Đồng nghiệp ‘chết đứng’ vì quá tin siêu lừa 4.000 tỉ

Ngày 19/12/2014 12:27 PM (GMT+7)

Các bị cáo khai nhận vì quá tin vào Huyền Như nên mới phạm tội. Như cũng thừa nhận, các bị cáo này chính là “bị hại” của chính mình.

Biết sai nhưng… quá tin

Hôm nay (19/12/2014) phiên tòa phúc thẩm Huỳnh Thị Huyền Như (Nguyên Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ - Ngân hàng Vietinbank) cùng đồng phạm bước sang ngày thứ năm. Trong vụ án này, có 9 bị cáo thuộc phòng giao dịch Điện Biên Phủ và Đinh Tiên Hoàng (cùng thuộc Vietinbank TP.HCM) bị truy tố và xử lý về hành vi Vi phạm quy định của pháp luật về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Tất cả các bị cáo này thừa nhận, trong quá trình đề xuất, ký duyệt cho vay và duyệt cho vay, giải ngân, họ đều đã bỏ qua các bước quy trình lập hồ sơ cho vay như, không có mặt người vay, không có mặt người bảo lãnh để làm thủ tục ký tên vào hồ sơ cho vay, không đối chiếu chứng minh nhân dân của những người này…

Đồng nghiệp ‘chết đứng’ vì quá tin siêu lừa 4.000 tỉ - 1

Nhiều đồng phạm vào tù vì quá tin Huyền Như

Bị cáo Đoàn Lê Du (SN 1980, quê Kiên Giang, Nguyên Trưởng phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng) cho biết, không cố ý phạm tội. Tòa sơ thẩm tuyên án 17 năm là quá nặng nên xin giảm án. Du xác nhận, mình đã giải ngân nhưng không gặp khách hàng, trái với quy định của cơ quan.

“Do tôi và Như là đồng nghiệp. Như tạo được lòng tin. Tôi quá tin nên mới làm như vậy”, bị cáo này lý giải. Viện kiểm sát nhấn mạnh: “Biết sai nhưng vẫn làm là cố ý hay vô ý?”. Du lưỡng lự trong giây lát: “Dạ. Cố ý”. Viện kiểm sát hỏi tiếp: “Vậy có vi phạm không?”. Du rụt rè: “Dạ có”.

Trong vụ án này, Du chỉ đạo việc cho vay không có mặt khách hàng vay, người có tài sản bảo lãnh, tạo điều kiện cho Như thực hiện trót lọt lừa đảo bằng thẻ tiết kiệm mang tên 12 nhân viên ngân hàng ACB, Navibank để dùng thế chấp vay tiền tại Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng, ký giả chữ ký của người vay và người có tài bảo lãnh. Du “tiếp tay” cho Như chiếm đoạt gần 240 tỷ đồng.

Thừa nhận “đẩy” đồng nghiệp vào tù

Các bị cáo khác cùng tội danh cũng xin tòa xem xét giảm án. Họ đều thừa nhận, bởi vì quá tin Như nên “vô tình” phạm tội. Tuy nhiên, Tòa cũng nhấn mạnh, tất cả các bị cáo này đều có năng lực, chuyên môn, phẩm chất đức. Các bị cáo vì quá tin tưởng về năng lực, phẩm chất đạo đức của Như nên đã phạm tội. Hành vi này đã tạo điều kiện cho “siêu lừa” chiếm đoạt số tiền “khủng”.

Riêng Huyền Như, mỗi khi được hỏi đều thừa nhận, các đồng nghiệp chính là “bị hại” của chính mình. “Bị cáo đã gian dối với đồng nghiệp. Các đồng nghiệp đã tin tưởng bị cáo nên mới bị dẫn đến hoàn cảnh hôm nay”, Như khai.

Đồng nghiệp ‘chết đứng’ vì quá tin siêu lừa 4.000 tỉ - 2

Huyền Như thừa nhận, mình đã đẩy nhiều đồng nghiệp vào tù

Do quá trình phạm tội, Như đã làm giả quá nhiều hồ sơ nên không thể nhớ hết. Đồng thời, Như cũng không nhớ nỗi số tiền mình phải bồi thường thiệt hại liên quan đối với hành vi phạm tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng của các đồng nghiệp. Mặc dù vậy, “siêu lừa” xác nhận, lời khai trong hồ sơ vụ án và số tiền phải bồi thường cho các bị hại đã tuyên ở cấp sơ thẩm là chính xác.

Trước đó, trong phiên xử sơ thẩm, có luật sư cho rằng, trong nhóm vi phạm này, Vietinbank không phải là bị hại nên không có thiệt hại xảy ra nên các bị cáo này không phạm tội. Mặc dù vậy, cấp sơ thẩm nhận định, Vietinbank không bị thiệt hại, không gánh hậu quả, nhưng từ việc làm của các bị cáo là nhân viên của ngân hàng này đã gây thiệt hại cho các cá nhân, đơn vị, tổ chức. Do đó, các bị cáo này phải gánh chịu hậu quả do mình gây ra.

Khôi Nguyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề An ninh hình sự