Từ nhiều năm nay, quán cơm chay nhỏ nằm ở đường Âu Cơ đã trở thành điểm đến ấm lòng của nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn. Bởi khách đến ăn muốn trả bao nhiêu tiền cũng được, không có thì cô chủ quán miễn phí cho luôn, chỉ cần để lại nụ cười hoặc lời cảm ơn.
Bếp chay thiện nguyện đỏ lửa với mô hình “tùy tâm"
Giữa cái trưa nắng nóng như gay gắt của Sài Gòn, ở góc đường Âu Cơ (quận 11) có một tiệm ăn “kỳ lạ" với mức giá đặc biệt, thu hút sự hiếu kỳ của rất nhiều người. Quán chay tuỳ tâm là mô hình hoạt động do vợ chồng chị Vương Kim Long mở ra nhằm đem lại những bữa ăn chất lượng, đầy đủ dinh dưỡng cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố. Sau 5 năm hoạt động, quán nhỏ của cô chủ dễ thương đã trở thành trạm dừng chân ý nghĩa cho rất nhiều người.
Quán cơm chay của vợ chồng chị Kim Long đã mang đến rất nhiều bữa cơm ấm lòng cho người lao động khó khăn
Theo chia sẻ của chị Kim Long, lúc trước khi chăm sóc mẹ chồng tại bệnh viện Ung bướu TP.HCM, tình cờ nhận được phần cơm từ thiện của các nhà hảo tâm nên chị nuôi ước mơ mở quán chay từ thiện giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. "Mình cảm thấy cuộc đời thật là đẹp khi còn có những người giúp đỡ mình những lúc khó khăn. Mình muốn sau này có điều kiện mình làm lại những điều đó cho mọi người. Sau đó, bếp chay tuỳ tâm ra đời" - chị Kim Long tâm sự.
Ở chi nhánh Âu Cơ, quán mở cửa từ thứ 2 đến thứ 7, mỗi ngày là một món ăn khác nhau để phục vụ những thực khách gần xa. Chị Kim Long sợ những “thượng đế” ngán khi các món ăn lặp lại nên cố gắng thay đổi thực đơn để chiều lòng mọi người.
Sự đam mê ẩm thực giúp chị Kim Long hoàn thiện các món ăn theo một cách chỉn chu nhất
Từ những món ăn đơn giản như cơm chay, bún chay đến những món đòi hỏi sự cầu kỳ, chỉn chu như bún bò huế, cơm tấm, chị Kim Long cùng các cộng sự đều cố gắng hết mình để đem lại những món ăn chất lượng nhất.
Với mức giá niêm yết là 5.000 đồng nhưng theo chị Kim Long, các cô chú, anh chị khi đến ăn có thể trả phí cho phần ăn hoặc nếu không trả tiền thì cũng… chẳng sao. Một thùng tiền nhỏ ngay trước cửa quán để khách có thể bỏ tiền tùy theo hoàn cảnh của mình.
Nói về điều đặc biệt này, chị Kim Long cho biết đôi khi các cô chú lại rất ngại khi bỏ tiền vào thùng ở phía trước cửa quán nếu như thùng tiền trong suốt, vì vậy việc làm của chị Kim Long phần nào đó giúp các thực khách thoải mái hơn khi đến dùng bữa tại quán ăn. Người có tiền nhiều bỏ nhiều, người có ít góp ít, không có cũng chẳng sao, chỉ cần để lại quán nụ cười hài lòng thay cho lời cảm ơn!
Chị Kim Long vui vẻ trò chuyện với những vị khách đặc biệt của quán cơm tùy tâm
Mặc dù với mức giá chỉ 5.000 đồng nhưng các phần ăn của quán lại vô cùng chất lượng, mọi thứ được chăm chút kỹ lưỡng đến từng chi tiết nhỏ nhất. Từ khâu chọn nguyên liệu đến vệ sinh, chế biến, tay nghề, cách phục vụ…, tất cả đều mang lại sự hài lòng, trở thành trạm dừng chân ấm áp cho những vị khách đặc biệt.
Mở quán ra là đã xác định “lỗ" nhưng “lãi" ở nụ cười
Từ ngày mở cửa chi nhánh đầu tiên với mô hình quán chay tùy tâm, chị Kim Long tiết lộ bản thân cũng nhận một số ý kiến trái chiều, họ không tin về việc làm của một người tốt.
Cũng như câu nói của ông bà ngày trước “việc nhà thì nhác việc chú bác thì siêng”, chị Kim Long cũng nhận vô số bình luận như thế.
“Vấn đề khó khăn nhất là vượt qua những định kiến của xã hội. Bởi lẽ, họ nhìn vào và đánh giá đây là việc làm không bình thường. Bình luận tiêu cực, thị phi đều có đủ trong suốt 5 năm qua. Tuy nhiên, bản thân mình xác định đang đi ngược dòng thì chấp nhận gặp khó khăn và phải tìm cách vượt qua.
Bản thân mình chỉ là hạt cát giữa cuộc đời, trước đó cũng có nhiều nhà hảo tâm, thiện nguyện cũng thực hiện những mô hình quán chay 0 đồng hay quán chay tùy tâm, nên mình chỉ thế hệ trẻ nối tiếp, phát huy việc làm tốt đẹp đó. Mình cũng từng nhận được sự giúp đỡ, những bữa cơm từ thiện giúp gia đình mình vượt qua khó khăn thì đây là lúc mình trả ơn lại cuộc đời”, chị Kim Long xúc động.
Thùng tiền tùy tâm, khách muốn trả bao nhiêu cũng được, không trả cũng chẳng sao...
Về kinh phí hoạt động quán chay, chị Kim Long cho biết nếu tính toàn bộ chi phí về mặt bằng, nhân viên cho đến nguyên liệu, mỗi tháng cũng phải ngốn cả trăm triệu đồng. Mỗi ngày kiểm tra thùng tiền thì chắc chắn sẽ không được bao nhiêu nếu so với số tiền vốn bỏ ra nhưng đó là cách để các thực khách cảm thấy không ái ngại khi tới dùng bữa.
“Từ khi mở quán mình đã không suy nghĩ về vấn đề này, bản thân mình đã lo liệu trước về tiền bạc, dự trù kinh phí đủ để mở quán thêm vài năm. Nếu có nhiều ngân sách hơn thì mình tiếp tục mở cửa chào đón các cô, chú anh chị ghé quán. Dù biết sẽ lỗ nhưng nhìn những vị khách của mình ăn ngon, thưởng thức món mà mình tự tay nấu thì vui hơn gấp bội lần", chị Kim Long hào hứng nói.
Là một vị khách thường xuyên ghé đến quán chay tuỳ tâm, chị Thư Kỳ (quận 6) cho biết mỗi tuần, chị thường ghé qua quán 2-3 lần.
“Mình biết quán qua các nền tảng mạng xã hội, khi đến dùng bữa mình thấy rất ngon. Bản thân mình đặc biệt ấn tượng với cô chủ vui tính, đồ ăn ngon và giàu chất dinh dưỡng. Những mô hình quán chay thế này sẽ giúp đỡ được rất nhiều trường hợp khó khăn”, chị Thư Kỳ chia sẻ.
Mỗi ngày, quán chay tuỳ tâm đón hàng trăm lượt khách. Nhìn những cô chú lớn tuổi, lao động phổ thông, đôi khi là các bạn học sinh, sinh viên hoặc những vị khách đam mê ẩm thực chay tìm đến quán, chị Kim Long vô cùng xúc động.
Chị Kim Long hi vọng bản thân sẽ có đủ sức khỏe, tiếp tục duy trì và phát triển mô hình quán cơm tùy tâm nhiều hơn nữa...
Hơn ai hết, chị hiểu và cảm nhận được việc làm của bản thân phần nào đó đã san sẻ một chút ít khó khăn với mọi người trong cuộc sống. Những lời cảm ơn, cái gật gù khen ngon của những vị khách đặc biệt là động lực để chị Kim Long duy trì quán cơm.
Có thể đối với nhiều người, một bữa cơm tuỳ tâm không quá to lớn nhưng với người lao động phổ thông, vô gia cư…, nó là bữa cơm ấm lòng, giúp họ có thêm niềm tin để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Cảm ơn quán cơm tuỳ tâm, cảm ơn những việc làm đầy tử tế mà vợ chồng chị Kim Long đã miệt mài làm suốt 5 năm qua trong hành trình sẻ chia đến với mọi người. Mong rằng những quán cơm ấm áp, đầy yêu thương như thế này sẽ ngày một nhiều hơn ở Sài Gòn, mảnh đất không thiếu bất cứ thứ gì nhất là sự tử tế và lòng bao dung.