Trông vẻ ngoài kỳ dị, đáng sợ nhưng thực chất loài cua này là đặc sản nổi tiếng.
Mới đây, một nhà hàng hải sản ở đường Ngô Đức Kế (quận 1, TP.HCM) đã khiến nhiều thực khách bất ngờ khi xuất hiện những con cua có kích thước "khủng" và vẻ bề ngoài trông dữ tợn. Qua quan sát, những con cua này có vỏ ngoài màu đen, nâu sẫm pha lẫn xanh, tím vàng, hai càng trước rất to. Chúng trông rất khỏe mạnh và được nhốt riêng từng lồng khác nhau để tránh việc cua kẹp nhau, đánh nhau.
Chia sẻ với báo chí, chủ nhà hàng hải sản này cho biết đây là lần đầu tiên nhà hàng nhập loại cua này về sau thời gian dài tìm kiếm nguồn để đặt hàng. Chúng được gọi là cua dừa, có trọng lượng từ 1,5 - 2kg, chiều dài sải chân khoảng 40-50 cm. Sau khi biết thông tin, nhiều khách hàng đã nhanh tay đặt hàng, một số khác qua nhà hàng xem loại cua này vì tò mò.
Cua dừa được bán tại một nhà hàng hải sản ở TP.HCM
Được biết, nhà hàng bán cua dừa với giá 6-7 triệu đồng/kg, tính ra mỗi con cua có giá hơn chục triệu đồng nhưng vẫn có nhiều khách đặt trước để thưởng thức loài cua độc - lạ. Dù có vẻ bề ngoài trông đáng sợ, hung dữ nhưng thịt cua rất thơm ngon, có thể chế biến nhiều món như đút lò phô mai, sốt tiêu kiểu Singapore, cháy tỏi, nấu cháo…
Theo tìm hiểu, cua dừa loài động vật chân đốt lớn nhất thế giới. Cua dừa được phát hiện trên các hòn đảo của Ấn Độ Dương và một phần ở Thái Bình Dương phía đông quần đảo Gambier.
Cua dừa có 2 càng rất to, có thể leo cây thoăn thoắt
Thức ăn của chúng là các loại hoa quả, đặc biệt là quả dừa. Nhờ vào các khớp chân khỏe và cặp càng rắn chắc giúp cho chúng có thể leo lên tận ngọn dừa, bổ toạc lớp vỏ để ăn phần cơm dừa bên trong. Ngoài ra, chúng ăn không sót thứ gì, cả lá, quả thối, trứng rùa, sinh vật chết, vỏ các loài động vật khác vì giàu canxi. Những con vật chậm chạp như rùa biển cũng trở thành miếng mồi ngon của cua dừa.
Cua dừa sinh sản từ tháng 5 đến tháng 9, đặc biệt là vào tháng 7 và tháng 8. Chúng giao phối trên cạn, sau khi trứng nở, con cái sẽ di cư ra biển để sinh sản. Các ấu trùng phù du sẽ có một thời gian sinh sống dưới biển trước khi chuyển hẳn lên cạn.
Nhờ vào các khớp chân khỏe và cặp càng rắn chắc giúp cho chúng có thể leo lên tận ngọn dừa, bổ toạc lớp vỏ để ăn phần cơm dừa bên trong.
Tuổi thọ của chúng có thể được hơn 60 năm. Giống như loài tôm ở nhờ, các con cua dừa khi còn nhỏ thường sử dụng các vỏ ốc trống để bảo vệ bản thân. Tùy vào môi trường sống mà màu sắc của cua dừa trên các đảo có sự khác nhau, từ màu đỏ da cam đến tím xanh. Trong đó, chiếm hầu hết các vùng, màu xanh da trời thường là màu sắc chủ đạo.
Nhiều người nghĩ rằng cua dừa không ăn được nhưng thực chất thịt của chúng dày, chắc, thơm ngọt, rất ngon. Ngoài ra, trong thịt cua có chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể. Chính vì vậy, nhiều người dân bản địa tại các ốc đảo thường sử dụng cua dừa trong các bữa ăn chính.