Học sinh trải qua kỳ thi đại học khốc liệt nhất thế giới, phụ huynh Trung Quốc tìm ra con đường mới đáng suy ngẫm

Ngày 01/08/2023 06:59 AM (GMT+7)

Kỳ thi tuyển sinh đại học của Trung Quốc được mệnh danh là kỳ thi khó khăn và khắc nghiệt nhất thế giới, có thể định đoạt tương lai của mỗi học sinh.

Kỳ thi khắc nghiệt nhất thế giới

Cao khảo, có nghĩa là bài kiểm tra ở mức độ cao, là tên viết tắt của Kỳ thi Tuyển sinh Đại học Quốc gia Trung Quốc, diễn ra vào tháng 6 hàng năm. Đây được mệnh danh là kỳ thi khắc nghiệt và cam go nhất thế giới. Đối với hầu hết người Trung Quốc, cao khảo được xem là kỳ thi có thể tạo dựng hoặc phá vỡ tương lai của một người trẻ tuổi, đồng thời giúp thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong xã hội, với quan niệm rằng kinh nghiệm giáo dục đại học có thể ảnh hưởng lớn tới triển vọng việc làm và xã hội của một người.

Giáo sư Chao Qiuling - phó chủ tịch phụ trách các vấn đề sinh viên và thông tin tại Đại học Giao thông Tây An-Liverpool, cho biết: "Nói chung, cao khảo là kỳ thi tuyển chọn nhân tài công bằng nhất ở Trung Quốc, được xã hội Trung Quốc công nhận và chấp nhận rộng rãi. Cuộc thi này nhằm đánh giá kiến thức cơ bản, kỹ năng, khả năng giải quyết vấn đề và khả năng ứng dụng của học sinh".

Kỳ thi cao khảo bắt đầu có từ năm 1952, đã trải qua nhiều biến đổi. Số lượng thí sinh dự thi tăng lên, số lượng trường đại học tăng lên và tỷ lệ cạnh tranh cũng tăng rất nhiều. Năm 2023, có hơn 12,9 triệu học sinh của Trung Quốc tham dự kỳ thi cao khảo.

Học sinh trải qua kỳ thi đại học khốc liệt nhất thế giới, phụ huynh Trung Quốc tìm ra con đường mới đáng suy ngẫm - 1

Tháng 6 hàng năm, cao khảo luôn là chủ đề nóng nhất ở mọi nơi. Để ngăn chặn gian lận và sai phạm, nhiều nơi lắp đặt thiết bị kiểm tra an ninh thông minh và yêu cầu thí sinh không đeo đồ trang sức bằng kim loại. Thậm chí, có nơi còn triển khai công nghệ trí tuệ nhân tạo AI, nhận diện khuôn mặt để tránh trường hợp có người đi thi hộ. Theo các chuyên gia giáo dục, để gian lận trong kỳ thi cao khảo là một việc cực kỳ khó Một khi bộ đề bị phát hiện là đã bị tuồn ra ngoài, một bộ đề khác ngay lập tức sẽ được "kích hoạt". Nếu gian lận mà bị phát hiện, thí sinh có thể bị cấm thi trong vòng vài năm, nghiêm trọng hơn là có thể phải ngồi tù.

Tác động của cao khảo đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh

Không phải tự nhiên cao khảo được mệnh danh là kỳ thi khốc liệt nhất thế giới. Các thí sinh phải cạnh tranh với hàng triệu thí sinh khác để vào các trường đại học danh tiếng với áp lực lớn từ nhà trường và gia đình, những người muốn con mình đạt thành tích tốt nhất.

Tại trường trung học Hành Thủy ở tỉnh Hà Bắc, nơi có hơn 100 người đỗ vào Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa danh giá, học sinh từng được truyền nước trong lúc ôn tập bởi cách này được cho là giúp các em tập trung hơn. Các nữ sinh tại đây còn được cho uống thuốc tránh thai để trì hoãn chu kỳ kinh nguyệt cho tới sau kỳ thi cao khảo.

Cao khảo không chỉ là một công cụ được các cơ quan giáo dục Trung Quốc sử dụng để đánh giá kiến thức và kỹ năng học tập của học sinh, mà còn là một cơ chế kéo dài trong nhiều năm. Giáo sư Chao Qiuling gọi cao hảo là một "cuộc đua marathon" kéo dài 12 năm, nơi một số học sinh được truyền cảm hứng vô hạn, nhưng một số khác lại cảm thấy kiệt sức và tuyệt vọng.

Học sinh trải qua kỳ thi đại học khốc liệt nhất thế giới, phụ huynh Trung Quốc tìm ra con đường mới đáng suy ngẫm - 2

Zhang Junyang, một nữ sinh tại trường Thực nghiệm Lushan Binjiang tỉnh Hồ Nam, cho biết em luôn thức dậy lúc 6h sáng và uống một ly cafe đen để tỉnh táo cả ngày. Ngoài những lớp ban ngày, Zhang còn phải tham gia những lớp tự học buổi tối. Ngày học ở trường kết thúc lúc 22h20 và Zhang thường lên giường vào khoảng nửa đêm. Mỗi tuần, Zhang chỉ có nửa ngày nghỉ vào các sáng chủ nhật. Khi không có lớp tự học ở trường vào các tối thứ bảy, Zhang học tiếng Anh cùng gia sư riêng. Áp lực học hành kinh khủng đôi lúc khiến Zhang có suy nghĩ bỏ cuộc nhưng không được.

Tương lai của giáo dục đại học Trung Quốc

Trên thực tế, kỳ thi cao khảo từng nhận về lời chỉ trích là bài kiểm tra quá ngột ngạt và tập trung vào kết quả mà không khuyến khích học sinh phát triển khả năng sáng tạo của chính mình.

Hơn nữa, có một câu hỏi đặt ra là bài kiểm tra này có thể được coi là đại diện khách quan đến mức nào về mức độ sẵn sàng vào đại học của học sinh, trong đó khả năng tư duy độc lập và phản biện, giải quyết vấn đề và đổi mới vượt trội hơn so với học thụ động và tuân thủ.

Giáo sư Chao Qiuling cũng thừa nhận điều này và cho rằng nhiều sinh viên đại học Trung Quốc không độc lập và sáng tạo: "Điều này là do hệ thống giáo dục định hướng vào thi cử ở Trung Quốc, trong đó hầu hết học sinh có xu hướng theo đuổi các câu trả lời tiêu chuẩn và quá coi trọng điểm thi. Khả năng tư duy độc lập, giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, sáng tạo và đổi mới của họ bị triệt tiêu. Để nâng cao tính chủ động và sự nhiệt tình của học sinh khi tham gia vào lớp học, chính phủ ủng hộ nhiều phương pháp giảng dạy như thảo luận định hướng vấn đề, hợp tác và tìm hiểu và các khóa học thực hành toàn diện để tránh việc học thuộc lòng và lặp đi lặp lại các bài tập máy móc".

Học sinh trải qua kỳ thi đại học khốc liệt nhất thế giới, phụ huynh Trung Quốc tìm ra con đường mới đáng suy ngẫm - 3

Giáo sư Chao Qiuling cho rằng nên có sự pha trộn giữa mô hình giáo dục phương Đông và phương Tây để giúp học sinh phát huy hết tiềm năng học tập của mình: "Nên áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau như học tập truyền cảm hứng, học tập hợp tác và học hỏi. Giáo viên khuyến khích sinh viên bày tỏ quan điểm cá nhân, tạo môi trường học thuật thoải mái và tự do, đồng thời khuyến khích sự đổi mới và tư duy độc lập".

Phụ huynh muốn đưa con rời bỏ giáo dục hà khắc, hướng tới "trường học hạnh phúc"

Khi Trung Quốc tìm cách kiềm chế hệ thống giáo dục siêu cạnh tranh với lệnh cấm dạy thêm sau giờ học và chú trọng hơn vào hoạt động thể chất, các trường học cũng thay thế ưu tiên thành tích cá nhân và sự hạnh phúc hơn các kỳ thi và điểm số.

Hiện nay, ngày càng nhiều phụ huynh Trung Quốc quay lưng lại với hệ thống giáo dục công nghiêm ngặt của đất nước, vốn tạo ra rất nhiều gánh nặng và áp lực cho học sinh. Do đó, bên cạnh trường công lập và ngoài công lập, một lựa chọn thứ ba đã xuất hiện và trở nên phổ biến: Trường học với phương pháp giáo dục đổi mới.

Ở Bắc Kinh, một năm học tại "Ngôi trường Hạnh phúc" hoặc các trường có triết lý tương tự, phụ huynh sẽ phải trả từ 70.000 - 100.000 nhân dân tệ (khoảng 230 - 330 triệu đồng) hoặc hơn. Mặc dù chi phí cao, loại hình này vẫn thu hút các gia đình trung lưu kể từ năm 2005.

Cô Zhang Fen có con trai Tian Tian, 7 tuổi, đã học 2 năm tại một trường công lập nổi tiếng ở quận Hải Điến, Bắc Kinh. Ở đó, cậu bé bị bắt nạt và gặp khó khăn trong việc kết bạn. Nhưng khi chuyển sang "Ngôi trường hạnh phúc", Tian Tian được phát triển trong môi trường thân thiện hơn.

Giống như những ngôi trường đổi mới khác, ở "Ngôi trường hạnh phúc" không có bảng xếp hạng hay kỳ thi. Sách giáo khoa trường công lập cũng ít được sử dụng. Thay vào đó, giáo viên sử dụng tài liệu gốc để dạy mọi thứ, từ các sự kiện thời sự đến các tác phẩm kinh điển của Trung Quốc.

Học sinh trải qua kỳ thi đại học khốc liệt nhất thế giới, phụ huynh Trung Quốc tìm ra con đường mới đáng suy ngẫm - 4

Tuy nhiên, bất chấp việc các trường học đổi mới ngày càng phổ biến, nhiều vấn đề về tính hợp lệ và sự công nhận của công chúng vẫn được mang ra tranh luận. Hình thức giáo dục này không được đăng ký với chính quyền trung ương và không thể tự xưng là một trường học chính thức. Thay vào đó, các trường phải thiết lập hoạt động với tư cách "xue tang" - tên gọi dành cho các trường tư thục truyền thống.

Mặc dù không được đăng ký chính thức với chính phủ, các trường học đổi mới vẫn được nhân rộng tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến - 4 khu vực đô thị lớn của Trung Quốc.

Đại Lý ở tỉnh Vân Nam trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều "bố mẹ voi", từ trái nghĩa với "bố mẹ hổ" - chỉ những phụ huynh hà khắc, thậm chí cực đoan với con cái trong việc học và cuộc sống. Nơi đây được coi là thiên đường giữa ngành công nghiệp trường học đổi mới đang phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc.

Cô Melody Liu, mẹ của bé gái 6 tuổi Mango, chia sẻ: "Chúng tôi chuyển đến Đại Lý vì môi trường giáo dục, gia đình và cộng đồng. Trước khi đến đây, giáo dục trường học và giáo dục gia đình đối tách biệt với nhau, nhưng ở đây, chúng phối hợp với nhau. Tôi trở thành bạn với các giáo viên của con, chúng tôi nói chuyện với nhau về mọi thứ. Ở Đại Lý, chúng tôi lúc nào cũng có ngày vui chơi cho trẻ em, phụ huynh chỉ tụ tập để chia sẻ câu chuyện cuộc sống và quan điểm của chúng tôi về giáo dục".

Mao Mao Guo Er, một trong những trường đổi mới nổi tiếng nhất ở Đại Lý, tự mô tả mình là "một cộng đồng giáo dục gồm 180 trẻ em từ 2 đến 12 tuổi và hơn 40 giáo viên". Được thành lập vào năm 2012, trường coi trọng khả năng trải nghiệm hạnh phúc của học sinh và tạo động lực học tập suốt đời. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể cho con học ở những nơi như này. Học phí hàng tháng cho một học sinh mẫu giáo tại Mao Mao Guo Er là 4.500 nhân dân tệ (gần 15 triệu đồng), cao gấp đôi thu nhập trung bình hàng tháng ở Đại Lý vào năm 2020, theo thống kê của chính phủ.

Wang A Wan, blogger du lịch và là mẹ của bé trai 5 tuổi Derek, cho rằng chuyện tiền bạc bị coi là đáng xấu hổ ở Đại Lý. Các trường học đổi mới không chỉ là thách thức về tài chính với phụ huynh, một số tin rằng các giáo viên cũng không được trả lương đủ. Khi Wang phát hiện rằng hầu hết giáo viên tại trường của Derek được trả lương 3.000 tệ mỗi tháng, cô đã đặt câu hỏi liệu họ có nên được trả nhiều hơn hay không. Wang cho rằng giáo dục càng đổi mới thì càng đòi hỏi nhiều yêu cầu đối với giáo viên. Ngoài đam mê, thầy cô cần có kiến thức sâu rộng về nhiều môn học, tư duy linh hoạt. Do đó, Wang cho rằng mức lương hiện tại không đủ hấp dẫn để giữ chân giáo viên giỏi.

Trong một thông báo tuyển dụng giáo viên mẫu giáo năm 2020, Mao Mao Guo Er yêu cầu ứng viên "tràn đầy năng lượng", "học tập suốt đời" và "luôn dành tình yêu cho trẻ em". Ở phần kinh nghiệm giảng dạy, trường không bắt buộc nhưng cho rằng ứng viên cần có "niềm tin vào bản thân với tư cách giáo viên".

Cô Xu Xiao, mẹ của bé gái 4 tuổi Joy, cho biết mối quan tâm lớn nhất là nguồn nhân lực giảng dạy. "Nhiều thầy cô là khách du lịch, họ ở đây vài năm rồi chuyển đi nơi khác", cô Xu Xiao nói.

Dù nhiều học sinh phát triển tốt ở trường học đổi mới và các bậc phụ huynh như cô Zhang Fen đánh giá cao việc này, không phải tất cả đều chọn ở lại đây. Nỗ lực đưa con ra khỏi giáo dục hà khắc vẫn vấp phải bế tắc. Sau 4 năm học ở trường học đổi mới, Zhang Fen đã đăng ký cho Tian Tian vào một trường công lập trong năm cuối tiểu học, giống 30 bạn cùng lớp. "Sau một thời thơ ấu tích cực tại "Ngôi trường Hạnh phúc", Tian Tian phải đối mặt với sự cạnh tranh trong học tập của hệ thống trường công lập", cô nói.

Học sinh trải qua kỳ thi đại học khốc liệt nhất thế giới, phụ huynh Trung Quốc tìm ra con đường mới đáng suy ngẫm - 5

Sắp công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2023: Năm nay nhiều phụ huynh không lo lắng, không hồi hộp vì đã có nhiều thay đổi
Bậc phụ huynh đều bình tĩnh đón chờ điểm thi tốt nghiệp THPT của con với hi vọng cánh cửa tương lai rộng mở.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc Gia

KHÁNH HẰNG (Dịch từ SCMP, The China Project)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Gỡ rối cho bố mẹ có con tốt nghiệp THPT