Khó phạt mũ bảo hiểm rởm nếu 'khoán trắng' cho công an

Ngày 02/07/2014 09:25 AM (GMT+7)

Nhiều công an thừa nhận không thể xác định một chiếc mũ bảo hiểm “xịn” hay rởm. Thậm chí, những chiếc mũ bảo hiểm không có tem cũng không thể khẳng định đó là mũ rởm.

Ý thức người dân vẫn còn kém

Đã bảy năm ở nước ta thực hiện qui định đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên ô tô, xe máy. Qui định này nhằm giảm bớt tác hại nguy hiểm khi có tai nạn xảy ra. Có thể nói, đây là một qui định tốt, có ích đối với người dân. Tuy nhiên, không phải ai cũng thực hiện qui định này nghiêm chỉnh. Hiện nay, không ít người đội mũ bảo hiểm chỉ với một mục đích duy nhất là không bị công an thổi phạt. Do đó, nhiều người đội mũ bảo hiểm nhưng không cài dây an toàn, hoặc mua những chiếc mũ có chất lượng kém, giá rẻ nhưng lại hợp thời trang…

Khó phạt mũ bảo hiểm rởm nếu #039;khoán trắng#039; cho công an - 1

Những hình ảnh này dễ dàng nhìn thấy trên khắp các tuyến đường tại TP.HCM

Trước đây, Bộ khoa học – Công nghệ cũng đã có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy. Theo đó, mũ bảo hiểm cho người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), xe đạp máy đôi khi tham gia giao thông phải đủ các tính năng sau:

Thứ nhất, về cấu tạo mũ phải đủ 3 bộ phận gồm vỏ mũ, lớp đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo.

Thứ hai, mũ đó đã được chứng nhận hợp quy, được gắn dấu hợp quy CR (dấu hợp quy CR phải được thể hiện một cách rõ ràng, dễ đọc, được in trực tiếp lên mũ bảo hiểm hoặc được dán lên mũ bảo hiểm bằng chất liệu không thấm nước, không thể tẩy xóa, làm mờ dấu hợp quy) và có ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật.

Trong đó, nhãn của mũ sản xuất trong nước tối thiểu phải bao gồm các thông tin: Tên sản phẩm phải có cụm từ “Mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy”, tên địa chỉ và cơ sở sản xuất, cỡ mũ, năm tháng sản xuất.

Nhãn của mũ nhập khẩu tối thiểu phải bao gồm các thông tin: Tên sản phẩm phải có cụm từ “Mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy”, tên địa chỉ của tổ chức hoặc cá nhân nhập khẩu và phân phối, xuất xứ hàng hóa, cỡ mũ, năm tháng sản xuất.

Cũng theo quy chuẩn này, đối với mũ bảo hiểm có lưỡi trai mềm gắn liền vỏ mũ hoặc lưỡi trai rời tháo lắp được, độ dài của lưỡi trai tính từ điểm kết nối với vỏ mũ đến điểm dài nhất của lưỡi trai không quá 70mm.

Trường hợp mũ có lưỡi trai cứng gắn liền vỏ mũ, độ dài của lưỡi trai không lớn hơn 50mm. Trường hợp mũ bảo hiểm có vành cứng xung quanh thì không được nhô quá 20mm.

Thế nhưng, khi ra đường, nếu chỉ áp dụng những qui định trên thì chúng ta dễ dàng bắt gặp nhiều người đội mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn. Bởi, nhiều chiếc mũ được đội chỉ được xem là mũ nhựa chứ không phải là mũ bảo hiểm. Đây chỉ là những chiếc mũ phóng tác từ chiếc mũ lưỡi trai, mũ dành cho những người đua ngựa…

Sở dĩ, mũ bảo hiểm rởm vẫn được ưa chuộng vì giá cả khá rẻ, chừng 30 nghìn đồng đã có thể sở hữu một chiếc. Bên cạnh đó, mẫu mã khá đa dạng cũng là một nguyên nhân. Thế nhưng, cái gốc vẫn là ý thức của người dân. Nhiều người vẫn không hiểu, việc đội mũ bảo hiểm thực chất là đang bảo vệ chính mình. Họ cho rằng, đội mũ bảo hiểm chỉ là để qua mắt cảnh sát giao thông.

Chưa xử phạt tận gốc

Tối 1/7/2014, chúng tôi dạo quanh nhiều con đường mua sắm tại TP.HCM như Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Văn Sỹ, Nguyễn Đình Chiểu, Võ Văn Tần… vẫn thấy còn có rất nhiều cửa hàng bán mũ bảo hiểm rởm. Thậm chí, những cửa hàng rong bán tại vệ đường vẫn hoạt động khá mạnh mẽ, thu hút nhiều người dân mua.

Từ trước đến nay, việc mua bán mũ bảo hiểm rởm ở TP.HCM vẫn diễn ra đều và công khai. Do đó, không thể nói, cơ quan chức năng không thể biết điều này để xử phạt, ngăn chặn. Với thực tế hiện nay, dường như việc xử phạt người lưu thông giao thông khi đội mũ bảo hiểm rởm chỉ là phần ngọn. Nhiều người đặt ra câu hỏi, tại sao không bắt đầu xử phạt đối với những chủ cửa hàng bán mũ bảo hiểm rởm?

Khó phạt mũ bảo hiểm rởm nếu #039;khoán trắng#039; cho công an - 2

Cảnh sát giao thông xử phạt người dân trong ngày 1/7

Không chỉ thế, việc cảnh sát giao thông xử phạt mũ bảo hiểm rởm cũng là một điều khuất mắc và trở thành áp lực. Bởi, hiện nay, bên cạnh những chiếc mũ nhựa, nhìn vào là có thể biết không phải mũ bảo hiểm thì có không ít mũ bảo hiểm rởm không khác mấy, thậm chí, ngoại hình giống y hệt mũ bảo hiểm “xịn”. Với những chiếc mũ này, công an khó nhận dạng và trở nên khó xử lý. Đối với trường hợp này, công an muốn xử phạt thì phải niêm phong, đưa đến cơ quan chức năng thẩm định. Tuy nhiên, thử hỏi, có bao nhiêu đồng chí công an có thể làm điều này?

Trước đó, ngay vào sáng 1/7/2014, một cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ trên đường Điện Biên Phủ (quận 1) trao đổi với chúng tôi và thừa nhận không thể nhận biết được đâu là mũ bảo hiểm thật và đâu là mũ bảo hiểm giả. Do đó, công an chỉ có thể bắt lỗi đối với những người đội mũ mà nhìn vào đã có thể biết không phải là mũ bảo hiểm như mũ thời trang, mũ bảo hộ lao động, mũ thể thao…

Một đồng chí khác đang làm nhiệm vụ tại Xa lộ Hà Nội cũng chia sẻ, đối với những chiếc mũ bảo hiểm đủ 3 bộ phận gồm vỏ mũ, lớp đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo mà không có tem cũng không thể khẳng định là mũ giả được. Bởi, có thể, người dân sử dụng trong khoảng thời gian dài, có nhiều lý do và chiếc tem đã bị bong tróc.

Trao đổi với chúng tôi, thượng tá Trần Thanh Trà, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an TP.HCM cho biết, để tránh việc phạt oan người dân, cảnh sát giao thành phố không phạt đối với những người dân đội mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn vì công an không thể giám định đâu là mũ thật, mũ giả, bởi chúng trông rất giống nhau.

Trong khi đó, công an thành phố sẽ xử phạt đối với những trường hợp không đội mũ bảo hiểm, đội mũ bảo hiểm không cài quai, đội các loại mũ không phải là mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Công an sẽ nhắc nhở, tuyên truyền là chủ yếu nhằm thay đổi ý thức của người dân.

Thượng tá Trà cũng cho rằng, một chiếc mũ bảo hiểm khi đến người tiêu dùng có ba bước là sản xuất, lưu thông và tiêu thụ. Đối với việc xử phạt những người tham gia giao thông đội mũ không đúng tiêu chuẩn, cần phải quản lý chặt từ khâu sản xuất, chính quyền các cấp, quản lý thị trường cũng phải quản chặt không cho lưu thông sản phẩm kém chất lượng. Do đó, để thực hiện tốt chỉ thị của Chính phủ thì không chỉ cảnh sát giao thông mà Quản lý thị trường, Công an kinh tế cũng cần xử lý tận gốc các cơ sở sản xuất, kinh doanh buôn bán. Chỉ khi làm tốt những khâu này thì người dân mới không thể sử dụng những chiếc mũ bảo hiểm không đạt chất lượng.

Nhật Phi
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot