Do chứng kiến nhiều cảnh loạn ly, công chúa Ngọc Anh đã nguyện sẽ không lấy chồng, thành tâm ăn chay trường niệm Phật tại phủ của mình. Nhưng phận đời khó tránh, cuối cùng bà cũng không thoát khỏi “lưới tình”.
Công chúa Ngọc Anh (1790-1850) tên thật Nguyễn Phúc Ngọc Anh là con gái thứ 3 của vua Gia Long và Chiêu dung Lâm Thức. Bà có một mối tình đơn phương với nhà sư đầu tiên ở miền Nam được phong Quốc sư. Và mối tình ấy đã mang đến một kết cục bi thảm đến với nàng công chúa triều Nguyễn này.
Năm 1801, khi bị quân Tây Sơn truy đuổi, Nguyễn Ánh (tức vua Gia Long) trên đường chạy trốn đã từng dừng chân tại chùa Đại Giác thuộc xã Hiệp Hòa, tổng Trấn Biên (nay là ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa, Đồng Nai). Lúc này công chúa Ngọc Anh đã xin với cha cho được ở lại chùa xuất gia và ẩn mình nơi cửa Phật vì không muốn bị cuốn vào cuộc tranh giành quyền lực giữa Nguyễn Ánh và nhà Tây Sơn.
Sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ, Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy hiệu là Gia Long và chọn kinh đô ở Huế đã gửi chiếu thư triệu hồi công chúa Ngọc Anh về kinh thành. Không thể cãi lệnh vua cha, công chúa lên đường về kinh mà lòng vẫn còn lưu luyến cuộc sống thanh bạch, không vướng bụi trần chốn cửa Phật.
Tranh vẽ Công chúa Ngọc Anh và Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành.
Do chứng kiến nhiều cảnh loạn ly, công chúa Ngọc Anh đã nguyện sẽ không lấy chồng, thành tâm ăn chay trường niệm Phật tại phủ của mình. Hằng ngày, công chúa cầu sự thái bình, thịnh trị cho triều đại nhà Nguyễn. Nhưng phận đời khó tránh, cuối cùng bà cũng không thoát khỏi “lưới tình”.
Theo đó, thuở đấy, đất phương Nam có một vị thiền sư nổi tiếng tên Liễu Đạt Thiệt Thành mang dáng người cao to, gương mặt tuấn tú, phúc hậu, giọng nói truyền cảm, dáng vẻ oai nghiêm, đĩnh đạc và có tài hùng biện.
Với kiến thức Phật học uyên bác và khả năng thuyết giảng Phật pháp xuất chúng nên vị này được nhân dân và phật tử vô cùng kính trọng, mến mộ. Đặc biệt ông đã trở thành nhà sư đầu tiên ở miền Nam được phong quốc sư.
Và ngay khi gặp Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành, công chúa Ngọc Anh đã đem lòng say đắm. Bà ngày ngày nghe thiền sư giảng về phật pháp rồi đem lòng thương nhớ. Thậm chí bà còn đề nghị thiền sư phá giới để nên duyên cùng mình.
Để tránh duyên trần với công chúa nhà Nguyễn, thiền sư đã giảng giải phật pháp với hy vọng bà sớm tỉnh ngộ, thoát khỏi mối tình oan trái này. Thiền sư còn viện cớ trở về chùa Từ Ân (Gia Định) chịu tang sư phụ rồi ở lại luôn. Song công chúa vì nhớ người trong mộng đã vào Gia Định để cúng dường chùa Từ Ân và Khải Tường nhưng thực chất là muốn gặp mặt thiền sư.
Chùa Đại Giác tọa lạc ở ấp nhị Hòa, xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa, Đồng Nai.
Trong thời gian công chúa Ngọc Anh ở chùa, mỗi sáng Thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt đều phải đến hầu chuyện. Đến một hôm, thiền sư bỗng dưng biến mất khiến công chúa cứ nằm trầm tư, buồn bã không thiết cả việc ăn uống.
Sau đó, sức khỏe công chúa ngày một sa sút, thị giả của thiền sư sợ nếu công chúa có mệnh hệ không tốt sẽ có hại cho chùa. Vì thế người này đành tiết lộ thiền sư đã lên chùa Đại Giác ở Cù lao Phố để nhập thất hai năm.
Ngay lập tức, công chúa Ngọc Anh đã tìm đến nơi đây. Khi đến trước cửa thất của Thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt, bà đã quỳ xuống thưa chuyện: “Đệ tử sắp hồi kinh nên đến đây xin hòa thượng cho diện kiến lần chót trước khi lên đường”. Tuy nhiên thiền sư nhất định không chịu trả lời làm bà phải nài nỉ: “Bạch hòa thượng, nếu hòa thượng không tiện ra tiếp, xin hòa thượng cho con nhìn thấy bàn tay của hòa thượng, đệ tử cũng hân hoan mà ra về...”. Hòa thượng trong thất đưa một bàn tay ra cửa nhỏ, công chúa vội ôm lấy bàn tay hôn nhẹ và khóc.
Sử sách chép rằng, vào khuya đêm đó, trong khi mọi người đang an giấc, bỗng thấy lửa cháy rực ở tịnh thất của Thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt. Dù tận tình cứu hỏa nhưng tịnh thất và xác thân thiền sư đã cháy tiêu. Còn Công chúa Ngọc Anh, do quá đau buồn, ngay hôm sau (2/11/1823), đã uống độc dược quyên sinh tại chùa Đại Giác.