Nếu như ngày 13/10, giá lợn miền Bắc thấp nhất từ 35.000-38.000 thì đến hôm qua, 14/10, có nơi đã phải bán lợn với giá 29.500 đồng/kg.
Chia sẻ trên báo Vietnamnet, ông Hoàng Văn Chung, chủ trang trại lợn quy mô 1.600 con ở Phú Lương (Sơn Dương, Tuyên Quang) cho hay, một con lợn nuôi đến lúc xuất chuồng nặng 1,3 tạ, ông phải bỏ ra 5,3 triệu đồng. Trong đó, tiền giống 1 triệu đồng (trang trại tự chủ được con giống), chi phí tiền cám hết hơn 4,2 triệu đồng, chi phí các loại khác hết khoảng 100.000 đồng. Với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải đi mua con giống thì giá thành chăn nuôi một con lợn đến lúc xuất bán lên tới 6,5 triệu đồng.
Thế nhưng, những ngày này giá thịt lợn hơi gần như "rơi tự do". Như sáng 14/10, ông cân bán lứa lợn 30 con với giá 29.500 đồng/kg mà thương lái vẫn không muốn bắt. Bán xong, ông lỗ 2,35 triệu đồng/con lợn khi xuất chuồng.
Từ đầu tháng 10 tới giờ, ông Chung đã xuất bán khoảng 300 con lợn, chịu lỗ hơn 600 triệu đồng.
"Với giá lợn như hiện nay, đại lý thức ăn chăn nuôi cũng cắt cung, không cho nợ tiền cám. Họ sợ giá giảm thêm người nuôi sẽ không có khả năng trả tiền. Thành ra, nuôi lợn lúc này đành chấp nhận thương lái trả giá nào cũng bán, không khác gì thời kỳ khủng hoảng giá lợn năm 2017", ông nói.
Giá thịt lợn đang bước vào thời kỳ khủng hoảng
Tương tự, bà Nguyễn Thị Loan xóm Trại Gà, xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc chia sẻ trên Đại Đoàn Kết: "Chưa khi nào giá thì lợn xuống đến mức này, chỉ từ 30.000 đến 32.000 kg. Giá xuống chạm đáy nhưng cũng khó xuất vì cầu chững, trong khi đó giá thức ăn thì tăng phi mã. Lợn không bán được mà hàng ngày vẫn phải "gánh" thêm chi phí mua thức ăn. Bán không được, để nuôi cũng không xong".
Bà Loan cho biết cả xóm có gần 200 hộ, 100% các hộ nuôi lợn và nuôi gà công nghiệp nhưng mấy năm trở lại đây nuôi lợn là chủ yếu. Nhà ít nuôi 30-40 con, có những hộ nuôi nhiều vài trăm con. Cuối năm 2019 ảnh hưởng dịch tả châu Phi nhưng người nuôi lợn cũng không lâm vào tình cảnh khốn đốn như thế này. Năm nay mỗi nhà lỗ ít nhất từ 50 triệu đồng, có những nhà xuất xong đàn lợn nhận lỗ vài trăm triệu.
Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, giá thu mua lợn hơi dao động từ 38.000-43.000 đồng/kg. Tại khu vực miền Nam, thị trường lợn hơi thu mua trong khoảng từ 41.000-43.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi đi xuống khiến lợn thịt quá lứa cũng ứ đọng khoảng 30%. Hiện giá thành sản xuất nếu chăn nuôi theo chuỗi từ nuôi lợn nái đến nuôi lợn thịt giá thành từ 45.000-50.000 đồng/kg. Chăn nuôi phải mua con giống giá thành khoảng từ 53.000-60.000 đồng/kg.
Vì vậy, với tình hình này, người chăn nuôi thua lỗ nặng. Chỉ có các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, cung cấp các kênh phân phối như siêu thị, hệ thống cửa hàng bán lẻ hiện đại vẫn đảm bảo tiêu thụ, giá bán được duy trì với mức ổn định.
Tuy giá lợn hơi ở khu vực miền Bắc rớt giá mạnh, nhưng giá thịt lợn bán lẻ tại Hà Nội, địa phương cần được cung cấp bổ sung nguồn lợn thịt từ các địa phương khác vẫn ở mức khá cao.
Khảo sát tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội cho thấy, giá thịt lợn đang ở mức từ 80.000-120.000 đồng/kg. Cụ thể tại chợ phường Yên Hòa, Cầu Giấy, giá các loại sườn, thịt ba chỉ vẫn ở mức từ 110.00-120.000 đồng/kg, các loại thịt còn lại từ 90.000-110.000 đồng/kg. Còn tại chợ dân sinh khu vực Hà Đông, giá thịt lợn thấp hơn một chút, dao động từ 80.000-100.000 đồng/kg; trong đó, sườn, ba chỉ có giá 100.000 đồng/kg.
Tương tự ở TP.HCM, giá lợn hơi giảm mạnh nhưng giá bán trên thị trường vẫn cao chót vót. Khảo sát hôm qua tại chợ dân sinh TP.HCM, thịt ba rọi có giá 160.000 đồng/kg, nạc đùi 130.000 đồng/kg, nạc dăm 150.000 đồng/kg, sườn già 150.000 đồng/kg, sườn non 200.000 đồng/kg, cốt lết 130.000 đồng/kg.
Nhìn lại thời điểm tháng 4 vừa rồi, giá lợn hơi trên 3 miền dao động từ 73.000 - 78.000 đồng, gấp đôi giá lợn hơi hiện tại nhưng giá thịt lợn bán lẻ thịt lợn tại các chợ dân sinh dao động chỉ từ 120.000 - 180.000 đồng/kg. Trong đó, nạc đùi và nạc vai giá 165.000 đồng/kg, cốt lết 140.000 đồng/kg, sườn già 140.000 đồng/kg, sườn non 170.000 đồng/kg, ba rọi 160.000 đồng/kg…
Nói đơn giản thì giá lợn hơi giảm một nửa so với cách đây 6 tháng nhưng giá thịt lợn trên thị trường vẫn cao hơn. Thậm chí có mặt hàng như sườn non còn cao hơn 30.000 đồng/kg.
Tại Hội nghị trực tuyến phát triển chăn nuôi các tháng cuối năm 2021 và kế hoạch năm 2022 diễn ra mới đây, chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Bắc Giang Lê Văn Dương bày tỏ lo ngại khi giá thịt lợn xuống mức thấp, hiện giá lợn xuất chuồng ở Bắc Giang xuống mức 32.000-35.000 đồng/kg, với giá hiện tại người dân đang thua lỗ nặng.
Cùng quan điểm, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Nam Định Hoàng Thị Tố Nga, cho biết giá lợn xuất chuồng ở Nam Định chỉ ở mức 35.000-36.000 đồng/kg. Với giá thấp như vậy, người chăn nuôi cũng không tái đàn nên việc đảm bảo nguồn cung cuối năm vẫn còn bỏ ngỏ.
Hai địa phương này cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ có giải pháp kiểm soát, hạn chế việc nhập khẩu thịt lợn.
Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, năm 2020 nhập khẩu thịt heo tăng 404%, thịt gia cầm tăng 15%, thịt trâu bò tăng 44%... so với năm 2019. Còn 8 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu thịt heo đạt hơn 256,8 nghìn tấn, tăng 62,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Việc nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là các loại thực phẩm giá rẻ ngày càng gia tăng, nhất là khi các dòng thuế quan nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi đang trở về mức 0% thì áp lực thị trường với chăn nuôi trong nước sẽ là vô cùng lớn.
Để giúp ngành chăn nuôi trong nước sớm khôi phục sản xuất qua đại dịch và phát triển bền vững, Hội Chăn nuôi Việt Nam đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công thương kiểm soát chặt vấn đề nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, nhất là sản phẩm giá rẻ và vật nuôi sống thương phẩm.