Hiện nay, dù kẻ bắt cóc cháu Gia Bảo đã bị bắt tuy nhiên khi biết được những việc làm, hành động trước đó của nghi phạm ai cũng bất ngờ.
Sau khi thực hiện vụ bắt cóc cháu Nguyễn Cao Gia Bảo ở TP Bắc Ninh hơn 1 ngày, Nguyễn Thị Thu (32 tuổi, ở Cao Bằng) đã bị cơ quan công an bắt giữ, cháu bé được giải cứu thành công. Những hành động che giấu được hành vi của nghi phạm Thu đã khiến những người trực tiếp giáp mặt không khỏi bất ngờ.
Đầu tiên, khi Thu đưa bé Gia Bảo về xóm trọ, một người sống cạnh phòng của nghi phạm nhìn thấy cháu bé nhưng lại không biết rằng đó là nạn nhân của vụ bắt cóc. “Thu nói đó là con trai mình. Cháu bé cũng không quấy khóc, đòi về mà Thu nói gì nghe đấy”, người cùng xóm trọ nói.
Khi Thu đưa bé Gia Bảo về Tuyên Quang, nghi phạm cùng người yêu là Đặng Văn Bằng (33 tuổi) đưa bé đi xóm Chợ, xã Xuân Văn, Yên Sơn, Tuyên Quang để mua quần áo. Tại đây, toàn bộ hoạt động của nghi phạm đều đã được camera ghi hình. Mới đây, đoạn clip này được chia sẻ lên mạng xã hội.
Anh Sơn, chủ cửa hàng quần áo nơi đã ghi lại hình ảnh của cặp đôi Thu - Bằng cùng cháu bé, cho biết: “Tôi vô cùng bất ngờ khi biết khách hàng mua quần áo nhà mình chính là kẻ bắt cóc. Thật sự khi giáp mặt Thu và cháu bé tôi không nhận ra vì họ đi với nhau và có hành động rất tình cảm. Cứ như là một gia đình vậy”.
Hình ảnh ghi lại cảnh Thu và Bằng dẫn theo cháu bé Gia Bảo đi mua quần áo tại chợ chiều ngày 22/8.
Theo anh Sơn, trước khi cặp đôi này dẫn bé Gia Bảo vào mua quần áo, bản thân anh có đọc được vụ bắt cóc ở Bắc Ninh, nhưng do mải bán hàng anh không để ý rõ mặt cháu bé nên anh không phát hiện ra.
“Thu và Bằng chở cháu bé đến cửa hàng tôi bằng xe máy, hai người thản nhiên chọn quần áo còn cháu bé chạy nhảy khắp cửa hàng. Khi xem lại camera tôi còn thấy cháu không đeo khẩu trang. Thời điểm đó, Thu xưng “mẹ - con” và cháu bé cũng nghe lời nên chúng tôi không có chút nghi ngờ nào.
Thậm chí khi thanh toán tiền xong, Thu còn nói với cháu bé rằng: “Lên lưng mẹ cõng”. Thấy vậy, tôi còn trêu lớn thế rồi để cháu tự đi việc gì phải cõng. Rời quán quần áo họ còn đi mua dép, ngồi ăn chè ở quán đối diện, nhưng xe vẫn đề nhờ trước shop quần áo nhà tôi. Quả thật, nhìn họ giống một gia đình hơn là kẻ bắt cóc nên chẳng ai nhận ra”, anh Sơn nói.
Đến tối khi đọc trên mạng xã hội, anh Sơn thấy thông tin bắt được đối tượng bắt cóc nên xem kỹ thông tin và giật mình phát hiện đó chính là người đã mua hàng nhà mình. “Tôi đọc thông tin thì giật mình, vội vàng ngồi dậy check camera và xác định chính xác đó kẻ bắt cóc trẻ con đã đến cửa hàng để mua quần áo”, anh Sơn chia sẻ.
Anh Sơn có phần áy náy bởi nếu anh để ý hơn thì có lẽ đã giúp công an sớm bắt được nghi phạm, nhưng dù sao cuối cùng cháu bé đã an toàn, đó là điều ai ai cũng mong muốn.
Phụ huynh cần lưu ý để phòng bắt cóc trẻ em Hiện nay, đa số các vụ việc bắt cóc trẻ em đều có điểm chung là không có bố mẹ bên cạnh. Vì thế, việc đầu tiên các bậc phụ huynh cần làm là không rời mắt và tách riêng trẻ khỏi bố mẹ. Ngoài ra các chuyên gia về trẻ em cũng khuyến cáo cần phải dạy cho trẻ một số kỹ năng cơ bản: - Không lại gần, tiếp xúc với người lạ. - Hét, gào khóc thật to để gây sự chú ý và tìm kiếm sự cầu cứu: Những cụm từ mà trẻ nên hét lên là "bắt cóc", "cháy nhà", "cứu cháu với"... Tiếng hét không chỉ giúp gây chú ý mà còn là động lực để thúc đẩy trẻ vùng vẫy mạnh hơn thoát khỏi tay kẻ bắt cóc. - Ngay lập tức trẻ hãy cắn, đá, cào, cấu vào kẻ bắt cóc rồi vùng mạnh và bỏ chạy. - Trẻ phải được dạy ghi nhớ số điện thoại của bố mẹ và địa chỉ nhà, cũng như cách xử lý khi có cơ hội thoát khỏi kẻ bắt cóc. |