Giá điện, xăng cùng tăng: Người Sài Gòn lao đao thời 'bão giá', tìm đủ mọi cách tiết kiệm

Ngày 11/05/2019 06:00 AM (GMT+7)

Điện tăng, xăng tăng, kéo theo nỗi lo nhiều khoản chi khác cũng tăng. Người dân thành phố đang tích cực thực hiện mọi chính sách tiết kiệm để đối phó với thời “bão giá”.

Còn chưa hết sốc khi giá điện tăng đến 8,36%, người dân đã phải tiếp tục nghe tin giá xăng tăng gần 1.000 đồng/ lít kể từ chiều ngày 02/05. Trong năm nay giá xăng đã tăng 3 lần liên tiếp với tổng mức tăng lên tới gần 3.500 đồng/lít, tương ứng khoảng 19%. Hiện xăng E5RON92 ở mức 20.688 đồng/lít; xăng RON95-III 22.191 đồng/lít và dầu diesel 0.05S ở mức 17.695 đồng/lít. Giá xăng tăng liên tiếp cộng với hóa đơn tiền điện tăng cao gây áp lực lớn đến tâm lý của người tiêu dùng cũng như giá cả nhiều mặt hàng.

Giá điện, xăng cùng tăng: Người Sài Gòn lao đao thời amp;#39;bão giáamp;#39;, tìm đủ mọi cách tiết kiệm - 1

Điện, xăng tăng giá kéo theo nỗi lo nhiều khoản chi phí sinh hoạt tăng. (Ảnh minh họa)

Muôn kiểu tiết kiệm thời “bão giá”

Chị Thanh Tiền (35 tuổi, ngụ Bình Thạnh) cho biết giá xăng và điện tăng làm mọi sinh hoạt gia đình đảo lộn. Giá cả từ chợ đến hàng quán bắt đầu tăng so với trước đó, buộc vợ chồng chị phải lên phương án "thắt lưng buộc bụng".

“Gia đình tôi có 3 người, trước đi chợ gói ghém trong khoảng 100 nghìn đồng là vừa đủ cho bữa cơm 1 ngày, nhưng nay phải chi nhiều hơn. Rau, dưa hồi trước mua 10 nghìn đồng thì nay lên 15 nghìn đồng, cá mắm cũng tăng cỡ 20%, hủ tiếu, bún bò có chỗ tăng thêm 3 nghìn đồng/tô…”, chị Tiền chia sẻ. Cuối tuần chị hay đưa con đi ăn gà rán, đi công viên chơi, nhưng nay cùng lắm là dắt con ra siêu thị gần nhà cho mát chứ cũng không dám mua gì vì sợ tốn kém.  

Vợ chồng anh Nguyễn Thiên (30 tuổi, ngụ Tân Bình) vừa gom góp mua được căn hộ nhỏ sau 2 năm kết hôn thì gặp tình trạng tăng giá đủ thứ. “Vợ tôi đi chợ về nói rau củ quả cũng tăng. Căn hộ vẫn còn phải trả góp 2, 3 tháng nữa cho ngân hàng. Hai vợ chồng mới nhận tiền giấy báo điện tăng, chưa kịp hết hồn thì quay sang tới xăng tăng giá. Mấy hôm nay vợ chồng tôi phải nấu cơm mang đi tiết kiệm tiền cơm trưa. Trước mỗi người đi một chiếc xe thì nay chở nhau đi làm để đỡ tốn thêm tiền xăng. Sắp tới chúng tôi tính sẽ có em bé, nên mọi thứ phải tiết kiệm tối đa”, anh Thiên tâm sự.

Không chỉ riêng người lao động, sinh viên cũng phải đau đầu giải bài toán chi tiêu sao cho vừa đủ số tiền ba mẹ gửi. “Tiền ba mẹ gửi cho em để dành đóng học phí, đóng tiền trọ và đề phòng bất trắc. Mấy hôm nay chi phí tăng giá, em cũng chỉ dám tự nấu cơm ăn ở nhà. Cũng không dám đi chợ mà ăn tạm khô và trứng mang từ quê lên. Nhiều hôm đi làm thêm về muộn, em nhịn ăn đi ngủ luôn để đỡ tốn tiền”, Hương Giang (20 tuổi, ngụ Gò Vấp) chia sẻ.

Giá điện, xăng cùng tăng: Người Sài Gòn lao đao thời amp;#39;bão giáamp;#39;, tìm đủ mọi cách tiết kiệm - 2

Nhiều người chọn cách mang cơm nhà theo khi đi làm để tiết kiệm chi phí ăn ngoài.

Tiền lương tăng 1, điện xăng tăng 10…

Nhận tờ hóa đơn tiền điện 4 triệu đồng - tăng gấp đôi so với tháng trước - chị Trần Minh Tâm (30 tuổi, ngụ Quận 8) quyết tâm thực hiện chính sách tiết kiệm điện triệt để. “Biết giá điện tăng, gia đình cũng hạn chế tối đa sử dụng điện. Nhưng trời nóng khiến bé nhà tôi cứ quấy khóc không chịu chơi, gia đình phải bật điều hòa suốt để bé thoải mái hơn. Người lớn mình còn nhịn ăn, nhịn uống được, chứ con thì cũng phải đủ bữa chính, bữa phụ rồi sữa, bỉm. Tôi làm văn phòng, tháng này xoay tiền điện nước, xăng xe cũng gần hết trong khi lương thì không thấy tăng".

Cũng tương tự như chị Tâm, anh Lê Quốc Khánh (31 tuổi, ngụ Bình Dương) than thở: "Vợ chồng tôi làm công nhân, thu nhập gần 15 triệu, 2 con nhỏ gửi cho ông bà ở quê. Mỗi tháng chi phí ăn uống, điện nước nhà cửa, gửi về cho con ăn học có khi còn thiếu trước hụt. Tháng nào lỡ ốm đau hay tiệc cưới là âm luôn tiền lương. Xăng tăng giá nên vợ chồng tôi phải chi gần 800.000 đồng mỗi tháng cho việc đi lại".

Để có thêm tiền gửi về quê cho con, anh chị phải ăn cơm chay để tiết kiệm chi phí. “Ăn thịt, ăn cá thì đắt nên hai vợ chồng ăn rau, ăn tương cho đỡ tốn, ăn cho no rồi đi làm, về nhà lỡ có đói thì ăn thêm bánh mì, uống thêm nước rồi đi ngủ”, anh Khánh nói thêm.

Giá điện, xăng cùng tăng: Người Sài Gòn lao đao thời amp;#39;bão giáamp;#39;, tìm đủ mọi cách tiết kiệm - 3

Đi xe buýt để tiết kiệm tiền xăng nhưng cũng được nghe thông báo tăng giá vé 1000 đồng/lượt từ ngày 01/05.

Nhằm giải tỏa bức xúc từ phía người dân, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi các Bộ liên quan tới việc điều chỉnh giá bán lẻ điện từ ngày 20/3/2019. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính kiểm tra việc điều chỉnh giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện trong thời gian vừa qua. Các cơ quan này có trách nhiệm làm rõ đúng sai của việc tăng giá điện và báo cáo Thủ tướng trong tháng 6/2019.

Tăng giá điện, mớ rau, lạng thịt cũng mượn cớ tăng theo
Nhiều người dân lo lắng chi phí sinh hoạt sẽ "đội" lên, từ mớ rau, lạng thịt... cũng sẽ "mượn" cớ giá điện tăng để đồng loạt tăng giá.
Hồng Ngọc
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Sáng nay (22/11), giá vàng tiếp tục tăng mạnh nửa triệu đồng/lượng. Theo đó, vàng miếng SJC lên mốc 86 triệu đồng/lượng, giá vàng nhẫn trên...

Tin bài cùng chủ đề Giá điện tăng