“Ai cũng mê tiền cả, nhất là tiền tỷ nhưng xét về tình thì tôi không thể bán được. Thậm chí người ta trả giá 20 tỷ, tôi cũng không bán đâu", người đàn ông nói.
Từ khi nền văn minh lúa nước của người Việt Nam khởi nguồn, con trâu đã trở thành báu vật của người nông dân. Sau này nó đi vào văn hoá Việt, trở thành hình ảnh quen thuộc – biểu trưng cho sự chăm chỉ, hiền lành và khỏe mạnh. Vì thế khi nói đến sức khỏe, người ta thường ví von khỏe như trâu.
Chúng ta vốn chỉ biết trâu là động vật thuộc lớp Thú, da trâu thường là màu đen với lớp lông mao bao phủ toàn thân. Ít ai ngờ rằng trên dải đất hình chữ S có một con trâu màu hồng độc lạ, ai nhìn thấy tận mắt cũng khó có thể tin nổi.
Chủ nhân của con trâu màu hồng là ông Đặng Văn Ghên – thường được người trong vùng gọi là Út Uột – một nông dân chính hiệu ở Củ Chi (TP.HCM). “Mọi người nhìn con trâu này non tơ vậy thôi, chứ hơn 30 tuổi rồi đó. Nó có lớp da hồng hào với lớp lông trắng nên ai nhìn cũng ngỡ chỉ vài năm tuổi.
Trang trại nuôi trâu bò của gia đình ông Út Uột.
Song ai thành thạo về trâu bò, nhìn cặp sừng dài cong vuốt là biết ngay độ tuổi thật. Một số người cũng tìm đến tận nhà tôi để “mục sở thị” nó rồi trầm trồ ngạc nhiên. Nói chung ở vùng này, nó là con trâu hồng độc nhất vô nhị”, ông Út Uột quả quyết.
Cũng theo nông dân Sài thành, trâu hồng thuộc gốc trâu của Thái Lan, di chuyển qua Campuchia rồi “cập bến” tại Tây Ninh của nước ta. Năm 2001, cha của ông Út Uột đã bỏ ra 12 triệu đồng (tương đương 2.5 cây vàng hiện tại – PV) để mua lại với mục đích về kéo cỏ voi từ ruộng về trang trại cho đàn trâu bò nuôi lấy thịt.
“Xưa có một số người tưởng rằng con trâu này bị bệnh “bạch tạng” nhưng ba tôi khẳng định nó có màu hồng từ lúc sinh ra đến nay. Ba tôi là người có kinh nghiệm trong chăn nuôi trâu, tận mắt chứng kiến hàng trăm con trâu chào đời, tự tay nuôi nấng rất nhiều trâu… Vì thế ba tôi có mắt nhìn trâu lắm, không phải bị bệnh “bạch tạng” đâu”, ông Út Uột chia sẻ.
Con trâu màu hồng độc đáo có tuổi đời lên tới hơn 30 tuổi, nặng 1.3 tấn.
Dù trâu có làn da hồng độc lạ song “sức khoẻ” không hề thua kém với trâu da đen là mấy. Mỗi ngày nó có thể kéo ngoài ruộng xa hơn 1 tấn cỏ để cung cấp thức ăn chính cho khoảng 200 con bò sữa tại địa phương.
“Thường ngày trâu hồng cùng tôi ra đồng. Tôi đi trước, còn nó theo sau tự lo kiếm cỏ, bao giờ bụng no căng thì lăn ra ngủ. Khi tôi bắt đầu về thì nó cũng theo về, không bao giờ bị lạc suốt mấy chục năm qua, đến nhà thì tự đi vào chuồng mà không cần ai dẫn dắt”, người đàn ông chia sẻ.
Chúng tôi liền thắc mắc: “Con trâu hồng này chỉ ăn cỏ thôi đúng không?”. Chú Út Uột cười bảo: “Nó vừa ăn cỏ, vừa ăn rơm, vừa ăn một số thực phẩm khác. Nhiều con trâu gặm cỏ đến mức răng rụng cả nhưng nó thì không, vẫn còn nguyên hàm. Sở dĩ vậy bởi cỏ ở ruộng nhà tôi cao, chỉ cần đứng là có thể ngoạm ngon lành rồi.
Nó cũng thích uống nước lắm! Mỗi ngày nó uống chừng 100 lít nước. Do vậy tôi thường trêu da nó đẹp do uống nước nhiều”.
Con trâu này chỉ ăn cỏ voi, rơm và một số thực phẩm.
Gần đây, nhiều người có tiền thấy con trâu hồng rất lạ nên có ý muốn mua lại với giá khá cao để về trưng trong nhà cho bạn bè và khách đến xem. Thế nhưng ông Út Uột không chịu bán. “Ai cũng mê tiền cả, nhất là tiền tỷ nhưng xét về tình thì tôi không thể bán được. Thậm chí người ta trả giá 20 tỷ, tôi cũng không bán đâu.
Nó như có duyên nợ với gia đình chúng tôi rồi. Cách đây gần 2 năm - khi ông ba tôi qua đời, chính con trâu trung thành này bước đến trước quan tài ba tôi quỳ lạy liên tục. Trong mấy ngày tổ chức tang lễ, nó như một người thân trong gia đình, cứ đi tới đi lui với vẻ mặt buồn bã quanh khu nhà của gia đình”, ông Út Uột chia sẻ.
Mỗi ngày, con trâu hồng uống chừng 100 lít nước.
Với gia đình ông Ụt Uột, con trâu hồng không chỉ là một thành viên trong gia đình mà còn ngợi nhớ nhiều ký ức vui vẻ. Ông và người thân chỉ cần nhìn thấy nó là hình bóng người cha quá cố hiện lên. Ông khuông muốn mất đi quãng ký ức đó nên quyết giữ bằng được con trâu.
Hiện tại con trâu hồng đã được “nghỉ hưu” sau mấy chục năm lao động. Nó được hưởng chế độ đãi ngộ vô cùng tốt: chỉ ăn và uống nước rồi chơi, không phải làm việc nặng.