạm tội lớn, gây ra nhiều cái chết. Cô cũng nói về cách mà chị gái Shamsa đã chạy chốn khỏi gia đình khi ở Surrey và ở lại Anh trong 2 tháng trước khi bị bắt cóc, đánh thuốc mê rồi giam cầm trong 8 năm.
Hình ảnh công chúa Latifa trong đoạn clip tự quay.
Không nản lòng, lúc Latifa 16 tuổi, cô cũng cố gắng bỏ trốn khỏi Dubai nhưng bị bắt lại tại biên giới Oman. Công chúa bị giam cầm hơn 3 năm, bị đánh đập và biệt giam nhiều ngày liên tục.
Chính quyền Tiểu vương quốc bác bỏ mọi cáo buộc. Nhưng giờ đây, Tòa án tối cao đã phát hiện đó đều là sự thật. Năm Latifa 19 tuổi, cô đột ngột được trả tự do và được phép thuê gia sư. Công chúa tiếp tục sống cuộc đời sung túc nhưng vẫn nuôi giấc mơ trốn thoát. Lần này, kế hoạch bỏ trốn đã được chuẩn bị trong 7 năm. Cô đã chiêu mộ được Hervé Jaubert, một cựu điệp viên Pháp để bỏ trốn. Ngày 24/2/2018, công chúa Latifa khi ấy 32 tuổi đến một quán cà phê để ăn sáng. Sau đó, cô cởi bỏ áo choàng, họ lái xe đến Oman. Đoàn người trợ giúp công chúa lên tàu vượt biển để đưa cô sang Mỹ xin tị nạn. Nhưng tai mắt của Tiểu vương đã theo dõi điện thoại của họ và cuối cùng bắt sống tất cả.
Cựu điệp viên Pháp Hervé Jaubert, người đã giúp công chúa Latifa bỏ trốn nhưng thất bại.
Những người đi cùng công chúa bị đưa đến một nhà tù ở UAE. Tại đây, họ bị thẩm vấn trong nhiều giờ, sau đó đột nhiên được trả tự do sau 2 tuần. Công chúa được trực thăng đưa đi, tài khoản Instagram của cô bị xóa ngay sau đó. Nhưng trước khi rời đi, Latifa đã quay lại đoạn video ớn lạnh và giao lại cho một luật sư Mỹ. Vài ngày sau, nó được đăng lên Youtube và cho đến nay đã thu hút hơn 4,2 triệu lượt xem.
Thẩm phán Tòa án tối cao kết luận về Latifa: "Cô ấy rõ ràng rất tuyệt vọng khi tự giải thoát khỏi gia đình và chuẩn bị thực hiện một nhiệm vụ nguy hiểm để đạt được điều đó. Tôi tin vậy khi dựa vào tất cả những gì Latifa nói trong video và những nơi khác".
Tiểu vương Sheikh Maktoum thì tuyên bố với tòa rằng công chúa đã bị Hervé Jaubert thao túng vì "mục tiêu tống tiền". "Cho đến nay, tôi coi việc Latifa trở lại Dubai là một nhiệm vụ giải cứu", ông nói.
Nhóm pháp lý của công chúa Haya, vợ cũ của Tiểu vương đã yêu cầu ông đưa Shamsa và Latifa tới Anh để thẩm vấn, tuy nhiên ông tuyên bố họ "kiên quyết" không đi.