Scandal "treo đầu dê bán thịt chó" của Khaisilk đã tạo nên một cú sốc lớn đối với những người tiêu dùng ngây thơ và thiện tâm hàng ngày làm giàu cho gian thương mà vẫn nghĩ đang ủng hộ hàng Việt.
Khaisilk không đơn độc vì có rất nhiều doanh nghiệp, cửa hàng, người buôn nhỏ lẻ làm giống "ông Khải". Tức là sang Quảng Châu, Trung Quốc đánh hàng theo cân về cắt tag thay tem hay để nguyên, bán lại với giá gấp đôi, gấp ba, hoặc như Khaisilk mạnh mẽ ăn lãi hẳn lên gấp 100 lần tại những cửa hàng sang trọng trong các khách sạn sang trọng bậc nhất. Sự sang trọng ngất trời đủ đè bẹp dí bất cứ khách hàng nào dám cả gan nghi ngờ giá cả và nguồn gốc xuất xứ hàng hoá.
Vì sao Hoàng Khải giàu?
Cách đây 30 năm, tôi còn là sinh viên đi làm thêm cho một cửa hàng tơ lụa trên phố Hàng Gai. Hồi đó, cả mấy con phố cổ đó đều nhập hàng tơ tằm Trung Quốc về bán.
Hàng Việt nam chỉ có một ít lụa trơn, lụa dệt hoa văn đơn giản nhuộm một màu và chủ yếu là đũi, khổ 90 phân theo kích cỡ khung dệt của làng Vạn Phúc rất khó tính vải để cắt may và cực kỳ co rút. Mặc dù những chiếc áo vest đũi may sẵn đều được ngâm vải để trừ hao nhưng chỉ sau một đến hai lần giặt tay áo vẫn co rút đến tận khuỷu, vạt hững tới rốn, chất vải thì xô dạt và loang màu.
Ngay từ ngày đó, Khaisilk đã khác biệt với tất cả các cửa hàng còn lại. Cửa hàng decor cực kỳ thẩm mỹ và sang trọng, giá bán đắt hơn hẳn. Khách du lịch kiểu Tây ba lô nhìn qua cửa kính đã ngại bước vào. Khách bình dân trong nước không dám bén mảng.
Hoàng Khải cực kỳ thông minh, chọn ngay phân khúc dòng khách hàng cao cấp, doanh nghiệp biếu tặng đối tác, những đoàn cán bộ cấp cao đi nước ngoài hoặc đến Việt nam công tác, họp hội nghị thượng đỉnh, giới thương gia giàu có...
Cùng một chiếc khăn lụa tàu đó, nhưng được Khaisilk trưng bày như những đồ trân bảo, được gói trong hộp bọc lụa thật sang trọng và tất nhiên được tính giá vài triệu đồng.
Thổi hồn hay bóp chết lụa Việt Nam?
Không lâu sau đó, doanh nhân Hoàng Khải bước chân vào làng thời trang Việt với tư cách nhà tài trợ, nhà thiết kế, và ban giám khảo trong các sô diễn thời trang.
Hoàng Khải mở rộng kinh doanh sang nhà hàng, khách sạn và nổi lên như một tỷ phú có sức hút lớn đối với công chúng, không chỉ vì khối tài sản khổng lồ trưng ra không hề giấu diếm và các phát ngôn đầy nhân văn.
Hoàng Khải tự nhận mình là người đã vực dậy các làng nghề dệt lụa, đưa hàng Việt Nam trở về với giá trị của nó, thậm chí xuất khẩu lụa Việt Nam ra nước ngoài.
Trớ trêu thay, chỉ sau đợt PR rầm rộ với slogan đầy thách thức "Vì sao Khải giàu?" là scandal hàng Made in China đội lốt hàng Việt ngay đại bản doanh 113 Hàng Gai.
Mới đây nhất, hôm qua một cựu hoa khôi thể thao đã lên tiếng bênh vực cho Khaisilk. Cô cho rằng, Khải chỉ làm những việc người khác cũng làm. Và Khải làm được điều mà người khác không làm được là đã "thổi hồn" cho một chiếc khăn không thương hiệu 25.000 đồng bằng thương hiệu của anh cho nên khách hàng hài lòng trả 2 triệu đồng là chuyện bình thường. Thật là một cách diễn tả mỹ miều cho việc cầm kéo cắt tag Made in China và thay vào mác Khaisilk.
Scandal "treo đầu dê bán thịt chó" của Khaisilk đã tạo nên một cú sốc lớn đối với những người tiêu dùng ngây thơ và thiện tâm hàng ngày làm giàu cho gian thương mà vẫn nghĩ đang ủng hộ hàng Việt.
Hoàng Khải đã đập tan nốt chút niềm tin của người dân vào một vài thương hiệu có tiếng trong nước. Những kiểu làm giàu như Khải góp phần bóp chết chứ không nói gì đến "vực dậy" các làng nghề trong nước, như chính những gì anh ta rao giảng.
>> Xem thêm: Thương hiệu Khaisilk đã “qua đời”…