Loài này là đặc sản ở vùng biển miền Trung, được ví như "lộc trời" mang lại thu nhập tiền triệu người dân một ngày.
Từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm là thời điểm con dắt vào mùa. Con dắt còn có tên gọi khác là con vim vỉm, đặc sản ở vùng biển miền Trung, trong đó nhiều nhất là ở khu vực ven biển huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa.
Con dắt là loài nhuyễn thể hai mảnh, nhỏ bằng đầu đũa, có họ hàng với con nghêu, sò, hến. Chúng có màu trắng nâu đục, dễ nhầm lẫn với con ngao và con hến do hình dáng vỏ ngoài giống ngao còn ruột bên trong giống hến. Thế nhưng dắt có hương vị đặc biệt, trước đây chúng gắn với những bữa cơm dân dã của người nghèo.
Con dắt là đặc sản ở vùng biển miền Trung, mỗi năm chỉ rộ lên một mùa
"Ngày trước, người dân ven biển chúng tôi thường dùng vợt nạo dắt ở dưới cát về luộc lấy nước, đãi lấy ruột nấu canh rau, hoặc canh chua, nấu cháo, xào lá lốt. Trong đó món cháo dắt là phổ biến nhất, vừa dễ ăn lại có hương vị đậm đà. Đến bây giờ mình vẫn nhớ như in nồi cháo dắt thơm phức của mẹ mỗi khi đến mùa.
Giờ đây con dắt được biết tới nhiều hơn, mang lại thu nhập cho người dân miền Trung. Ở Hà Nội, ruột dắt được làm sạch, bán trong siêu thị với giá khoảng 150.000 đồng/kg. Thỉnh thoảng mình lại mua về xào hoặc nấu cháo để đổi bữa cho gia đình", chị Thương (ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa) kể.
Dắt thường xuất hiện nhiều vào buổi sáng nên thời điểm đó người dân miền biển rủ nhau đi khai thác
Được biết, việc thu hoạch dắt phụ thuộc vào con nước. Khi thủy triều xuống thì người cào dắt bắt đầu đi khai thác. Do tập tính của dắt thường đi kiếm ăn vào buổi sáng, nên muốn bắt, người dân ven biển phải dậy từ rất sớm. Vào mùa, người cào dắt đi từ sáng sớm đến tận chiều mới trở về.
Nơi cào dắt thường là những bãi cát sát biển, có độ sâu từ 0,5 - 1m so với mặt nước biển. Dụng cụ chủ yếu để khai thác dắt là những vợt lưới dài 5 - 7m, được chế tạo chuyên biệt, có thể cào dưới nước và di chuyển một cách dễ dàng.
"Cào dắt là nghề theo mùa vụ vì dắt chỉ có một mùa trong năm nhưng cũng mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình tôi. Mỗi ngày nếu chăm chỉ mỗi người cũng phải cào được vài trăm cân dắt, rồi bán cho thương lái. Số còn lại mang về nhà làm sạch, đãi ruột bán cho các nhà hàng, quán ăn ở trong và ngoài tỉnh. Để đãi ra 1kg ruột dắt phải cần khoảng 10kg dắt tươi cả vỏ. Luộc dắt phải vừa chín tới để thịt dắt không bị khô, người đãi dắt phải kiên trì, khéo tay để loại bỏ vỏ, rác… ra bên ngoài.
Tại các nhà hàng, ruột dắt được làm thành các món đặc sản mùa hè vô cùng hấp dẫn như canh riêu dắt, cháo dắt, dắt xào bầu, dắt xào hành răm xúc bánh đa...", anh Ngọc (người có kinh nghiệm cào dắt ở Thanh Hoá) chia sẻ.
Theo anh Ngọc, ngoài dùng để chế biến món ăn, thì con dắt còn được thu mua để làm thức ăn cho các trang trại nuôi tôm, cua, vịt.
Dắt là món ăn dân dã nhưng thu hút vì thơm ngon và lạ miệng
Nghề cào dắt dù vất vả nhưng ngư dân được đi về trong ngày, thu nhập cũng khá và tương đối ổn định. Từ món ăn dành cho người nghèo, giờ đây con dắt thành "mỏ vàng" với người dân ở vùng biển miền Trung. Ruột dắt có mặt ở các thành phố, vào siêu thị, quán ăn, được người dân khắp nơi ưa chuộng vì ngọt, thơm ngon và dễ ăn.