"Kinh sách Phật giáo có nói đến 2 loại "tà lễ" là Ngã mạn kiêu tâm lễ và Xướng họa cầu danh lễ thì bây giờ hình như vướng cả vào...", nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ bày tỏ.
Giẫm đạp nhau để xin ấn, đánh nhau cướp kiệu, thậm chí còn có cả lễ hội dùng kiệu đâm ô tô... là những biến tướng trong các mùa lễ hội khiến người dân phải lắc đầu ngao ngán. Sau đây là những ý kiến của các chuyên gia nghiên cứu về văn hóa dân gian về vấn đề bức xúc này:
Giáo sư Ngô Đức Thịnh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam: Hãy đặt mình vào vị trí người dân
Thông qua những hiện tượng cụ thể cho thấy, năm nay lễ hội tốt hơn năm ngoái. Lấy dẫn chứng như lễ hội chùa Hương có điểm mới rất hay là tất cả các cửa hàng bán động vật hoang dã ở trước cửa chùa Thiên Trù không còn... Và nếu như nhiều điểm tích góp như vậy chắc chắn lễ hội Việt Nam sẽ tốt hơn.
Giáo sư Ngô Đức Thịnh (Ảnh Internet)
Tuy nhiên có 3 điều quan trọng của lễ hội Việt Nam cần lưu ý, đó là:
Thứ nhất, sự hiểu biết của người dân, người quản lý lễ hội chưa đầy đủ vì tâm thức đến với tín ngưỡng, cách thức tiến hành lễ hội phải hoàn chỉnh nếu không nó sẽ loạn chuẩn. Nếu như con người có tri thức về vấn đề gì đó sẽ có cách làm đúng mực.
Thực tế hiện nay, nhiều người không biết mình đang đến đình, đền, chùa nào, thờ ai, đến làm gì, cầu gì… Đại đa số đang trong tình trạng lu mờ về sự hiểu biết tín ngưỡng lễ hội bởi vậy sẽ dẫn tới hành động "loạn". Ví dụ như vụ việc đánh nhau ở Sóc Sơn, lễ hội đền Trần cũng xô bồ như thế vì hiểu không đúng về lễ hội. Đây là một nút thắt. Vấn đề bây giờ làm thế nào để người dân phải hiểu đúng về đời sống tín ngưỡng lễ hội để hành động cho đúng.
Thứ hai, vấn đề gây ra nhiều hệ lụy là hiện nay một số cơ sở tín ngưỡng, người dân và người quản lý bị trục lợi hóa. Trục lợi với đời sống thường nhật đã nguy hiểm nhưng đồng tiền thâm nhập đến đời sống tín ngưỡng sẽ phá hoại nề nếp.
Thứ 3, phải xác định vai trò chủ thể của người dân đối với lễ hội. Có tình trạng chính quyền, cơ quan ra lệnh cho người dân phải làm thế nọ, thế kia là không được. Đây là lễ hội của người dân và các cơ quan phải hướng dẫn, trợ giúp cho dân làm cho tốt chứ không phải làm thay người dân.
Hãy đặt mình vào vị trí người dân (Ảnh internet)
Ví dụ như lễ hội chém lợn truyền thống ở Ném Thượng, Bắc Ninh. Vừa qua tôi cũng đã nói là chúng ta chưa đặt mình vào vị trí người dân trong làng. Mọi người đến xem nặng về phê bình, thậm chí nói những lời làm người dân phiền lòng khi coi chém lợn là dã man. Mọi người phải hiểu người dân làm thế là vì gì.
Tôi không tin cùng đất nước Việt Nam giống nhau lại có làng Ném Thượng dã man như thế. Tất nhiên, lễ hội có những điều chưa phù hợp nhưng không có nghĩa là phải cấm họ không làm nữa. Dẫn chứng là người dân làng Ném Thượng đã phản ứng lại bằng cách phục hồi lại lễ hội của họ như thời gian qua.
Tôi đã khuyên đồng chí chủ tịch tỉnh Bắc Ninh không nên cho nhiều người ngoài và trẻ con tham gia rồi dần dần bỏ đi phong tục này. Vừa qua, nhiều nhà báo đến xem, không những không khuyên họ bỏ mà còn kích động họ trở lại với phong tục.
Bởi vậy, nếu khắc phục được 3 điểm đó thì sẽ gỡ rối và tạo nhiều điểm sáng đang còn quá ít ỏi hiện nay.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ: Lễ hội bị biến tướng đáng báo động
Tình trạng lạm dụng lễ hội đã trở nên đáng báo động ở rất nhiều lễ hội các cấp địa phương, cấp tỉnh và cả cấp quốc gia. Biểu hiện trên nhiều mặt khác nhau, cả ở phía người tổ chức, chủ thể lễ hội, và cả ở khách đi hội. Điều đó làm cho những ý nghĩa tích cực của lễ hội bị lu mờ và các hành vi tiêu cực bùng phát.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ
Đầu tiên nói đến là sự mê tín. Chính tư tưởng mê tín tạo nên hiện tượng buôn thần bán thánh nở rộ: bói toán, xóc thẻ, xin xăm, viết sớ, đốt mã... trở thành một vấn nạn. Tất cả những cái đó đều là những tín ngưỡng có tính chất mê tín rõ rệt và kéo một số lượng rất đông người đến lễ bái, góp phần tạo nên sự quá tải của không gian lễ hội.
Để cầu may cho mình mà chen chúc dẫm đạp lên đồng loại để dành được một mảnh ấn đền Trần tức là vì lòng tham mà quên mạng sống của người khác. Vì bán ấn lấy tiền mà không tính đến sinh mạng nhân dân là vì lòng tham mà quên lẽ hiếu sinh của con người. Đặt lòng tham lên đầu thì sao mà có được một xã hội văn minh, hạnh phúc.
Tiếp đến, cũng vì lòng tham mà tranh thủ làm tiền những người dự lễ hội. Hiện tượng chặt chém từ vật phẩm cúng dường đến tiền gửi xe, tiền đò giang, tiền sắp lễ, tiền cơm nước... bất chấp qui định của ban tổ chức. Người ta tranh thủ mỗi năm một lần nhặt nhạnh cái gọi là "lộc thánh", gây ra những bức xúc, đôi co, thậm chí là bạo lực ở những chốn đáng lẽ dành cho tín ngưỡng thiêng liêng, chốn giao tiếp lịch sự, thân ái, vui vẻ. Trong không gian lễ nghi, đặt đầy những hòm công đức để tận thu tín tâm của người hành hương, một số ban tổ chức đấu thầu các dịch vụ lễ hội rất cao để "làm kinh tế".
Đánh nhau ở đền Gióng. (ảnh: Đời sống và pháp luật)
Chưa hết, trong các lễ hội, hiện tượng lạm dụng rượu bia, hiện tượng cờ bạc, trộm cắp, hiện tượng háo danh qua các vật phẩm thích đạt "kỉ lục" cũng rất phổ biến.
Kinh sách Phật giáo có nói đến 2 loại "tà lễ" là Ngã mạn kiêu tâm lễ và Xướng họa cầu danh lễ thì bây giờ hình như vướng cả vào. Xây dựng cuộc sống cá nhân cũng như cuộc sống cộng đồng, đất nước không bao giờ dựa trên mê tín mà khá lên được. Phải là khoa học, kĩ thuật, quản trị, nhân văn may ra mới phát triển được cho sánh vai các cường quốc năm châu như Bác Hồ đã dạy.
Lễ hội ngày xưa theo như phản ánh của các tài liệu dân tộc học, qua những bức ảnh chụp trước 1945 ta thấy đúng là nghèo nàn và lạc hậu. Nó phô diễn một xã hội phong kiến thuộc địa tù túng, đói khổ, rách rưới và u buồn của những người đang sống mòn và chết mòn. Lễ hội ngày nay đông đảo, hào nhoáng, nhộn nhịp đến hỗn loạn. Con người tự tin và kiêu hãnh đi vào lễ hội, bùng nổ tứ phía âm thanh, sắc màu, động thái...
Như vậy ngày nay đã quá khác rồi. Cái khác dễ nhận thấy là: Dân số hôm nay so với dân số trước cách mạng tháng Tám đã tăng hơn 4 lần. Như vậy, nếu tính cư dân bản địa thôi số người dự hội đông lên gấp tư rồi. Cộng thêm đó là giao thông bây giờ thuận lợi bằng nhiều lần ngày xưa, đường sá, phương tiện từ vùng này sang vùng khác dễ dàng. Phương tiện truyền thông, quảng bá gấp hàng trăm lần để người ta biết đến, hướng về.
Người dự hội có thể đông đến hàng trăm lần mà không gian tổ chức hội vẫn thế thôi thì làm sao mà không quá tải. Quá tải là điều đáng nói nhất ở tất cả các lễ hội có danh tiếng. Từ quá tải nhân số, nó đẻ ra vô vàn khó khăn cho sự an toàn của lễ hội, cho việc phát huy những giá trị văn hóa lễ hội. Người Việt đã đông là chen, là giành giật, thế thôi.