Đến hẹn lại lên, khi thời tiết chuyển sang nắng nóng thì tại nhiều khu đô thị, chung cư trên địa bàn Hà Nội lại rơi vào cảnh “khát nước”. “Khóc than” mãi chẳng ăn thua, người dân đành lên các phương án “trực chiến” để có nước sinh hoạt.
Phá nền nhà khoan giếng
Theo các nhà khoa học, hiện tượng El Nino khiến thời tiết sẽ còn diễn biến phức tạp, trời sẽ ít mưa và lượng nước cũng bị giảm đáng kể. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hiện tượng này.
Để đối phó với các đợt “khô hạn” trong ngày hè, ngay từ đầu tháng 4, nhiều gia đình đã chuẩn bị các phương án tích trữ nước như hứng nước mưa, mua thêm xô, chậu đựng… Bà Nguyễn Thị Ca (56 tuổi) sống tại Khu tập thể Nam Thắng (Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) bộc bạch: “Sống ở khu tập thể này bao nhiêu năm rồi nên chúng tôi cũng quá quen với tình trạng thiếu nước sạch. Có hôm thiếu cả nước nấu ăn nên tôi phải mang xô sang nhà hàng xóm xin nước. Rồi nhà hàng xóm cũng hết nước nên tôi cùng con dâu mang xô nhựa ra ngoài phố mua lại nước sạch về dùng. Nhà có trẻ con mà mất nước thường xuyên chúng tôi còn ngán ngẩm hơn cả thời bao cấp”.
Tại khu vực đường Láng (phường Láng Thượng, quận Đống Đa), để đối phó với việc mất nước sinh hoạt thường xuyên, nhiều hộ gia đình đã phải tích trữ nước sạch qua các bình trữ nước 5 lít, 20 lít hay những chiếc xô, chiếc chậu. Thậm chí, mỗi khi trời mưa, nhiều nhà phải mang hết các vật dụng ra để hứng nước. Tuy nhiên, những biện pháp này chỉ là tạm thời, vì vậy không ít hộ gia đình đã phải phá nền nhà, đầu tư hàng chục triệu đồng để đào một chiếc giếng khoan.
Mỗi khi mất nước sạch, người dân khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội) lại phải lấy nước giếng khoan về dùng. Ảnh: Cao Tuân
Ông Nguyễn Văn Thái (61 tuổi, sống tại phố Chùa Láng, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Mỗi khi đường ống dẫn nước sông Đà bị vỡ là người dân chúng tôi khốn khổ đi tích trữ nước dùng. Chính vì vậy, để chuẩn bị cho ngày hè có đủ nước sinh hoạt, gia đình tôi đã quyết định bỏ tiền ra thuê người về đào giếng ngay tại gầm bếp nấu ăn”.
Cùng chung cách làm này, bà Trần Thị Hảo, một cư dân nơi đây kể: “Mỗi lần mất nước là tôi lại phải dặn con cháu dùng tiết kiệm, quần áo thường dồn đến 2 -3 ngày mới giặt hoặc phải mang ra tiệm giặt là. Thậm chí, nước để nấu ăn, tôi phải mua nước tinh khiết về nấu rất tốn kém. Kể từ khi nhà tôi có giếng khoan thì cuộc sống sinh hoạt bớt xáo trộn”.
Bà Bạch Thị Quế (70 tuổi, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Nhà tôi chỉ có 2 người nên lượng nước dùng trong ngày không nhiều nên vẫn “cầm cự” bằng cách xin nước dùng qua ngày”. Kế bên nhà bà Quế, gia đình ông Dũng đã không còn đủ kiên nhẫn chờ có nước sạch và cũng không thể đi xin mãi nước về dùng nên buộc phải thuê thợ đến phá nền nhà để khoan giếng lấy nước. “Tôi dự đoán những ngày hè tới đây sẽ còn mất nước nhiều hơn nên phải khoan giếng lấy nước dùng. Dù biết nước ngầm khu vực này dễ bị nhiễm asen, dùng cũng không an toàn, nhưng đành liều bơm lên và lọc qua máy lọc dùng tạm”.
Chia nước như…thời bao cấp
Nhiều hộ dân tại khu đô thị Mễ Trì, Mỹ Đình khốn khổ xách xô, chậu để “tìm” nước.
Tại một số tòa chung cư thuộc quận Đống Đa, tình trạng thiếu nước sạch vào thời gian này cũng diễn ra khá phổ biến. Cảnh tượng người dân đủ cả lớn bé, già trẻ cứ thay nhau túc trực tại các bể chứa nước tổng của tòa nhà từ sáng sớm đã không còn là cảnh hiếm nữa. Kèm với đó là cơ man xô, chậu, thùng, nồi, xoong… miễn sao có thể chứa được nước là người dân tận dụng hết.
Thường ngày, tại các tòa chung cư hiện đại, thường ngày im ắng, chả ai hỏi han nhau, vào thang máy cũng chẳng có tiếng động. Ấy vậy mà đợt mất nước sạch, cả khu rộn ràng tiếng chân người mang xô chậu đi xách nước. Mọi người bàn tán xôn xao, hỏi han nhau chỗ mua xô chậu, chỗ mua nước rẻ, giúp đỡ nhau mang nước lên tầng, chia sẻ nước sạch cùng nhau...
“Không gì khổ bằng thiếu nước. Để uống và nấu cơm thì phải chấp nhận mua nước đóng bình về dùng. Chứ còn tắm giặt có khi còn chả dám tắm, phải đi nhờ sang nhà họ hàng cách hàng cây số mới dám tắm táp, chứ ở nhà đợi hàng tiếng mới chảy được 1 khối nước mà tắm thì là quá xa xỉ”, ông Phạm Văn Khởi (66 tuổi, trú tại KĐT Định Công, Hoàng Mai) tâm sự.
Bị mất nước sinh hoạt triền miên, nhiều gia đình ngoài việc sơ tán tới nhà họ hàng, người quen, nhiều lần cũng ngại, nên đã phải chi những khoản tiền không nhỏ để sử dụng dịch vụ bên ngoài như thuê nhà nghỉ, tắm nóng lạnh. Thậm chí còn mang bình nước khoáng 19 lít ra để... gội đầu.
Trong những đợt mất nước kéo dài, mỗi khi có xe bồn chở nước của Xí nghiệp nước sạch đến, người dân lại mang xô, chậu ra xách nước. Lấy được nước từ xe cấp nước, người dân đem về nhà đổ vào bể chứa để dự trữ. Một số gia đình có người già và trẻ nhỏ không xách nước được người dân lại chia sẻ nước cho nhau. Các hộ dân nơi đây thường ví von cảnh chia nước thế này chẳng khác gì thời bao cấp.
Với giọng mệt mỏi, chị Phạm Thị Bé, một hộ dân sống ở KĐT Mỹ Đình – Mễ Trì kể: “Khoảng vài năm trở lại đây, hệ thống cấp nước khu đô thị có vấn đề. Các gia đình ở đây quá quen với cảnh mất nước nên tự sắm thêm những vật dụng có thể trữ nước như: xô, chậu, can, bình cho đến nồi, bồn tắm… đều ở tư thế sẵn sàng “trực chiến”.
Cũng theo người phụ nữ này, để tiết kiệm nước sạch thì nhiều người dân đã phải tìm cách để tái sử dụng cả nước thải. Ví như nước vo gạo xong có thể đem rửa rau rồi cuối cùng xả vào nhà vệ sinh. Cực chẳng đã, điều kiện thiếu thốn nước như vậy nên phải áp dụng đủ phương cách đối phó. Mong muốn của hơn 70.000 cư dân Hà Nội sử dụng nước sạch sông Đà là đơn vị quản lý sớm khắc phục và cung cấp ổn định nguồn nước sạch, nhất là trong ngày hè nắng nóng.
Cần kiểm định nguồn nước giếng khoan Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, ĐBQH Bùi Thị An (Đoàn TP. Hà Nội) bày tỏ sự bức xúc trước những đợt mất nước kéo dài gây xáo trộn cuộc sống của người dân. Theo lời bà An, việc người dân khoan giếng để lấy nước dùng là điều bất đắc dĩ nhất là khi mùa hè, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt cao. “Tuy nhiên, khi dùng nước giếng khoan thì người dân cần lọc kỹ trước khi đem sử dụng. Để đảm bảo sức khỏe của bản thân và gia đình thì người dân nên mang mẫu nước giếng khoan nhà mình đến các Viện nghiên cứu về nước để kiểm định xem nước có bị nhiễm khuẩn không. Như vậy để phòng tránh các nguy cơ gây bệnh và độc tố tích tụ trong nước”, bà An khuyến cáo. |
Ngành nước nói gì về “Dân Thủ đô chưa hè đã khát”? Phản hồi đến Báo GĐ&XH sau bài viết: “Dân Thủ đô chưa hè đã… “khát” trên số báo 44, ra ngày 11/4 vừa qua, ông Đào Quang Minh, Phó Giám đốc Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Đống Đa (Hà Nội) cho biết: “Việc một số người dân thuộc ngõ 87 đường Láng Hạ (phường Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội) phản ánh tình trạng thiếu nước sạch là có thật. Nguyên nhân do khu vực này (theo cách gọi của người dân là khu dân phố số 13) trước đây là bãi rác Thành Công. Địa điểm này cũng cao hơn so với bình thường thế nên 10-12 hộ dân sống ở khu vực cao nhất không được bơm nước sạch thường xuyên. Việc đường ống nước trên cao cũng xuất phát từ việc các hộ dân phía dưới có nước sạch nên đã tận dụng bán nước cho các hộ dân khác”. Để khắc phục tình trạng này, ông Minh cho biết, do những hộ dân này sinh sống nơi cấp nước ở mạng lưới áp lực thấp nên Xí nghiệp nước Đống Đa đã chọn phương án 1 tuần cấp nước 2 lần. Khi cấp nước phải khóa nguồn nước các hộ dân khác để tạo áp lực đẩy nước lên cao. “Tuy nhiên, đôi khi lịch cấp nước trục trặc, xảy ra sự cố hoặc áp lực nước quá thấp thì mong người dân thông cảm. Trong trường hợp quá khó khăn nếu người dân làm kiến nghị chúng tôi sẽ cấp 1 xe bồn chở nước sạch miễn phí cho người dân có nước sinh hoạt”, ông Minh chia sẻ. |