Khi con cái chọn Gap Year - tạm dừng việc đến trường, phụ huynh nghĩ sao? 

Sa Nhi - Ngày 19/08/2023 06:40 AM (GMT+7)

Những năm gần đây, nhiều học sinh sinh viên đã và đang lựa chọn tạm dừng việc học tập hoặc công việc trong một khoảng thời gian nhằm tìm hiểu niềm đam mê mới hay thực hiện những mục đích cá nhân khác. Khoảng thời gian tạm nghỉ này được gọi là "Gap Year" - năm trống.

"Gap Year" là trào lưu phổ biến trong giới trẻ trên toàn thế giới

“Gap Year” là một khái niệm còn khá mới được du nhập từ các nước phương Tây những năm gần đây, ban đầu được hiểu như một năm nghỉ ngơi của học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông, họ quyết định tạm dừng lại một thời gian để có thể làm tất cả những gì mình muốn và khám phá bản thân trước khi bước vào quãng đời đại học phía trước.

Sau này khái niệm đã được mở rộng thêm, nên ở Việt Nam cũng như quốc tế, các bạn trẻ không chỉ dành một "năm trống" sau 12 năm học phổ thông, mà có thể cả khi đang học đại học, hoặc đang làm việc nhưng muốn tạm dừng để tìm kiếm trải nghiệm mới lạ, hay chỉ đơn giản để xác định lại hướng đi trong cuộc sống.

Cuộc sống với guồng quay hối hả hiện tại làm chúng ta thiếu đi những khoảng lặng cần thiết để đánh giá đúng những lựa chọn. Việc tạm dừng "lên lớp" trong quá trình học mang lại cho học sinh, sinh viên thêm nhiều thời gian nghỉ ngơi, cân nhắc cũng như cơ hội trải nghiệm những điều "khác thường", nhưng đồng thời cũng làm các bậc phụ huynh lo lắng liệu con mình có bị tụt hậu hay không, hoặc có đang lãng phí thời gian vô ích hay không.

Thời đại 4.0 hiện nay đã mở ra nhiều hướng đi mới, và việc đến trường đã không còn là con đường duy nhất. Việc có một năm trống sẽ cho phép mỗi người có một khoảng lặng để tự đánh giá lại tình hình và bản thân, không vội vã mắc sai lầm khi đưa ra những lựa chọn quan trọng.

Chính vì lẽ đó, "Gap Year" đang là một trào lưu phổ biến trong giới trẻ trên toàn thế giới.

Phụ huynh nghĩ sao về Gap Year (hay “năm trống”)? 

Không chỉ phụ huynh Việt Nam, mà cả ở các nước nơi việc nghỉ “Gap Year” phổ biến, thì việc các phụ huynh đắn đo trước việc con cái tạm gác lại việc học cũng rất dễ hiểu. Nhiều người lo lắng con mình phí mất một năm sẽ ảnh hưởng đến việc lấy bằng cấp rồi xin việc muộn, trở nên tụt hậu so với xã hội hoặc những người cùng lứa; hay thậm chí là lo lắng mọi người xung quanh sẽ bàn tán nghi ngờ về khả năng của con mình.

Nhưng chính vì vậy, phụ huynh lại càng cần ở bên cùng định hướng với con để giúp các bạn trẻ có được lời khuyên từ những trải nghiệm và kinh nghiệm sống thực tế. Ngoài ra, nếu được các bậc phụ huynh ủng hộ, giúp đỡ, tài trợ, những năm trống sẽ càng đem lại được hiệu quả tốt như mong muốn.

Thực tế, việc cha mẹ do dự hay khó đồng tình với quyết định gap year là một điều có thể hiểu được. Theo số liệu khảo sát năm 2020 từ tổ chức American Gap Year, cả học thức lẫn thu nhập của các phụ huynh đều có ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định và kế hoạch năm Gap Year của HSSV.

Hầu hết các gia đình đều sẽ hỗ trợ một phần cho kế hoạch năm trống của con cái tùy theo điều kiện kinh tế (ảnh 1). Số liệu khảo sát cũng đã chỉ ra rằng, việc này có tương quan đến sự cải thiện tích cực trong mối quan hệ giữa cha mẹ và học sinh. Và trong phần lớn các trường hợp (ảnh 2), việc cha mẹ có học thức và nhận thức ở mức độ nhất định cũng ảnh hưởng đến quyết định sử dụng năm trống của con mình. 

Hình 1: Điều kiện kinh tế của gia đình sẽ ảnh hưởng đến việc tài trợ cho năm trống của con cái.

Hình 1: Điều kiện kinh tế của gia đình sẽ ảnh hưởng đến việc tài trợ cho năm trống của con cái. 

Hình 2: Học thức của cha mẹ có ảnh hưởng đến quyết định nghỉ năm trống của HSSV.

Hình 2: Học thức của cha mẹ có ảnh hưởng đến quyết định nghỉ năm trống của HSSV.

Điều này cũng rất dễ hiểu, khi mà một năm trống đem lại cho chúng ta thời gian và cơ hội làm những điều mới mẻ, nhưng kéo theo đó cũng có thể là sự chủ quan lãng phí thời gian, không sử dụng cơ hội này để phát triển bản thân được tốt. Trong trường hợp này, bậc phụ huynh có hiểu biết sẽ góp phần định hướng được cho con những lựa chọn phù hợp, tạo ra ảnh hưởng tích cực đến chính tương lai của con, cũng như góp phần cải thiện tình cảm giữa con cái - cha mẹ trong gia đình.

Thủ tục để có một năm trống tại các nước phương Tây và Việt Nam như thế nào?

Ở Mỹ, hệ thống Giáo dục chấp nhận việc mỗi sinh viên đều có một năm trống cho bản thân nên thủ tục xin bảo lưu việc học rất đơn giản. Tuy nhiên nếu thời gian nghỉ kéo dài hơn 1 năm, bạn cũng cần phải cung cấp lý do chính đáng và các tài liệu liên quan cho nhà trường.

HSSV có thể liên hệ với các tổ chức giáo dục để đi du lịch theo những “Chương trình cho năm trống” ở những nơi gần quê nhà hoặc xuyên quốc gia; cũng có thể học về chính trị qua các chương trình thực tập tại Washington, D.C; hoặc chỉ đơn giản là đi theo những lựa chọn du lịch cá nhân đã sắp xếp.

Theo tổ chức Go Overseas (gooverseas.com) thống kê, những điểm đến nhiều nhất của các sinh viên để trải nghiệm thường là: Canada - nơi tối ưu nhất về mặt kinh phí, Anh Quốc - cho các trải nghiệm chuyên nghiệp nhất về ngành nghề, Nam Phi là điểm đến cho các hoạt động tình nguyện, Ấn Độ để trải nghiệm nền văn hóa ấn tượng, hoặc Costa Rica để trải nghiệm khám phá và du lịch.

Ở Việt Nam, thủ tục để bảo lưu học bạ để xin nghỉ trong thời gian dài còn chưa được tối giản cũng như chưa có nhiều phương án lựa chọn cho sinh viên.

Theo khoản 1 Điều 15 Quy chế đào tạo trình độ đại học ban hành kèm Thông tư 08, sinh viên được xin nghỉ học tạm thời và bảo lưu kết quả đã học được quy định trong các trường hợp: được điều động vào lực lượng vũ trang; được cơ quan có thẩm quyền điều động; đại diện quốc gia để tham dự các kỳ thi, giải đấu quốc tế; bị ốm, thai sản hoặc tai nạn phải điều trị thời gian dài và có chứng nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền. Nếu vì lý do cá nhân khác nhưng sinh viên đã học tối thiểu 01 học kỳ và không thuộc các trường hợp bị xem xét buộc thôi học hoặc kỷ luật.

Nên lưu ý là để làm thủ tục đúng cách và thuận tiện nhất thì sinh viên nên đến phòng quản lý đào tạo để được tư vấn và hướng dẫn cụ thể trước, sau đó mới chuẩn bị hồ sơ bảo lưu kết quả học tập theo hướng dẫn và nộp cho cán bộ quản lý, và mỗi trường cũng sẽ có những yêu cầu hoàn thiện hồ sơ khác nhau.

Có nhiều sinh viên ở các nước phương Tây sử dụng “năm trống” này không?

Nếu nhìn qua số liệu từ UCAS (Dịch vụ tư vấn, tuyển sinh Đại học và Cao đẳng của Anh), số lượng sinh viên và những người trẻ liên hệ để được tư vấn cho kế hoạch trong năm trống đều đang tăng dần trong những năm gần đây.

Từ năm 2012 cho đến năm học 2021/2022, số lượng sinh viên quyết định dừng lại và sử dụng năm trống đã tăng 52,1% từ 24,195 người lên đến 36,790 người (trung bình mỗi năm là khoảng 29,920 sinh viên). Đương nhiên, đại dịch Covid gần đây cũng đã ảnh hưởng và làm gián đoạn nhiều kỳ học, cùng với đó là việc nhiều HSSV đã quyết định tạm thời dừng việc học trong một năm (số liệu tính đến 17/1/2023).

Cả nơi đặt nặng về vấn đề năng suất như Mỹ cũng rất quan tâm đến việc mỗi người cần có thời gian xả hơi để tìm hiểu về phương hướng bản thân muốn phát triển, hoặc chỉ đơn giản là sống chậm lại và tận hưởng cuộc sống. 

Việc bỏ trống 1 năm hay một khoảng thời gian rõ ràng đi kèm nhiều rủi ro về sự phát triển liên tục, cũng như rất có thể sẽ kéo theo đó là tụt hậu về mặt kinh nghiệm, tri thức trong học tập và công việc. Tuy nhiên, tiến trình của mỗi người chỉ có chúng ta mới là người hiểu rõ nhất, không phải ai cũng phù hợp cho một năm trống nếu như chính bản thân bạn cũng không có định hướng phù hợp.

Nếu không biết mình muốn gì, có khi thứ mà năm trống này đem lại sẽ là cả sự "trống rỗng", càng làm bạn thêm hoang mang mờ mịt về tương lai. Hoặc, có những cơ hội học tập, việc làm mà sẽ rất hiếm khi xảy đến trong đời, đứng trước những cơ hội như thế, việc lựa chọn ‘gap year’ có lẽ sẽ làm bạn đánh mất cơ hội để có một bước tiến đột phá trong cuộc sống.

Kinh nghiệm sử dụng năm trống của người viết:

Bản thân tôi khi đang theo học đại học tại Việt Nam cũng đã làm thủ tục bảo lưu giữa 2 kỳ học. Thủ tục bảo lưu ở những trường hệ Cao Đẳng đào tạo chuyên về kỹ năng và có nhiều khóa và lớp mở liên tục khá đơn giản, chỉ cần báo cáo lên ban tuyển sinh nhà trường trước khi bảo lưu, đến hết thời hạn bảo lưu cũng cần liên hệ trước với trường xem có lớp nào sắp khai giảng phù hợp với thời gian muốn theo học là được.

Với kiến thức học được theo chuyên ngành Mỹ thuật Đa phương tiện ở trường, tôi đã tìm kiếm cơ hội thực tập tại một công ty Truyền thông quảng cáo, vừa có thể tích góp kinh nghiệm làm việc thực tế, cũng như học tập, cập nhật xu hướng thiết kế của thế giới.

Trải nghiệm này đem lại cho tôi không chỉ thu nhập, mà dựa vào các kinh nghiệm và công việc đã làm, khi quay trở lại trường cũng đã giúp tôi có được điểm số tốt hơn trong các môn học về sau.

(*) Bảng trong bài viết tham khảo số liệu năm 2020 từ American Gap Association National Alumni Survey

Đại học không phải con đường duy nhất, Gap Year giúp tôi đạt được 3 mục tiêu đề ra trong quá trình du học
Có thể thế hệ cha mẹ chúng ta cảm thấy việc con cái nghỉ nguyên một giời gian dài là phí phạm thời gian, thậm chí là sự trốn tránh hiện thực. Tuy nhiên, với tôi, con người ta có quyền sống chậm lại, thậm chí tạm nghỉ một thời gian để củng cố trạng thái, nâng cấp bản thân tới khi thực sự sẵn sàng quay trở lại.

Gỡ rối cho bố mẹ có con tốt nghiệp THPT

Theo Sa Nhi
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h