Khoa Nhi, BV Bạch Mai (Hà Nội) cho biết mới tiếp nhận một trẻ sơ sinh mới 24 ngày tuổi bị biến chứng viêm phổi vì mắc sởi. Đây là lần đầu tiên các bác sĩ gặp trường hợp trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ còn quá ít ngày tuổi mắc bệnh sởi.
Bệnh nhi là bé Nguyễn Văn Phúc, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội. Được biết, trước đó bệnh nhi có xuất hiện biểu hiện thở khò khè, ho và có nhiều đờm xanh, vàng. Sau 5 ngày điều trị tại phòng khám tư các biểu hiện trên chấm dứt. Tuy nhiên đến đêm ngày 23/2, bé bỗng bị sốt trở lại và xuất hiện các ban đỏ ở vùng mặt. Sáng ngày 24/2, trẻ được gia đình đưa vào khám tại Khoa Nhi, BV Bạch Mai trong tình trạng sốt, ho, viêm long đường hô hấp và xuất hiện các ban đỏ rải rác vùng mặt.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ nghi ngờ trẻ mắc sởi có biến chứng viêm phổi nên cho trẻ nhập viện ngay. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm của bé lại âm tính với sởi.
Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Phó trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết: "Dù kết quả xét nghiệm là âm tính nhưng các bác sĩ vẫn nghĩ nhiều đến khả năng trẻ mắc sởi bởi có thể với trẻ sơ sinh còn quá ít ngày tuổi (trường hợp của cháu Phúc mới 24 ngày tuổi), kết quả xét nghiệm sẽ không có ý nghĩa nhiều. Bên cạnh đó, bé Phúc lại hội tụ đủ các triệu chứng lâm sàng điển hình của bệnh sởi là có viêm đường hô hấp, ho nhiều, xuất hiện các ban dạng sởi toàn thân, viêm kết mạc và có biến chứng viêm phổi”.
Bác sĩ đang khám cho bé Phúc - trẻ sơ sinh nhỏ tuổi nhất ghi nhận mắc sởi tại BV Bạch Mai
(Ảnh Mai Hương)
Bác sĩ Nam cũng cho biết thêm, qua khai thác tiền sử người mẹ trẻ sinh năm 1985 của bé Phúc không nhớ bản thân mình đã được tiêm phòng hay mắc sởi chưa. Khu vực nhà bé Phúc sinh sống có nhiều bệnh nhi mắc sởi nên khả năng trẻ mắc sởi lại càng lớn. Chính vì thế các bác sĩ quyết định điều trị và chăm sóc cho bé Phúc theo hướng bệnh sởi.
“Trường hợp của bé Phúc đã có biến chứng viêm phổi sau mắc sởi. Với trẻ sơ sinh, tình trạng viêm phổi thường nặng, diễn biến nhanh hơn trẻ lớn, viêm phổi trên nền bệnh nhân mắc sởi do suy giảm miễn dịch lại càng nặng nề hơn. Rất may, do được đưa tới khám và điều trị kịp thời, sau 5 ngày nhập viện, tình trạng sức khỏe của bé Phúc đã cải thiện rõ rệt, bé hết sốt, ăn uống tốt, các ban bay dần. Đến ngày 3/3, bé được cho xuất viện và hẹn tái khám sau 3 ngày”, bác sĩ Nam nói.
Trường hợp bé Phúc 24 ngày tuổi mắc sởi là ca bệnh nhỏ tuổi nhất lần đầu tiên khoa Nhi, BV Bạch Mai ghi nhận. Theo bác sĩ Nam, trẻ sơ sinh mắc sởi là vô cùng hy hữu nhưng vẫn có thể có nguy cơ mắc. Bởi nếu như người mẹ bị mắc sởi hay thủy đậu đúng trong thời điểm vừa sinh con thì trẻ sơ sinh rất dễ lây bệnh từ mẹ.
Để phòng bệnh sởi cho trẻ, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần cho trẻ đi tiêm phòng đầy đủ, tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng ăn uống đủ chất dinh dưỡng, vệ sinh mũi họng thường xuyên cho trẻ. Với những trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi, do chưa thể tiêm vắc xin phòng bệnh bác sĩ khuyên nên hạn chế đưa trẻ đến chỗ đông người. Các bà mẹ cần phải phòng bệnh cho mình trước, tránh để lây sởi cho con bằng cách đi tiêm phòng cho chính bản thân mình, vì với phụ nữ tuổi sinh sản nếu chưa từng mắc sởi hoặc chưa được tiêm vắc xin sởi vẫn có nguy cơ mắc sởi và truyền bệnh cho con.
Với trẻ có biểu hiện sốt, viêm long đường hô hấp, nổi ban cha mẹ cần đưa trẻ đi khám và theo dõi chặt chẽ theo hướng dẫn của bác sĩ nhằm phát hiện sớm ca mắc sởi. Nếu trẻ chỉ cần có một trong những biểu hiện bất thường như sốt cao hơn, li bì, thở khó, nhịp thở nhanh, cha mẹ cần đưa trẻ trở lại viện khám ngay dù có thể mới được thăm khám cách đó vài tiếng, bởi đề phòng trường hợp vi rút sởi tấn công thẳng vào phổi khiến bệnh trở nặng nhanh.
Mời các mẹ theo dõi toàn bộ thông tin về dòng sự kiện Bùng phát dịch sởi ở nhiều tỉnh thành: Cảnh báo trẻ bị vi rút sởi tấn công thẳng vào phổi Việt Nam sẽ gánh hậu quả nếu tiêm chủng thấp Bệnh nhân sởi vẫn tăng lên từng ngày |