Một khu lăng mộ ở Tân Mỹ từ lúc khởi công đến khi hoàn thiện mất tầm vài tháng hoặc hơn một năm.
Trong số loạt lăng mộ hoành tráng và xa hoa tại Thừa Thiên – Huế, ngoài “thành phố ma An Bằng”, chúng ta phải kể đến những ngôi mộ tiền tỷ tại thôn biển nghèo Tân Mỹ (Quảng Ngạn, Quảng Điền). “Quê tôi và An Bằng dù ở cách xa nhau nhưng có rất nhiều điểm trùng hợp đến ngỡ ngàng mà không ai có thể lý giải được. Đó là đều là làng chài ven biển nghèo rồi phất lên nhờ con cháu ở nước ngoài gửi tiền về để xây dựng nhà cửa, sắm ô tô sang. Sau đó người dân bắt đầu “sinh” lễ nghĩa, làm mộ lớn để thành kính nhớ đến tổ tiên”, anh Nhân Nghĩa (46 tuổi) – một người dân tại làng Tân Mỹ cho biết.
Người dân tại Tân Mỹ xưa vốn sống bằng nghề đi biển, vất vả mưu sinh nhưng chỉ đủ ăn qua ngày. Song hai chục năm trở lại đây, cả thôn bỗng giàu lên nhanh chóng nhờ vào nguồn tiền của con cháu gửi về từ nước ngoài. “Ở làng này, hộ gia đình nào cũng có người thân sinh sống và làm việc ở Mỹ cùng một số nước châu Âu”, anh Nhân Nghĩa giải thích thêm.
Khu lăng mộ hoành tráng tại làng Tân Mỹ.
Nhờ nguồn tiền đó, người dân thôn Tân Mỹ quyết định xây dựng khu lăng mộ nguy nga, tráng lệ có mức chi phí lên tới hàng tỷ đồng. Thậm chí có ngôi mộ giá trị bằng ngôi nhà hai tầng, được trang hoàng vô cùng đẹp, sang trọng khiến ai lần đầu chiêm ngưỡng cũng phải thốt lên: “Thật hoành tráng!”.
Mộ ở thôn Tân Mỹ được xây dựng trên khu đất rộng hàng trăm mét vuông, được ốp sành theo kiến trúc chùa chiền xứ Huế có nhiều tiểu cảnh và hình tượng tứ linh: Long – Ly – Quy – Phụng. Anh Nhân Nghĩa cho hay: “Mỗi gia đình ở làng đều có khu lăng mộ riêng, gồm nhiều ngôi mộ nhỏ. Họ tuỳ vào số lượng người trong gia đình và điều kiện kinh tế mà xây dựng lăng mộ có độ hoành tráng khác nhau. Song chủ yếu ở đây nhà nào cũng xây dựng khu lăng mộ với diện tích khủng, trang trí đẹp mắt với chi phí lên tới vài trăm triệu, vài tỷ đồng. Vì thế một số người cũng ví làng tôi giống như một thành phố ma”.
Lăng mộ được xây dựng ngay cạnh nhà dân.
Một khu lăng mộ ở Tân Mỹ từ lúc khởi công đến khi hoàn thiện mất tầm vài tháng hoặc hơn một năm. Đáng nói gia đình nào muốn xây dựng nhanh cũng không thể được bởi tùy vào quy mô cũng như thời tiết. Nếu thời tiết thuận lợi, thợ có thể khẩn trương xây, trang trí và chạm tiết hoa văn… Còn nhà nào khởi công trúng mùa bão lũ sẽ phải trì hoãn rất lâu.
“Một số dân tứ xứ nói rằng người ở làng Tân Mỹ “cậy con cậy cháu” đi nước ngoài nên xây lăng mộ hoành tráng để phô trương với thiên hạ. Nhưng thật tâm, chúng tôi xây dựng vì đơn thuần muốn tri ân, nhớ đến tổ tiên bởi xưa nay các cụ có câu “phú quý sinh lễ nghĩa” mà”, người đàn ông miền Trung quả quyết.
Các họa tiết trang trí được chạm khắc vô cùng tỉ mỉ và đẹp mắt.
Ngoài khu lăng mộ, các dòng họ trong thôn biển Tân Mỹ còn xây dựng nhà thờ họ riêng. Và đương nhiên kiến trúc, quy mô lẫn độ hoành tráng chẳng thua kém các lăng mộ. Họ cũng dựng thêm nhiều tiểu cảnh khác như hồ nước, hòn non bộ... khiến cả thôn trở nên đẹp đẽ và giàu sang hơn hẳn.
“Hiện thanh niên trong làng đã theo người thân ra nước ngoài định cư, lao động. Trong làng chỉ còn người lớn tuổi và trẻ em, sống bằng nguồn tiền người thân gửi về mỗi tháng. Thậm chí nhiều hộ gia đình đã bỏ hẳn nghề đi biển, dành thời gian chăm chút nhà thờ họ của dòng tộc, chăm sóc các khu lăng mộ”, anh Nhân Nghĩa nói.
Hiện nhiều hộ gia đình đã bỏ hẳn nghề đi biển, dành thời gian chăm chút nhà thờ họ của dòng tộc, chăm sóc các khu lăng mộ.
Thôn biển Tân Mỹ không phải địa điểm du lịch tại Thừa Thiên – Huế, song vài năm trở lại đây nơi này đã thu hút rất nhiều du khách ghé tới tham quan và “mục sở thị” hàng loạt khu lăng mộ cũng như nhà thờ của các dòng họ. Đây cũng là lý do khiến ngành du lịch ở nơi này được thúc đẩy mạnh.