Nhận nuôi một cậu bé không cùng quốc tịch, không rõ gốc gác nhưng quyết định của người phụ nữ này đã làm thay đổi cuộc đời của cả một con người.
Trong một con hẻm của thành phố Thượng Hải, Trung Quốc, một nam thanh niên với dáng người cao lớn, nước da đen nhẻm đang chào mời khách hàng mua đồ bằng phương ngữ Thượng Hải chính gốc. Đứng cạnh anh ấy là một người phụ nữ già cả, mỉm cười nhẹ nhàng nhìn anh.
Nam thanh niên này tên là Zhu Junlong, mặc dù cái tên đậm chất Trung Quốc nhưng bất cứ ai nhìn vào cũng lập tức nhận ra cậu không phải người Trung mà là một người gốc Phi. Vậy làm thế nào mà chàng trai châu Phi này lại sống trong một gia đình người Trung Quốc, câu trả lời nằm ở 22 năm trước.
Vào khoảng 6h sáng ngày 8/8/2000, bà Zhu Shuibao khi ấy 55 tuổi, sống tại quận Phố Đông, thành phố Thượng Hải, đã dậy sớm để đi chợ bán rau như thường lệ. Khi đang đi bộ trên con đường làng gần đường cao tốc Thượng Hải - Nam Kinh, bà Zhu Shuibao bất ngờ nghe thấy tiếng khóc thảm thiết. Ban đầu, bà tưởng đó là tiếng mèo kêu nhưng càng nghe kỹ lại càng thấy giống tiếng đứa trẻ đang gào khóc.
Bà Zhu Shuibao lập tức đi tìm và sốc nặng khi tìm thấy một đứa trẻ đang nằm trên bãi cỏ, không có bộ quần áo nào trên người, chỉ được đắp một tấm chăn mỏng. Bà Zhu Shuibao đánh rơi cả giỏ rau, chạy đến bế đứa trẻ lên. Vốn sinh trưởng trong một gia đình đông con, bà Zhu Shuibao không hề giàu có gì nhưng vì không nỡ để một đứa trẻ bị bỏ rơi trên đường, bà bèn nhặt về nuôi, tin rằng đây là sự sắp đặt của số mệnh.
Bên cạnh bé trai, bà Zhu Shuibao cũng tìm thấy tờ giấy ghi ngày sinh là 1/8, có nghĩa là đứa trẻ đã bị bỏ rơi 7 ngày. Bà Zhu Shuibao lập tức đưa bé trai về nhà chăm sóc. Do thời tiết nắng nóng, da đứa trẻ đã bị mụn nhọt, nổi mẩn ngứa khắp người, toàn thân đen nhẻm và bẩn thỉu. Bà Zhu Shuibao lập tức tắm rửa và bôi thuốc cho bé trai.
Thế nhưng ngày hôm đó, bà Zhu Shuibao đã tắm cho cậu bé mấy lần mà vẫn thấy da cậu đen nhẻm. Trước giờ, bà chưa từng thấy đứa trẻ nào đen như vậy. Sợ cậu bé có bệnh, bà Zhu Shuibao phải đưa tới bệnh viện khám tổng quát, đến khi nhận được kết quả ổn định mới yên tâm. Nhận ra đứa trẻ có làn da đen vì là người châu Phi, bà Zhu Shuibao vẫn một mực yêu thương, đặt tên cậu bé là Zhu Junlong, theo họ của mình.
Trước khi chính thức nhận nuôi Zhu Junlong, bà Zhu Shuibao cũng đã nghĩ đến chuyện tìm bố mẹ đẻ cho cậu bé. Bà đã báo trường hợp này với cảnh sát nhưng sau một thời gian dài chờ đợi vẫn không có kết quả gì.
Bà Zhu Shuibao và chồng có 3 người con nhưng sau khi nhận nuôi Zhu Junlong, tất cả đều coi cậu bé như người thân ruột thịt trong nhà. Gia đình có thêm một miệng ăn, hoàn cảnh của bà Zhu Shuibao càng thêm khó khăn nhưng vào ngày Zhu Junlong cất tiếng gọi: "Bố mẹ ơi", mọi vất vả trên vai bà như tan biến.
Tháng 9/2004, Zhu Shuibao khi ấy 4 tuổi, đã đến tuổi đi học mẫu giáo nhưng lại không đủ điều kiện, nguyên nhân bởi cậu bé không có hộ khẩu Thượng Hải. Vì bà Zhu Shuibao không có giấy chứng nhận con nuôi nên việc này vô cùng khó khăn.
Sau đó, chồng của bà Zhu Shuibao đã nghe được thông tin về một trại trẻ mồ côi chấp nhận dạy học những đứa trẻ có tình cảnh tương tự. Vì vậy, 2 vợ chồng bà đã đưa Zhu Junlong tới nơi cách nhà hơn 40 km để ghi danh, hy vọng cậu bé được thuận lợi đi học.
Nào ngờ khi đến đây, Zhu Junlong lại bật khóc nức nở, tưởng rằng mình bị bỏ rơi vì không ngoan ngoãn. Thấy đứa trẻ như vậy, bà Zhu Shuibao cũng không kìm được lòng mà òa khóc. Cuối cùng, vì không xác định được quốc tịch của Zhu Junlong và chưa từng gặp trường hợp tương tự nên trại trẻ mồ côi cũng đành từ chối. Vợ chồng bà Zhu Shuibao lại đem Zhu Junlong về lại nhà, lòng buồn vui khó tả.
Năm 2007, Zhu Junlong bước vào lớp 1 theo diện trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên tại đây, cậu bé đã nhận không ít sự kỳ thị và ghét bỏ của bạn bè xung quanh vì ngoại hình khác lạ của mình. Có đứa trẻ còn thốt lên rằng: "Tại sao da cậu lại đen vậy? Cậu không phải là người ngoài hành tinh sao?", khiến Zhu Junlong vô cùng tổn thương. Sau đó, bà Zhu Shuibao đã nói thật về xuất thân của Zhu Junlong cho cậ bé biết. Thấu hiểu được tình yêu thương mà bà Zhu Shuibao dành cho mình, Zhu Junlong đã vượt qua mọi mặc cảm để phấn đấu vươn lên.
Sau khi lên cấp 2, thỉnh thoảng vẫn có người tò mò hỏi về nước da của Zhu Junlong. Khi ấy, cậu bé chỉ trả lời một cách nhẹ nhàng và lịch thiệp: "Tớ là một báu vật trong gia đình, chỉ là có nước da đen hơn một chút".
Tới năm 2014, bà Zhu Shuibao đã chính thức nhận được giấy chứng nhận con nuôi và đưa tên Zhu Junlong vào hộ khẩu gia đình mình. Tháng 7/2017, gia đình bà Zhu Shuibao chuyển đến một căn nhà mới ở quận Phố Đông do chính quyền hỗ trợ. Năm 2018, Zhu Junlong đỗ vào đại học. Ngày đó, bà Zhu Shuibao khóc hết nước mắt vì công sức nuôi nấng bao năm đã được đền đáp.
Zhu Junlong từng chia sẻ với một người bạn thân rằng anh sẽ không bao giờ chủ động đi tìm gia đình ruột của mình vì với anh, chỉ cần một gia đình là đủ. Anh cũng hứa rằng sẽ học hành thật tốt để báo đáp công ơn trời biển của bà Zhu Shuibao.
Sau này, người con trai cả của bà Zhu Shuibao bị phá sản nên phải bán nhà, bà cũng đành bán căn nhà của mình cho con trả nợ. Bà Zhu Shuibao không còn nơi để về nhưng những đứa con khác cũng không muốn đón bà về nuôi. Thấy vậy, Zhu Junlong đã đưa bà về căn hộ nhỏ của mình, vừa đi học vừa chăm sóc cho người mẹ nuôi già cả.
Gần 22 năm đã trôi qua kể từ ngày bà Zhu Shuibao nhặt Zhu Junlong về nuôi. Nếu ngày đó bà Zhu Shuibao không quyết định như vậy, không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra với cậu bé, cũng có thể cậu không thể sống trên đời này được nữa. Hiểu được chuyện đó, Zhu Junlong luôn đặt chữ hiếu lên hàng đầu, dù không có quan hệ huyết thống với bà Zhu Shuibao nhưng vẫn muốn phụng dưỡng, trả ơn bà suốt đời.
"Tôi không đòi hỏi một cuộc sống xa hoa. Tôi chỉ cần bà ấy được vui vẻ. Bây giờ, dù chỉ sống trong một căn phòng nhỏ nhưng vì có bà ấy nên tôi cảm thấy rất hạnh phúc", Zhu Junlong chia sẻ.