Cụ ông 73 tuổi ở miền Tây và hành trình xây dựng nghĩa trang cho những sinh linh bé bỏng

Hữu Huy - Ngày 30/05/2021 09:45 AM (GMT+7)

Bước qua độ tuổi “thất thập”, vốn có thể yên hưởng cuộc sống nhàn nhã của tuổi xế chiều, nhưng ông Chín Xuân vẫn miệt mài với công việc thiện nguyện và chăm lo, chôn cất cho những sinh linh bé bỏng vắn số.

Chốn về của hàng trăm sinh linh bé bỏng

Hàng tuần cứ vào ngày thứ ba, năm, bảy, ông Huỳnh Văn Xuân (tên gọi khác là ông “Chín Xuân”, 73 tuổi, ngụ phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) lại vượt hành trình hơn 20km từ nhà đến nghĩa trang Vô Ưu (xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) để dọn dẹp, thăm nom...

Những lúc hay tin ở đâu có thi hài thai nhi xấu số bị bỏ rơi, ông đều có mặt để xin mang về chôn cất tử tế. Công việc này đã được ông Chín Xuân thực hiện đều đặn hơn 4 năm qua.

Kể câu chuyện của mình, ông Xuân cho biết, sau khi nghỉ hưu, bản thân ông muốn san sẻ và giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn trong xã hội. Do đó, lúc nào gặp những hoàn cảnh ngặt nghèo, ông đều đưa tay ra giúp đỡ. Ông bắt đầu chăm lo cho những trẻ em cơ nhỡ, mồ côi và cưu mang những người già neo đơn, không đơn nương tựa. Hễ nghe tin có người cao tuổi neo đơn không may qua đời mà không có ai chăm lo hậu sự, ông không ngần ngại mà lo việc an táng giúp người đã khuất được yên nghỉ.

Cụ ông 73 tuổi ở miền Tây và hành trình xây dựng nghĩa trang cho những sinh linh bé bỏng - 2

Ông Chín Xuân chia sẻ về câu chuyện thành lập nghĩa trang thai nhi mang tên "Vô Ưu".

Vào năm 2010, trong một lần đi du lịch, ông Chín Xuân biết đến một nghĩa trang thực hiện chôn cất cho hàng nghìn thai nhi vắn số. Trở về nhà, ông vẫn luôn ấp ủ về việc có thể lập nên một nghĩa trang để an táng cho những thai nhi kém may mắn.

“Suy nghĩ là vậy, nhưng việc làm thật sự không dễ dàng. Tôi vận động khắp nơi nhưng nhiều người không đồng ý. Phần vì họ lo ngại, thêm nữa là tìm mảnh đất trống làm nghĩa trang thật sự rất khó. Mãi đến năm 2016, tôi có đi làm từ thiện ở Sóc Trăng, tôi có kể mong muốn này cho sư thầy trụ trì chùa Chánh Thiên Cơ ở xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách. Nghe xong, sư cho một mảnh đất khoảng 200m2 để làm nơi an táng các thai nhi”, ông Chín Xuân nhớ lại.

Năm 2017, nghĩa trang đi vào hoạt động với tên “Vô Ưu”. Thời gian đầu hoạt động còn gặp khá nhiều khó khăn do thiếu hụt kinh phí nhưng nhờ việc làm ý nghĩa nên nhiều người tìm đến chung tay tiếp sức. Nhìn thấy việc làm ý nghĩa của ông Xuân, một người dân đã hiến mảnh đất khoảng 1700m2 bên cạnh nghĩa trang để ông Xuân có thể mở rộng nhĩa trang khi cần thiết và tiếp tục công việc ý nghĩa.

Cụ ông 73 tuổi ở miền Tây và hành trình xây dựng nghĩa trang cho những sinh linh bé bỏng - 3

Một góc ở nghĩa trang "Vô Ưu".

Những nỗi trăn trở

Suốt hơn bốn năm qua, khi hay tin ở đâu có thi thể thai nhi bị bỏ rơi, dù bất kể ngày hay đêm, ông Xuân đều có mặt để tẫn liệm và làm lễ cầu siêu. Sau đó, ông và các tình nguyện viên sẽ mang đi chôn cất tại nghĩa trang.

Bốn năm ròng rã, ông đã chôn cất hơn 400 thai nhi. Những thai nhi tại đây nhỏ nhất cũng 2 tháng, lớn nhất đã hơn 7 tháng.

“Với những trường hợp được người dân phát hiện, sau khi được cơ quan chức năng làm việc và làm thủ tục, chúng tôi đến mang về tẫn liệm, cầu siêu rồi chôn cất như người mới qua đời”, ông Xuân chia sẻ.

Theo ông Xuân, lúc mới khởi phát ý định thực hiện nghĩa trang thai nhi, ông vẫn chưa hình dung được công việc này sẽ mang đến cho mình những trải nghiệm đau lòng về sự sống và cái chết.

Ông Chín Xuân kể: “Chỉ vài trường hợp sinh non hoặc trẻ chết lưu được chính bố mẹ đưa về đây an táng và đặt tên. Còn lại là đa số những cặp tình nhân yêu đương dẫn đến có thai, không dám có trách nhiệm với đứa trẻ nên nạo phá thai. Những thai nhi bị cắt, xẻ nhỏ để đưa ra khỏi tử cung người mẹ. Lúc nhận những thai nhi bất hạnh không còn nguyên vẹn đó, người tôi cứ bần thần không cầm được nước mắt”.

Cụ ông 73 tuổi ở miền Tây và hành trình xây dựng nghĩa trang cho những sinh linh bé bỏng - 4

Hàng tuần cứ vào ngày thứ ba, năm, bảy, ông Chín Xuân lại vượt hành trình hơn 20km để dọn dẹp, thăm nom, nhang khói và làm lễ cầu siêu cho những sinh linh bé bỏng ở nghĩa trang.

Ông Xuân tâm sự, những ngày đầu làm công việc này, ông vừa đau lòng vừa tức giận những bậc cha mẹ phá bỏ thai nhi. Ông chia sẻ: “Ở đời có người này người kia, có người nặng tình cảm, nhiều lần đến nhang khói cho con và cầu nguyện cho con siêu thoát. Cũng có người lạnh lùng phá bỏ con rồi không bao giờ ngó ngàng tới nữa”.

Nhưng rồi sau đó, ông lại nghĩ mỗi người có một hoàn cảnh riêng, đều có nỗi khổ riêng nên ông cứ âm thầm làm tốt trách nhiệm, tìm chỗ nương náu cho những linh hồn bé bỏng vắn số. Ông Chín Xuân hy vọng rằng, trừ những trường hợp bất khả kháng như thai nhi dị tật hay mắc bệnh bẩm sinh ra, trước khi đi phá thai, những bậc làm cha, mẹ nên cân nhắc thật kỹ về hậu quả mang lại.

Nói đoạn, ông Xuân cho biết, hiện nay ngoài công việc chăm sóc cho nghĩa trang thai nhi, ông còn phải nấu cơm từ thiện để phát cho những hoàn cảnh khó khăn.

“Năm 2007, tôi có đi thăm bệnh ở Bệnh viện Ung bướu TP.Cần Thơ. Lúc đó tôi bắt gặp những người khó khăn, họ không có tiền lo viện phí, thuốc thang, thậm chí còn có người chẳng lo đủ bữa ăn phải trông chờ vào phần cháo trắng được phát từ thiện miễn phí. Tôi trở về nhà trằn trọc không ngủ được vì nhớ đến cảnh đó. Thế là tôi quyết định sẽ nấu cơm từ thiện để phát miễn phí cho những hoàn cảnh khó khăn”, ông Chín Xuân kể.

Nghĩ sao làm vậy, ông Chín Xuân bàn bạc với vợ về việc nấu cơm từ thiện. Vậy là cứ 5 ngày mỗi tuần, ông với vợ cùng đi chợ vận động tiểu thương quyên góp. Người gửi bó rau, người gửi ít gạo, tiền, thịt, cá, người cho củ quả,… thế là bếp ăn từ thiện của ông Chín Xuân có thể đi vào hoạt động.

Mỗi ngày, bếp từ thiện của ông Xuân cố gắng duy trì từ 80 đến 150 phần cơm. Nấu cơm và chuẩn bị thức ăn xong, ông lại mang lên xe chở đến các địa điểm như bệnh viện, những nơi nuôi dạy trẻ mồ côi, nhà mở… để phát miễn phí.

“Ban đầu chỉ có hai vợ chồng tôi làm bếp ăn. Về sau, bà con thấy việc làm ý nghĩa nên bỏ công đến giúp đỡ. Cứ thế mà bếp ăn đã duy trì được hơn chục năm qua”, ông Chín Xuân cho biết.

Cụ ông 73 tuổi ở miền Tây và hành trình xây dựng nghĩa trang cho những sinh linh bé bỏng - 5

"Hiện tuổi tôi đã cao, tôi chỉ sợ khi mình nằm xuống sẽ không có ai chăm lo cho tụi nhỏ ở đây nữa”, ông Chín Xuân chia sẻ.

Thấy ông Chín Xuân tuổi đã cao, hàng ngày vất vả chuyện nấu cơm từ thiện rồi lại vượt hành trình hơn 40km cả đi và về để chăm sóc cho nghĩa trang, một số người con của ông tỏ ra ái ngại và mong muốn ông buông bỏ bớt công việc để nghỉ ngơi.

“Thời gian đầu, các con tôi cũng ngăn cản. Chúng nói rằng tôi cơ cực hơn nửa đời người, hiện tuổi đã cao, nên an dưỡng tuổi già. Nhưng về sau thấy công việc của tôi mang nhiều ý nghĩa, các con đã ủng hộ và giúp phần sức với tôi”, ông Chín Xuân kể.

Hiện nay, những tình nguyện viên là người lao động khi rảnh rỗi sẽ đến phụ giúp bếp ăn từ thiện của ông Chín Xuân và chung tay giúp ông dẹp nghĩa trang. Có những lúc họ hỗ trợ giúp ông đi nhận thi hài các thai nhi về để ông lo phần tẫn liệm và an táng.

Ông Xuân chia sẻ: “Tuy có người giúp đỡ, nhưng ai cũng có công việc riêng, cuộc sống riêng, không thể túc trực mà làm với tôi được. Hiện tuổi tôi đã cao, tôi chỉ sợ khi mình nằm xuống sẽ không có ai chăm lo cho tụi nhỏ ở đây nữa”.

Có một Trạm cơm 0 đồng chan chứa nghĩa tình ở Sài Gòn làm ai cũng thấy ấm lòng
Sau một thời gian hoạt động, "Trạm cơm 0 đồng" ở phía trước cổng Bệnh viện Phục hồi chức năng (quận 8, TP.HCM) đã mang đến nhiều bữa ăn chất lượng,...
Hữu Huy
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chuyện Sài Gòn