Không họ hàng thân thích, người phụ nữ Cần Thơ vẫn "sống cùng" một ngôi mộ suốt 60 năm, ngày nào cũng thắp 4 nén nhang

NGỌC HÀ - Ngày 16/02/2023 16:00 PM (GMT+7)

“Hồi ông nhà tôi còn sống, năm nào cũng quét sơn cho ngôi mộ. Còn tôi đảm trách nhiệm vụ đèn nhang hoặc thắp hương hoa quả ngày Rằm, Mùng 1…", cụ Sang nói.

Về An Cư (Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) hỏi thăm cụ Hai Sang (87 tuổi) ai cũng hay biết, từ già đến trẻ nhỏ đều có thể kể vanh vách về câu chuyện “đặc biệt” gắn liến với cụ. Bởi căn nhà cụ đang sinh sống tồn tại ngôi mộ bên trong, ngay sát cạnh giường ngủ.

“Chúng tôi ở đây ai cũng biết rõ ràng chuyện cụ Sang ăn ngủ cùng một ngôi mộ suốt 60 năm. Và chủ nhân của ngôi mộ này chẳng có quan hệ huyết thống với cụ ấy. Đó là mộ của bà Nguyễn Thị Có, sinh năm 1913 và mất vào năm 1956. Có nghĩa ngôi mộ này xuất hiện trước khi nhà của cụ được dựng lên”, chị Tư – bán hủ tiếu rong tại phường An Cư cho hay.

Sau đó người phụ nữ miền sông nước dẫn chúng tôi đến thăm nhà của cụ Sang. Ngôi nhà rộng vài chục mét vuông, vừa bước vào cổng đã thấy ngôi mộ màu vàng nằm giữa nhà, sát cạnh là chiếc giường nhỏ, tủ thờ chồng cụ Sang và một số đồ dùng gia đình.

Cụ Sang cho biết, xưa mảnh đất này là khu nghĩa địa. Còn nhà cụ ở gần đó nhưng vì con cái đông, lại làm ăn thua lỗ nên đành phải bán nhà. Cụ không còn nơi ở nên cất tạm nhà nhỏ quây quanh ngôi mộ này cho đến tận hôm nay.

“Sau đó không lâu, các con của tôi lên Sài Gòn lập nghiệp. Năm 2009, chồng tôi qua đời. Tôi quyết định xin chính quyền cho mình sống trong căn nhà này.

Vài năm sau, chính quyền quy hoạch khu nghĩa địa thành chỗ ở của dân, nhà cửa mọc lên san sát. Các mộ phần được người thân lấy hài cốt chôn ở nơi khác. Song ngôi mộ này vẫn nằm nguyên ở đây”, cụ Sang cho hay.

Nhắc đến thân thế của người nằm trong ngôi mộ, người phụ nữ gần 90 tuổi cho biết, bà Có vốn là tiểu thương buôn vải có tiếng ở thành phố. Năm 43 tuổi, bà hạ sinh con gái út rồi không may qua đời. Gia đình đã chôn cất bà ngay tại khu nghĩa trang.

Cụ Sang và ngôi mộ của bà Nguyễn Thị Có.

Cụ Sang và ngôi mộ của bà Nguyễn Thị Có.

“Các con của bà ấy sống quanh đây thôi, con gái út ở đường Nguyễn An Ninh ấy. Một năm, chúng về thăm mộ và thắp hương 2 lần: Tết Nguyên đán và Thanh minh. Nhiều người hỏi tôi có sợ khi sống chung với người âm hay không? Thú thật tôi quen rồi. Tôi xem ngôi mộ của bà Có như người thân đã mất”, cụ Sang tâm sự.

Từ hồi sống ở đây, tự tâm cụ Sang bảo cụ phải chăm sóc mộ phần chu đáo, không để bà Có cảm thấy lạnh lẽo khi sống cùng mình. Vì thế suốt mấy chục năm qua, cụ lo hết phần hương khói cho bà Có.

“Hồi ông nhà tôi còn sống, năm nào cũng quét sơn cho ngôi mộ. Còn tôi đảm trách nhiệm vụ đèn nhang hoặc thắp hương hoa quả ngày Rằm, Mùng 1… Sau này ông ấy mất, ngày nào tôi cũng thắp 4 nén hương, mong bà Có phù hộ cho mình khoẻ mạnh. Nói chung tôi ở đây lâu rồi nên quen, không có cảm giác sợ hãi gì đâu.

Nhiều người từ xa biết chuyện tôi ở cùng một ngôi mộ đã đến tận nhà để “mục sở thị”. Hồi đầu tôi không thích họ làm phiền cuộc sống của mình. Song dần dần tôi cũng kệ, ai muốn đến thì tôi tiếp đón đàng hoàng bởi tôi biết rõ là con người ai chẳng hiếu kỳ chuyện độc lạ trên đời, người phụ nữ Cần Thơ bộc bạch.

Cụ Sang dù đã lớn tuổi nhưng còn minh mẫn và khoẻ mạnh. Cụ có thể kể vanh vách những kỷ niệm gắn liền với ngôi mộ trong suốt mấy chục năm “sống cùng”. Cụ bảo ai đến chơi, muốn tìm hiểu hay lắng nghe câu chuyện về bà Có đều sẵn sàng kể những gì mình biết. Cụ cũng động viên mọi người không nên có cảm giác sợ hãi hoặc rùng rợn khi nghe ai đó nhắc đến chuyện cụ “sống cùng” ngôi mộ.

“Tôi ở đây một mình từ hồi ông nhà qua đời. Tôi tự đi chợ, tự nấu ăn rồi khi nào hàng xóm rảnh rỗi sang phụ giúp. Tôi già, răng yếu không ăn được gì nhiều nên chẳng có nhu cầu cao sang gì về cuộc sống”, cụ Sang nói.

Lãnh đạo phường An Cư xác nhận câu chuyện gắn liền với cụ Sang hoàn toàn chính xác. Họ khẳng định khu vực quanh nhà cụ trước đây là nghĩa địa, chôn cất nhiều người đã khuất. Sau đó nghĩa địa được di rời, làm đất ở cho dân và chỉ còn ngôi mộ của bà Có hiện vẫn “nằm” ở đó.

Vị lãnh đạo cũng cho biết cụ Sang sồng cùng ngôi mộ nhưng cuộc sống không khác so với người bình thường, sức khoẻ tốt. Bản thân cụ dù có nhiều con cháu nhưng thích sống một mình. Hàng năm vào các ngày lễ tết, chính quyền đều biếu tặng quà và hỗ trợ tiền dành cho người cao tuổi.

Cô nàng tí hon bị gia đình cấm cản, thiên hạ kỳ thị khi yêu bạn đồng giới và cái kết đầy ngọt ngào
Út Mini bộc bạch ai cũng muốn có một lễ thành hôn trong đời, vì thế khi đủ điều kiện sẽ làm đám cưới.

Những câu chuyện cảm động

Theo NGỌC HÀ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Độc lạ Việt Nam