Giản Thanh Sơn là người hiếm, từng xác lập ba kỷ lục Việt Nam: Người chụp ảnh chân dung chính khách nhiều nhất Việt Nam, Dấu ấn hội nhập - Bộ sách ảnh cao cấp đầu tiên về hoạt động ngoại giao của Việt Nam, Người sở hữu bộ ảnh chụp Tổ quốc từ không trung nhiều nhất Việt Nam.
Giản Thanh Sơn sinh ra và lớn lên tại vùng sông nước nghèo của tỉnh Long An. Nhà khó khăn, nhưng ông thích chụp hình. Thuở ấy, thấy ai có cái máy ảnh là ông đến gần, mải miết nhìn, sờ thử. Chật vật lắm, gia đình mới gom góp mua được một chiếc máy ảnh Canon để thỏa mãn đam mê. Trưởng thành, ông có duyên và trở thành một nhà báo. Ban đầu, ông công tác tại quê nhà, nhưng về sau, ông chuyển lên TP.HCM.
Giản Thanh Sơn chụp hình trên một phi cơ
Năm 1993, Tổng thống Pháp Francois Mitterrand thăm Việt Nam. Ông được tòa soạn phân công tham dự và đưa tin sự kiện này. Từ sự kiện đây, ông bắt đầu hình thành ý tưởng về chụp hình chân dung chính khách. Từ đó, ông được tiếp tục phân công tham dự hầu hết các sự kiện thăm viếng Việt Nam của các nguyên thủ quốc gia.
Cũng vì vậy, trong các sự kiện diễn ra, ông luôn là một trong những người đến sớm nhất. Ông ghi chép và tranh thủ chụp hình. Cố gắng làm sao chọn cho được những khoảnh khắc đẹp nhất của vị chính khách ấy. Bởi khoảnh khắc không bao giờ lặp lại. Và, ông luôn là người rời khỏi các sự kiện muộn nhất.
Cũng vì điều này, có không ít đồng nghiệp cảm thấy “chướng mắt”: “Chụp làm gì mà chụp lắm thế?”. Ông biết, nhưng không nói gì, chỉ đáp lại bằng nụ cười hiền khô. Từ đó đến nay, hầu hết, mỗi khi có chính khách quốc tế đến thăm Việt Nam ông lại có mặt. Cũng vì điều này, không ít đồng nghiệp nói đùa: “Chỗ nào có chính khách, chỗ đó có Sơn”.
Ông kỷ niệm 10 năm chụp ảnh chân dung chính khách của mình (1993 – 2003) bằng cuộc triển lãm 100 bức chân dung chính khách của gần 100 quốc gia tại khách sạn 5 saoEquatorial. Lúc này, một số đồng nghiệp ghé tai xin lỗi vì trước đó có ý nghĩ không hay về ông.
Triển lãm này đã gây sự chú ý của giới truyền thông và công chúng trong một thời gian dài. Bởi, có bao nhiêu đồng nghiệp được tham dự hầu hết cuộc tiếp đón nguyên thủ? Và mấy ai có ý tưởng chụp ảnh theo đề tài như ông?... Chính vì vậy, ông đã được xác lập kỷ lục Việt Nam: Người chụp ảnh chân dung chính khách nhất Việt Nam.
Vài năm trước, ông được chuyển sang làm phóng viên trực thuộc Văn phòng Chủ tịch nước. Năm 2007, ông tháp tùng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm Mỹ. Đó cũng là lần đầu tiên ông có mặt Phòng Bầu dục của Nhà Trắng và diện kiến với Tổng thống G. Bush. Từ đó, ông đi miết. Có lần, tôi hỏi: “Chú đi được tất cả bao nhiêu nước rồi?”. Ông bảo: “Hình như hơn 85”.
Trong các cuộc trò chuyện, tôi từng hỏi: “Gặp nhiều vị chính khách như thế, ông có ấn tượng nhất với vị nào?”. Ông nói nhẹ hều: “Mỗi nhân vật đều có sự ấn tượng khác nhau”. Về sau, tôi tin lời nói này là thật. Bởi, nếu không ấn tượng thì làm sao cầm bất kì bức ảnh nào trên tay, ông đều có thể đọc tên vanh vách từng nhân vật, nhắc lại năm chụp, nơi chụp…
Chẳng hạn, ông cầm bức chân dung Tổng thống nước Cộng hòa Algeri Abdelaziz Bouteflike liền bảo: “Tấm này chụp vào chiều ngày 17/10/2000. Sở dĩ cả tấm hình chỉ có khuôn mặt vị tổng thống sáng, vì lúc đó, chụp nhiều tấm nhưng đèn flash không chịu nháy. Cả cuộn phim, khi rọi rọi ra hình, chỉ còn lại vài bức ưng ý”. Hay, ông cầm bức hình chụp Tổng thống Pháp Jacques Chirac và Thủ tướng Nhật Keizo Obuchi là nhắc đến hai năm 1997 và 1988…
Giản Thanh Sơn tặng bộ lịch mới cho các bạn ngoại quốc
Trong kho tàng ảnh của ông, còn có nhiều hình ông chụp chung với các vị chính khách. Trong đó có Tổng thống G.Bush như một bằng hữu. Có khi là ngồi cạnh một sĩ quan đặc vụ Quốc vương Arap Saud như hai anh em… Có lần lại hỏi: “Chú gần gũi như thế, có thân thiết với vị nào không?”. Ông nhỏ nhẹ: “Có. Mình quý họ và họ cũng quý mình…”
Bên cạnh chụp hình chân dung chính khách, ông còn đam mê chụp hình biển, đảo của nước ta. Đặc biệt, ông không chụp hình biển, đảo bằng cách đứng dưới mặt đất mà là chụp từ không trung.
Khoảng 20 năm trước, trong một lần ra thềm lục địa bằng trực thăng, ông cảm thấy “choáng” trước vẻ đẹp của đất nước mình nhìn từ trên cao. Đặc biệt là hình ảnh của biển đảo, của những ngọn núi cao... Lúc đó, chưa có máy ảnh kĩ thuật số, ông đã “đốt” rất nhiều phim mới có được những bức ảnh ưng ý.
Lúc nào cũng vậy, trong bất kì chuyến bay dân dụng nào, ông cũng xin được ngồi gần cửa sổ để ngắm, chụp lại những khoản khắc đẹp của đất nước Việt. Thời gian gần đây, ông quen thân với Trung đoàn không quân trực thăng 917 (Sư đoàn không quân 370) và được các đồng chí ở đây xem như là một thành viên trong gia đình. Đó cũng vừa là cái duyên, vừa là may mắn để ông thỏa đam mê chụp hình từ không trung.
Ông không thể nhớ đã bao nhiêu lần bước lên máy bay, bao nhiêu lần chụp hình đất nước từ trên không. Thế nhưng, bây giờ, khi ngồi trên phi cơ, đưa ống kính ghi lại những hình ảnh đẹp của biển, đảo, tim ông vẫn hồi hộp như lần đầu được nhìn thấy.
Những ngày cuối năm, ông đã hoàn thành bộ lịch 7 tờ “Đảo xanh nước Việt”. Đây chưa phải là những bức hình đẹp nhất, mang dấu ấn lớn nhất. Nhưng, chúng là bảy khoảnh khắc, bảy hòn đảo, bảy cung bậc cảm xúc khác nhau. Kèm theo những bức ảnh, ông còn cẩn thận, tỉ mỉ ghi những dòng chú thích giới thiệu đôi nét về đặc điểm của từng hòn đảo ấy.
Côn Đảo nhìn từ không trung qua ống kính của Giản Thanh Sơn
Hiện tại, ông tất bậc hoàn thành quyển sách “Không ảnh đảo và bờ biển Việt”. Dự kiến, sau Tết Nguyên đán sẽ được xuất bản. Dự án này đã kéo dài 20 năm nhưng đến nay mới là những ngày cuối cùng hoàn thành. Ông cho hay: “Nước ta có hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, bờ biển dài hàng nghìn km. Mình lại không chủ động được phương tiện. Chủ yếu, dựa vào những chuyến bay quân sự để chụp hình. Vả lại, chụp từ trên không, lắm khi không thể chọn được những góc hài lòng”.
Quyển sách này sẽ là một ký sự về các quần đảo, từng hòn đảo, từng vùng biển, từng bờ biển của nước ta. Qua đây, ông mong muốn, mình sẽ góp một phần nhỏ để khẳng định chủ quyền của đất nước. Ông tin, qua những bức hình của mình sẽ khơi gợi, vun đắp thêm tình cảm lòng yêu Tổ quốc của đồng bào.