Bất ngờ với giải trình của CSGT chứng kiến nam sinh viên sát hại bạn gái mà không cứu được

Ngày 04/04/2019 20:39 PM (GMT+7)

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Ninh Bình thông tin, theo giải trình của CSGT có mặt tại hiện trường, do nghi phạm rất manh động nên thay vì lao vào khống chế đã gọi điện cho lực lượng cảnh sát 113 đến giải quyết.

Liên quan đến vụ án mạng nghiêm trọng xảy ra tại đường Tôn Đức Thắng (phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình), Công an tỉnh Ninh Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Phạm Văn Nghị (SN 1988, trú tại xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn, Ninh Bình) về tội “Giết người”.

Vụ việc xảy ra vào khoảng 9h ngày 1/4, do mâu thuẫn trong chuyện tình cảm, Nghị dùng kéo đâm nhiều nhát vào cổ và ngực chị Trần Thị Thu Huyền (25 tuổi, cùng quê) khiến nạn nhân tử vong.

Sau khi sát hại chị Huyền, đối tượng cầm kéo tự đâm vào cổ để tự sát nhưng không chết. Hiện nghi phạm này đã bình phục và được các điều tra viên lấy lời khai để làm rõ nguyên nhân vụ án mạng.

Thời điểm Nghị gây án có rất nhiều người dân chứng kiến nhưng không có ai có biểu hiện tiến lại can ngăn. Ngoài người dân, lúc này còn xuất hiện một người mặc cảnh phục CSGT nhưng người này cũng chỉ dám lại gần đứng nhìn rồi lại quay ra nơi khác. Sau khi xem clip, dư luận cho rằng người CSGT chưa làm tròn chức trách của mình.

Bất ngờ với giải trình của CSGT chứng kiến nam sinh viên sát hại bạn gái mà không cứu được - 1

Hình ảnh CSGT đứng rất gần đối tượng Nghị (ảnh cắt từ clip)

Trao đổi với phóng viên Báo GĐ&XH chiều 4/4, một lãnh đạo Phòng CSGT tỉnh Ninh Bình cho biết, đơn vị đã yêu cầu cán bộ CSGT nói trên giải trình về vụ việc. Theo đó, nói CSGT chưa làm hết trách nhiệm là không đúng.

Thực tế, khi đó người CSGT lại gần đối tượng Nghị để khuyên ngăn. Tuy nhiên, bất chấp lời can ngăn của cảnh sát, thanh niên này vẫn dùng kéo đâm liên tiếp lên người cô gái. Thậm chí, đối tượng còn tỏ ra hung hãn, đe dọa mọi người nên CSGT đành phải lùi lại và gọi điện cho cảnh sát 113 đến ứng cứu.

“Theo giải trình của CSGT, trong quá trình làm nhiệm vụ gần khu vực vụ án thì nhận được tin báo của người dân về một vụ tai nạn giữa xe ô tô và chiếc xe máy. Khi đến nơi, anh K (người CSGT có mặt tại hiện trường- PV) thấy một nam thanh niên ngồi đè lên người phụ nữ và dùng vật nhọn đâm liên tiếp. Đồng chí K đã khuyên can nhưng đối tượng tỏ ra rất hung hãn, dọa nếu đến gần sẽ giết cả và tự sát nên CSGT đành ra lùi lại và điện thoại cho lực lượng chức năng đến hỗ trợ. Hiện tại, đồng chí K được bố trí làm việc tại cơ quan, tạm thời không phân công đứng chốt nữa TTKS”, lãnh đạo Phòng CSGT Ninh Bình nói.

Bất ngờ với giải trình của CSGT chứng kiến nam sinh viên sát hại bạn gái mà không cứu được - 2

Cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường (ảnh TL)

Có thể nói, sau khi đoạn clip được đăng tải trên mạng xã hội, dư luận cho rằng, khi một người lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng thì việc giúp đỡ, cứu sống họ là trách nhiệm pháp lý. Nếu không cứu giúp dẫn đến hậu quả nạn nhân thiệt mạng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn luật sư Hà Nội), thông qua đoạn clip cho thấy, việc người dân và CSGT không có biện pháp cứu giúp người bị nạn là rất đáng phê phán. Tuy nhiên, để xem xét họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không thì phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể.

Căn cứ điều 132 (Bộ luật Hình sự năm 2015) quy định về tội “Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” như sau: Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

“Không cứu giúp người khác đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng được hiểu là hành vi thấy ngươi khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp người bị nạn. Người phạm tội phải là người có điều kiện để cứu giúp nạn nhân. Nghĩa là họ có đủ khả năng về chuyên môn cũng như về vật chất hoặc những điều kiện cần thiết khác để thực hiện việc ngăn chặn hậu quả chết người xảy ra, nhưng họ đã không hành động, tức không cứu giúp người bị nạn”, luật sư Thu phân tích.

Luật sư Thu cho khẳng định, trong vụ việc này rất khó để xử lý hình sự CSGT cũng như những người có mặt ở đó về tội “Không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”. Bởi lẽ, khi đó đối tượng có hung khí, lại đang rất manh động nên được hiểu là họ “chưa có đủ điều kiện” cứu giúp.

Bất ngờ danh tính người đàn ông sàm sỡ bé gái trong thang máy ở TP.HCM
Ngày 3.4, Công an TP.HCM phối hợp cùng Công an quận 4 (TP.HCM) đã xác định được danh tính người đàn ông sàm sỡ bé gái trong thang máy chung cư Galaxy...
Theo Bình Minh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Xã hội