Luật sư Lộc chấp nhận lời mời bào chữa cho con trai của bà Thoa. Ông Lộc hy vọng sẽ giúp Hào Anh nhận mức án thấp nhất trong vụ án này.
Ngày 29/10, công an huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) cho biết đã có quyết định đưa Nguyễn Hoàng Anh (tức Hào Anh, 19 tuổi, tỉnh Cà Mau) đi giám định tâm thần. Cơ quan công an quyết định đưa bị can ngày đến giám định tại Trung tâm Giám pháp y tâm thần Đà Nẵng. Vị này cho hay, kết quả giám định tâm thần rất quan trọng trong vụ án này.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Thoa (mẹ Hào Anh) cũng cho hay đã nhận được thông báo con trai được đưa đi giám định tâm thần. Để bảo đảm quyền lợi cho con trai, bà cũng đã liên hệ với luật sư Đặng Huỳnh Lộc (Đoàn luật sư TP HCM) nhờ bào chữa miễn phí.
“Tôi rất hy vọng, con trai sẽ nhận mức án thấp nhất. Cuộc đời Hào Anh đã quá khổ, giờ nếu phải tù tội nữa thì quá tội nghiệp. Tôi cũng hy vọng dư luận có cái nhìn cảm thông đối với con trai mình”, người mẹ nói.
Hào Anh ngày ra tòa
Luật sư Lộc là người trước đây từng được công an huyện Đơn Dương cấp giấy chứng nhận bào chữa miễn phí cho Hào Anh. Tuy nhiên, sau đó, Hào Anh đã từ chối luật sư nên vị này mất quyền tố tụng.
Sau khi nhận được lời mời của bà Thoa, ông Lộc đồng ý. Ông soạn sẵn một đơn cho bà Thoa chuẩn bị mang đến trại giam để Hào Anh ký tên.
Trước đó, trong phiên tòa ngày 23/10, HĐXX quyết định trả hồ sơ cho viện kiểm sát cùng cấp và yêu cầu trung cầu giám định Hào Anh có bị tâm thần hay không. Ông lý giải, trước đây, luật sư từng đề nghị cơ quan điều tra trưng cầu giám định tâm thần pháp y cho bị cáo. Thế nhưng, đến nay, bị cáo vẫn chưa được giám định. Việc giám định là cần thiết và là chứng cứ quan trọng của vụ án.
Thẩm phán Phùng Đình Thuận (Phó Chánh án TAND huyện Đơn Dương) chủ tọa phiên tòa cho biết, nếu kết quả giám định cho thấy, Hào Anh bị tâm thần thì được xử lý theo hướng khác, còn nếu không bị tâm thần thì được xử lý theo hướng khác. Do trước đây, cậu từng điều trị bệnh tâm thần phân liệt nên cần được xem xét kĩ lưỡng.
Theo cáo trạng, khoảng 0 giờ ngày 15/5/2010 Hào Anh gọi điện rủ dì là Phan Thảo Duy đến công ty chế biến nước tương Bình Dương trộm cắp tài sản. Tại đây, Thảo Duy cảnh giới, còn Hào Anh đột nhập vào văn phòng lấy trộm máy vi tính và một số vật dụng của công ty.
Sau khi trộm, cả hai mang tài sản về phòng trọ tại thị trận D’Ran cất giấu. Đến ngày 16/5 cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ tang vật.
Viện kiểm sát nhân dân huyện Đơn Dương truy tố Hào Anh tội Trộm cắp tài sản, theo khoản 1, điều 138 Bộ luật hình sự với mức án từ 6 đến 36 tháng tù giam.
Vào tháng 9/2008, Hào Anh đến làm thuê cho vợ chồng Huỳnh Thanh Giang (34 tuổi) và Mã Ngọc Thơm (37 tuổi) tại trại tôm giống Minh Đức (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau). Tại đây, cậu bị đánh đập, hành hạ dã man bằng cách cho uống nước tiểu, nước xà bông, bao tay. Cậu cũng bị bẻ răng, dùng nước sôi đổ vào người, bị ủi lên lưng, căng tay quỳ gối để đá lên đầu… Vào tháng 4/2010, Hào Anh được giải cứu. Theo giám định, cậu bị thương tật 66,83%. Sau khi được giải thoát, cậu được đưa về Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau. Tại đây, cậu được đi học, chăm sóc khá tốt. Sự việc được truyền thông lên tiếng gây xót xa trong dư luận khoảng thời gian dài. Nhiều mạnh thường quân ủng hộ với mong muốn Hào Anh sẽ có cuộc sống tốt hơn. Năm 2012, Hào Anh làm đơn được trở về đoàn tụ cùng gia đình và được đồng ý. Đầu năm 2014, đủ 18 tuổi, cậu nhận được toàn bộ số tiền mạnh thường quân đã ủng hộ. Vào cuối năm, dư luận bất ngờ với thông tin Hào Anh đuổi mẹ và cha dượng ra khỏi nhà. |