Càng gần đến Tết, nhu cầu đổi tiền lẻ, tiến mới để mừng tuổi đầu năm càng tăng cao. Trong khi ngân hàng phát hành giới hạn thì trên mạng xã hội, nhiều cá nhân, hội nhóm công khai đổi tiền đầy sôi nổi.
Với quan niệm thích sự mới mẻ đầu năm, khi mừng tuổi nhiều người thường muốn trao - nhận tiền mới. Chính vì vậy thời điểm trước Tết nguyên đán luôn nhộn nhịp hoạt động đổi tiền mới, tiền lẻ. Nếu như con đường “chính ngạch” là đến ngân hàng khan hiếm nguồn tiền thì trên không gian mạng tấp nập bài đăng nhận đổi tiền dịp Tết.
Nhu cầu đổi tiền mới, tiền lẻ tăng cao dịp trước Tết
Nhân viên ngân hàng báo khan hiếm tiền mới, trên mạng bao nhiêu cũng có
Chị Thu Trang, nhân viên làm việc tại một ngân hàng tại TP.HCM cho biết năm nay tiền mới khan hiếm, đổi khó. Đa số ngân hàng sẽ ưu tiên đổi cho khách hàng có gửi tiết kiệm, sau đó mới đến khách vãng lai.
Nguyên nhân dẫn đến điều này được lý giải là vì ngân hàng nhà nước phân bổ tiền mới dịp Tết nguyên đán ít. Số lượng các mệnh giá tiền cũng khác nhau. Trong khi đó người dân có xu hướng đổi tiền mệnh giá 20.000 đồng và 50.000 đồng là nhiều nhất.
“Khi đổi tiền tại ngân hàng, người đổi sẽ không bị mất phí, đảm bảo được an toàn, không lo ngại về tiền giả. Tuy nhiên không phải ai cũng đổi được mà ngân hàng thường ưu tiên cho khách hàng gửi tiết kiệm trước, sau đó mới đến khách ngoài” - Chị Trang cho biết.
Ngân hàng khan hiếm tiền mới, tiền lẻ để đổi cho khách hàng vào dịp Tết
Trong khi đó chị Nguyễn Thủy (Nhân viên văn phòng) cho biết thường đổi tiền lẻ trong năm chứ không riêng gì dịp Tết. Tuy vậy năm nay việc đổi tiền tại ngân hàng trong khoảng thời gian cuối năm khó khăn hơn khi nguồn tiền khan hiếm.
“Ra ngân hàng giờ không có tiền lẻ, tôi đến nghe người ta bảo vậy. Có thể do nhiều người đã nhanh tay đi đổi từ sớm, sau đó cho đổi lại để hưởng chênh lệch” - Chị Thủy chia sẻ.
Nhờ sự hỗ trợ của một số người thân quen, chị Thủy đổi được một khoản tiền nhỏ sang tiền mới và tiền lẻ thông qua ngân hàng để dành lì xì dịp Tết cho con cháu.
Nếu như ngân hàng khan hiếm tiền mới, tiền lẻ dịp Tết thì thị trường đổi tiền trên mạng xã hội lại hoạt động nhộn nhịp. Khi gõ từ khóa “đổi tiền mới tiền lẻ” trên Facebook hoặc Zalo, nhanh chóng cho ra hàng loạt bài đăng rao đổi tiền của các cá nhân, hội nhóm.
Liên hệ với số điện thoại được công khai trong một bài đăng, người nhận đổi tiền cho biết có sẵn tất cả các loại mệnh giá từ 1.000 đồng, 2.000 đồng đến 10.000 đồng, 50.000 đồng. Tuy nhiên khách muốn đổi phải “đặt” trước hoặc chắc chắn hơn thì chuyển khoản cọc trước theo % thì mới giữ tiền vì rất đông người liên hệ.
Tấp nập lời rao đổi tiền mới, tiền lẻ trên mạng xã hội
Mức phí đổi là 6% trên tổng số giá trị tiền được đổi. Nếu mệnh giá càng nhỏ, càng khan hiếm thì mức phí càng cao. Cùng với đó nếu người đổi muốn giao tiền tận nhà sẽ phải trả thêm phí giao hàng. Hoặc nếu gần có thể đến trực tiếp nơi đổi để lấy tiền.
Theo quan sát trên các bài đăng rao đổi tiền trên mạng xã hội, mức chi phí được đưa ra phổ biến dao động từ 6 - 15%. Những người nhận đổi tiền thường quảng cáo có hầu hết các mệnh giá khác nhau, từ nhỏ nhất 1.000 đồng đến cao nhất 500.000 đồng. Thậm chí nếu khách hàng đổi số tiền lớn sẽ nhận được mức chiết khấu hợp lý hơn.
Cẩn trọng khi đổi tiền mới, tiền lẻ mừng tuổi dịp Tết
Trên thực tế từ năm 2013 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không phát hành tiền lẻ dưới 10.000 đồng vào dịp cuối năm và Tết nguyên đán. Đồng thời từ năm 2021, cơ quan này yêu cầu Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước không được đổi tiền mới in cho doanh nghiệp, cá nhân, kể cả cán bộ, nhân viên Ngân hàng Nhà nước.
Cần cẩn trọng đế tránh rủi ro khi đổi tiền không qua đường "chính ngạch"
Người dân muốn đổi tiền mới, tiền lẻ vào dịp Tết cần lưu ý:
- Chỉ những tổ chức được Nhà nước cho phép như: Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Ngân hàng nhà nước, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Tổ chức tín dụng, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước mới được phép thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho tổ chức, cá nhân. Ngoài các đơn vị này, mọi hoạt động thu, đổi tiền của cá nhân, tổ chức khác đều là bất hợp pháp.
- Cẩn trọng khi đổi tiền qua mạng, rủi ro có thể bị lừa tiền, chuyển khoản cọc xong không nhận được tiền đổi hoặc nhận phải tiền giả, tiền xấu.
- Chỉ nên đổi tiền mới, tiền lẻ thông qua đường "chính ngạch" tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng thuộc quản lý của nhà nước.
- Bất kỳ cá nhân nào có hành vi đổi tiền mới, tiền lẻ nhằm hưởng phần trăm chênh lệch, đổi tiền thu lời đều là hành vi trái pháp luật, có thể bị xử phạt từ 20.000.000 - 40.000.000 đồng theo Nghị định 88/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Đối với tổ chức, mức phạt sẽ gấp 2 lần.
Những cá nhân, tổ chức nhận đổi tiền mới, tiền lẻ không nằm trong quy định của nhà nước đều vi phạm pháp luật
Ngày 23/12/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 22/CT-TTg về tăng cường biện pháp bảo đảm đón Tết nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Trong đó yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cùng các tỉnh, thành phố tập trung xử lý nghiêm việc đổi tiền không đúng quy định dịp Tết âm lịch 2023. Tổ chức tốt công tác điều hòa và cung ứng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu tiền mặt cho nền kinh tế cả về giá trị và cơ cấu mệnh giá…
Về phía Ngân hàng nhà nước cũng khẳng định luôn cung ứng và đáp ứng đủ tiền mặt cả về số lượng, cơ cấu và mệnh giá thông qua hệ thống các tổ chức tín dụng, nhất là cho doanh nghiệp thương mại, siêu thị dịp cuối năm và Tết cổ truyền.