Sau sự việc chen lấn xô đẩy tại điểm tiêm chủng Lương Thế Vinh, các Facebooker đã phân tích sự an toàn của vắc xin Quinvaxem để phụ huynh có cái nhìn đúng đắn hơn về loại vắc xin được chính phủ Việt Nam lựa chọn để tiêm chủng miễn phí.
Trước đó, từ đêm ngày 24 đến 10 giờ sáng ngày 25/12, tại điểm tiêm chủng dịch vụ Polyvac (cơ sở 2) đóng tại đường Lương Thế Vinh (Hà Nội) đã xảy ra sự cố chen lấn, xô đẩy khi đứng chờ tiêm vắc xin dịch vụ “5 trong 1” cho con.
Sự cố này khiến cho hoạt động tiêm chủng như đã thông báo trước đã phải tạm hoãn để đảm bảo an toàn và an ninh trật tự. Ngay sau sự việc trên, Bộ Y tế đã tổ chức họp nóng và yêu cầu tạm dừng tất cả các cơ sở tiêm đang tiêm loại vắc xin này. Đồng thời, Bộ Y tế và các bên liên quan đã “ngồi lại với nhau” để bàn phương án giải quyết cũng như tiêm chủng sao cho khoa học và hợp lý nhất.
Điểm tiêm chủng dịch vụ 182, Lương Thế Vinh, Hà Nội đông nghịt người chờ tiêm vắc xin "5 trong 1" cho con vào sáng 25/12.
Vắc xin dịch vụ '5 trong 1' đã trở thành cơn sốt thực sự. Điều đáng nói là loại vắc-xin tương tự trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng là vắc xin Quinvaxem vừa miễn phí, vừa đầy đủ thì lại bị người dân thờ ơ.
Nhiều người tỏ ra hoài nghi về sự an toàn của loại vắc xin này, đặc biệt ở các địa phương, vùng quê đã biến Quinvaxem – loại vắc xin được chính phủ Việt Nam lựa chọn để tiêm chủng mở rộng (miễn phí) thành chất độc hại chết trẻ.
Trên trang cá nhân, Facebooker Minh Triết đã chia sẻ bài viết ngắn gọn nhưng rõ ràng để các phụ huynh có cái nhìn đúng đắn hơn về thực trạng thuốc tiêm phòng hiện nay, tránh cảm tính bầy đàn, gây xáo trộn không đáng có cho những người xung quanh:
"Quinvaxem và Pentaxim
Nhổ răng bằng 1 cái kìm inox hay 1 kìm vàng là như nhau.
Xem thời gian bằng 1 cái đồng hồ 100.000 VNĐ hay 100 ngàn USD là như nhau.
Nhiều người hoài nghi về sự an toàn của Quinvaxem đã gây ra cuộc khủng hoảng vắc xin như hiện nay.
Bộ y tế cũng không biết cách giải thích cho người dân rằng tỉ lệ phản ứng với vắc xin Quinvaxem rằng 9 trường hợp trên 14 triệu mũi tiêm là vô cùng thấp, có thể coi như tuyệt đối an toàn. Khả năng bị phản ứng vơi vắc xin thấp hơn nhiều khả năng bị hóc hạt vải, đồng xu và 1 tỷ loại tai nạn luôn rình rập các cháu bé.
Những trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng vắc xin Quinvaxem tại Việt Nam có liên quan đến vắc xin hay không?
* 43 trường hợp phản ứng sau khi sử dụng vắc xin Quinvaxem tại Việt Nam đã được các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới đánh giá nguyên nhân, trong đó 9 trường hợp có liên quan đến vắc xin trên tổng số 14 triệu mũi tiêm. 9 trường hợp này đều bình phục, các biểu hiện phản ứng gồm sốt cao, co giật trong vòng 48 giờ sau tiêm vắc xin; sốc phản vệ; hội chứng giảm trương lực cơ và biểu hiện phản ứng dị ứng.
* So với tỷ lệ phản ứng đối với vắc xin DPT có thành phần ho gà toàn tế bào, tỷ lệ phản ứng sốc là 20/1 triệu liều, khóc hơn 3 giờ với tỷ lệ < 1/100 liều, giảm trương lực cơ với tỷ lệ 1-2/1 triệu liều thì tỷ lệ phản ứng sau tiêm chủng được ghi nhận ở Việt Nam thấp hơn so với khuyến cáo.
* Các lô vắc xin nghi ngờ về chất lượng đã được gửi tới Viện kiểm định Quốc tế, kết quả kiểm định các mẫu vắc xin đều đạt tiêu chuẩn về an toàn".
Cũng trên trang cá nhân của mình, bác sỹ Huỳnh Phước Sang phân tích sự an toàn và hiệu quả của vắc xin Quinvaxem, đưa ra lời khuyên đối với các bậc phụ huynh rằng không nên chạy theo phong trào tiêm dịch vụ, rồi tiêm trễ, hại chết con mình vì tính bề ngoài bầy đàn.
"Ai cũng xem Quinvaxem, loại vaccine mà Tổ Chức Y Tế Thế Giới khuyên dùng là một loại thuốc độc chích vào có thể gây chết người cho con mình, và ai có tiền đều muốn tìm loại tốt hơn cho con mình, kể cả việc bay ra nước ngoài để chích!
Việc chen lấn giành nhau liều vaccine đắt tiền hiện nay vẫn chưa là nguy hiểm, mà câu chuyện sẽ còn tiếp diễn là hàng triệu bà mẹ không có tiền sẽ không muốn cho con mình đi chích loại miễn phí rẻ tiền vì tủi thân, điều đó sẽ dễ dàng bùng lên dịch bệnh!
Vắc xin đắt tiền (dịch vụ) thì ít tác dụng phụ hơn, nhưng sức bảo vệ yếu hơn còn loại rẻ tiền (miễn phí) thì có nhiều tác dụng phụ hơn nhưng bảo vệ mạnh hơn. Nên chưa chắc mắc tiền đã là tốt hơn. Mắc hay rẻ là do công nghệ mà thôi, (như sản xuất ti vi đen trắng giờ mắc hơn tivi màu).
Sở dĩ các nước giàu, họ chọn loại vắc xin mắc tiền ít tác dụng phụ nhưng bảo vệ yếu hơn vì hệ thống y tế họ mạnh, họ sẵn sàng ứng phó tốt khi có dịch bệnh xảy ra. Và ngược lại, Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo các nước có hệ thống y tế yếu nên chọn loại vắc xin mạnh mẽ hơn (Quinvaxem), đảm bảo dịch bệnh ít bùng phát hơn, tất nhiên chịu khó với tác dụng phụ một chút.
Tác dụng phụ nhỏ như sốt, mệt thì có, còn gây chết thì phải xem lại. Mỗi ngày, Việt Nam có khoảng 70 trẻ dưới 1 tuổi chết không rõ nguyên nhân, nên việc trùng hợp vào đợt chích vắc xin là bình thường, đừng hiểu lầm! Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã tuyên bố an toàn, chưa có trường hợp chết nào do Quinvaxem cả, hãy tỉnh táo.
Tóm lại nên chích ngừa, chích loại miễn phí hay dịch vụ đều được, chỉ có điều, khi có dịch bệnh xảy ra, dịch sẽ ưu tiên chọn lựa trẻ để gây bệnh theo thứ tự sau:
(1) Trẻ không chích ưu tiên bị trước
(2) Trẻ chích loại dịch vụ bảo vệ kém ưu tiên bị thứ hai
(3) Sau cùng mới đến trẻ chích loại rẻ tiền bảo vệ mạnh mẽ
Tuỳ các bạn lựa chọn cho con mình. Đừng vì khoe mẽ mà chạy theo phong trào chích dịch vụ, rồi chích trễ này kia hại chết con mình vì tính bề ngoài bầy đàn".
Facebooker Nguyễn Quảng (từ Milton Keynes, Anh Quốc) nhấn mạng rằng Việt Nam là nước nghèo, tiêm miễn phí cho nhân dân là rất khá, đó là nỗ lực rất lớn của Bộ Y tế.
Nhiều bạn hiền không muốn tiêm vắc xin cho con, thực ra con các bạn, các bạn lo, nhưng con các bạn không tiêm dẫn tới ốm đau dặt dẹo lây nhiễm trẻ khác, thì sẽ kéo xã hội vốn đã tụt hậu càng thêm tụt hậu.
Phương Tây tiêm phòng là bắt buộc, bố mẹ sẽ bị truy tố nếu không đem con đi tiêm.
Tôi sẽ nói đơn giản, để các bạn lao động cần lao của tôi dễ hiểu, nếu tôi nói một từ chuyên ngành như đa bào vô bào xyz, thì các bạn sẽ ngáp. Nhưng tôi, may mắn thay, đã được thảo luận với một vài chuyên gia đầu ngành về tiêm chủng .
Đầu tiên, vắc xin là cấy 1 ông trùng độc đang ngủ vào cơ thể bạn. Ông trùng độc này hoặc ngủ, hoặc làm yếu đi, không gây hại, không đập phá, cơ thể bạn nhận biết ra, điều quân đến, đâm nó chết nhe răng.
Ví dụ dễ hơn nhé, con trùng tiêm vào đó như cái bao cát để bạn tập đấm đá, đạp, lúc này bạn có võ rồi có thể lộn 3 vòng đá 7 phát vào gan, vỗ ngực xưng hùng thiên hạ. Nếu con trùng xịn mò vào, thì cơ thể bạn đã đủ khỏe để đề kháng.
Như vậy, kiểu gì, vắc xin do Thái Thượng Lão Quân bào chế cũng phải đưa ông trùng độc dặt dẹo vào và không an toàn cho 100%, khi cấy ông trùng độc ngủ gật vào, có cơ thể không chịu được nhiệt, gây phản ứng lại. Bạn có bay sang Anh hay sang Bỉ hay Hàn nơi sản xuất vắc xin, thì không một ai dám chắc không có sốc phản vệ.
Nếu không tiêm, sẽ chết 2000 trẻ ở 1 dịch sởi đơn giản, 2000 trẻ khác ở uốn ván lìu tìu, 2000 trẻ khác ở ho gà vớ va vớ vẩn. Nếu tiêm, sẽ có thể có 3 trẻ chết do sốc, chục trường hợp phản ứng nặng nhẹ khác nhau.
Vậy sợ thì đừng tiêm, các bạn của tôi, các bạn đã không tiêm cho trẻ mùa nào không nhớ, và khi dịch sởi bùng phát, trẻ con đau ốm vào viện như thác lũ, và bố mẹ chúng đã phải thừa nhận, do nghe lung tung mà không chích ngừa cho con, hoặc chích nhưng bỏ mũi nhắc lại.
Rất nhiều con trẻ chết vì lỗi của bố mẹ thiếu hiểu biết, nhưng lỗi chính là của các trang tin mạng a dua thổi bùng ngọn lửa hoang mang về vắc xin trong nhân dân cần lao thiếu hiểu biết.
Việt Nam là nước nghèo, tiêm miễn phí cho nhân dân là rất khá, đó là nỗ lực rất lớn của Bộ Y tế.
Các bạn hãy cân nhắc khi dìm vắc xin, năm ngoái khi trẻ chết như ngả rạ do không tiêm ngừa, các bạn trốn đi đâu?
Trẻ con cần được chích ngừa, đó là điều không thể không làm. Đừng a dua, đừng gây khẩu nghiệp.