Không chỉ nổi danh là 1 trong số 4 đại phú hộ giàu có nhất Sài Gòn lục tỉnh, bá hộ Xường còn khiến người ta ấn tượng bởi câu chuyện ông cưới cả 3 chị em ruột về làm vợ.
"Nhất Sỹ, nhì Phương, Tam Xường, Tứ Hỏa" - câu chuyện về cuộc đời của 4 vị phú hào giàu có bậc nhất Sài Gòn xưa vẫn luôn là sự quan tâm của hậu thế sau này. Trong số đó, người đứng thứ 3 - Tam Xường cũng là một nhân vật đầy thú vị. Ông không chỉ sở hữu khối tài sản khổng lồ mà đời tư cũng có nhiều yếu tố khác biệt.
Thông minh, tài giỏi, được trọng dụng nhưng cởi áo quan dấn thân vào chốn thương trường
Bá hộ Xường tên thật là Lý Tường Quan, còn có tên tự là Phước Trai. Ông sinh năm 1842, tại Nhơn Hòa, Gia Định. Bố của bá hộ Xường là người gốc Hoa, sang Việt Nam lập nghiệp vào khoảng năm 1820. Tường Quan là con thứ 3 trong một gia đình có 4 anh chị em. Ngay từ nhỏ, Tường Quan đã tỏ ra là một người "thông minh vốn sẵn tính trời". Mới chỉ 12 tuổi, ông đã thông thạo nhiều ngoại ngữ như tiếng Pháp, tiếng Trung.
Không chỉ vậy, ông còn giỏi cầm kỳ, thi họa. Ông được người Hoa bầu là bang trưởng bang Triều Châu khi tuổi đời còn rất trẻ. Sau đó, Tường Quan được Pháp mời làm thông ngôn, kiêm luôn chức vụ bang trưởng cả 7 bang Hoa kiều Chợ Lớn. Cũng chính công việc làm thông ngôn này đã tiếp thêm cơ hội cho Tường Quan lĩnh hội nhiều thông tin cơ mật. Hơn nữa, bản thân ông lại là người mưu trí, thông minh, lanh lợi nên càng có cơ hội được tiến thân vào bộ máy chính quyền thực dân.
Những tưởng với những lợi thế đó, Tường Quan sẽ thăng quan tiến chức trong con đường quan lộ. Ấy thế nhưng đến năm 30 tuổi, Tường Quan bất ngờ xin nghỉ việc thông ngôn. Quyết định này của ông khiến nhiều người kinh ngạc vì đó là công việc mà bao người mơ không được. Người ta phỏng đoán rằng, sở dĩ Tường Quan bỏ ngang như vậy là vì bản tính ông không quen với sự gò bó chốn quan trường, thích bay nhảy, tự do. Nhưng cũng có người tính toán cho rằng, với những thông tin mật thu nhận được khi còn làm thông ngôn, ông bung ra ngoài làm kinh doanh, buôn bán còn có cơ hội phất lên giàu có gấp nhiều lần so với làm quan.
Ông Lý Tường Quang và vợ cả Nguyễn Thị Lâu (ảnh chụp từ tư liệu gia đình)
Khi bắt đầu kinh doanh, ông lựa chọn mặt hàng thực phẩm. Ông xác định thịt, cá là những nhu yếu phẩm mà ai cũng phải cần đến nên mặt hàng này chắc chắn có nhiều tiềm năng phát triển. Ông thu mua ở lục tỉnh, mang lên bán ở Chợ Lớn và Sài Gòn. Bên cạnh cá tươi, ông còn chế biến thành cá khô, mắm để bán ở các vùng xa hơn, mở rộng thị trường, thậm chí còn bán cá khô ra cả nước ngoài. Với sự nhạy bén, tư duy kinh doanh tốt, ngay từ thời đó ông đã tính tới việc xuất nhập khẩu mặt hàng kinh doanh. Hơn nữa, ông lại có lợi thế biết tiếng và có nhiều quan hệ với người Pháp khi còn làm thông ngôn nên hành trình tìm đầu ra, xuất khẩu hàng ra nước ngoài của ông có phần thuận lợi hơn.
Công việc làm ăn thuận lợi, ông mở công ty Kim Bảo, hệ thống kinh doanh mở rộng. Sau khi mua thịt cá ở miền Tây bán cho người thị tứ, ông lại bán ngược nhu yếu phẩm về nông thôn. Hệ thống thu mua của ông ngày càng mở rộng ở khắp các tỉnh thành. Theo như lời truyền lại, ngày đó, gần một nửa dân miền Tây mua hàng hóa nhu yếu phẩm từ công ty của ông Tường Quan.
Khi ông trở nên giàu có, người ta không còn gọi ông bằng cái tên thật là Tường Quan nữa mà chuyển sang la bá hộ Xường. Xường là cách đọc tên gọi của ông ở nhà theo tiếng Hoa.
Không chỉ dừng lại ở kinh doanh thực phẩm, nhu yếu phẩm, khi đã có vốn liếng, ông tiếp tục “xâm lấn” thị trường Bất động sản và nhờ thế mà gia sản lại phất lên chóng mặt.
Chiêu thức của bá hộ Xường rất đơn giản, mua đất giá rẻ, xây biệt thự, xây nhà rồi cho thuê lại. Lợi thế của ông là quen biết chính quyền Pháp, lại thêm cách hành xử khéo léo, biết lấy lòng quan trên nên thu mua được nhiều khi đất ruộng, rất hoang với giá rẻ. Trên những lô đất này, ông xây địa ốc và “hốt bạc”.
Ngôi nhà của bá hộ Xường trên đường Hải Thượng Lãn Ông. Ảnh: QHKT
Đây được xem là giai đoạn cực thịnh của bá hộ Xường. Tương truyền, phần lớn nhà cửa ở vùng Chợ Lớn mới và vài quận lân cận quanh đó đều là của bá hộ Xường cả. Ước tính, ngay cả “chú Hỏa” (Phú hộ giàu có tên thật là Hui Bon Hoa), người có tới 30.000 căn nhà ở Sài Gòn – Gia Định thời đó cũng được cho rằng đứng sau bá hộ Xường về nhà cho thuê.
Chuyện ly kỳ khi cưới 3 chị em ruột làm vợ, gia môn thuận hòa, con cháu thành đạt
Thời bấy giờ, việc đàn ông 5 thê 7 thiếp là lẽ thường, nhất là với những người giàu có như bá hộ Xường thì chuyện có đến cả chục vợ cũng là điều không lấy gì làm lạ. Thế nhưng hôn nhân của bá hộ Xường đặc biệt hơn là ở chỗ, ông “hoa thơm đánh cả cụm”, cưới cả 3 chị em ruột về làm vợ chính thức.
Có lẽ vì cùng là chị em một nhà nên gia đình của bá hộ Xường khá yên ấm, thuận hòa, không có cảnh kèn cựa, vợ nọ con kia như nhiều người khác. Cả 3 bà vợ sinh cho bá hộ Xường tất cả 10 người con.
Từ đường bề thế của họ Lý ở đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5.
Bá hộ Xường vốn xuất thân từ một người ham học, nên trong quá trình nuôi dạy các con, ông cũng chú trọng việc cho các con học hành nghiêm túc. Con cái, hậu duệ của ông cũng có người chọn đường kinh doanh nhưng không được thành công như bá hộ Xường. Nhiều người khác trở thành kỹ sư, bác sĩ, công chức.
Khu lăng mộ ông Lý Tường Quan (1842-1896), còn được gọi là Bá hộ Xường – doanh nhân người Hoa được xếp thứ ba trong Tứ đại Phú hộ Sài Gòn xưa (nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định).
Năm 1896, bá hộ Xường mất đột ngột khi mới 54 tuổi. Tài sản của ông được chia đều cho con cháu mỗi người một phần. Sau năm 1975, nhiều con cháu của ông cũng đã hiến bớt nhà cửa cho nhà nước rồi ra nước ngoài định cư, thi thoảng về dự giỗ và thăm mộ tổ tiên. Khu phần mộ của vợ chồng bá hộ Xường nằm ở hẻm 79/30 đường Phú Thọ Hòa (Phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú). Đây là một ngôi mộ có kiến trúc độc đáo, mang nét cổ Trung Hoa.