Đây là loại cây phổ biến ở Việt Nam, được ví như nhân sâm, có thể chế biến thành món ăn bổ dưỡng và lạ miệng.
Giảo cổ lam là loại cây mọc khắp nơi ở Việt Nam, nhiều nhất là ở vùng núi Phan Xi Păng (Sa Pa) và núi đá vôi Hòa Bình.
Theo tìm hiểu, giảo cổ lam có tên khoa học là Gynostemma pentaphyllum, cây thuộc họ bí (Cucurbitaceae). Ở Trung Quốc, cây này có có tên gọi khác là cỏ trường thọ, ở Nhật Bản gọi là phúc ẩm thảo, cây trường sinh, dền toòng, cổ yếm, ngũ diệp sâm...
Chúng có đặc điểm: cây thân thảo có thân mảnh, dễ gãy, mọc leo nhờ các tua cuốn đơn ở nách lá, có cây đực và cây cái riêng biệt; lá cây giống lá kép, có hình chân vịt khép kín, màu xanh thẫm; hoa mọc thành cụm có hình chuỳ, bông hoa nhỏ có màu trắng, các cánh hoa nở xòe rời nhau, tạo hình ngôi sao.
Từ lâu, với người đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, giảo cổ lam được coi như một loại rau rừng có mặt trong các bữa ăn thường ngày. Anh Giang (ở Hòa Bình) chia sẻ, người dân địa phương sẽ biết giảo cổ lam có 3 loại (loại 5 lá, loại 7 lá, loại 3 lá), trong đó loại 7 lá có hương vị thơm ngon nhất. Người dân đi rẫy hay vào rừng hái thứ rau này về để nấu thành nhiều món ngon như: xào tỏi, nấu canh, rán cùng trứng, luộc... Giảo cổ lam có vị hơi nhặng nhặng đắng, cộng thêm vị ngọt đầu lưỡi vô cùng lạ miệng.
Ngoài là món ăn ngon, giảo cổ lam là loại dược liệu quý. Từ xa xưa, vị thuốc này đã được vua chúa sử dụng để tăng sức khỏe, kéo dài tuổi thọ...
"Mình còn nhớ hồi nhỏ thường theo mẹ và bà đi hái rau giảo cổ lam vừa để ăn, vừa phơi khô nấu nước uống. Tưởng rằng thứ rau dại này chỉ có người dân vùng cao biết tới, không ngờ mấy năm gần được rất được ưa chuộng trên thị trường.Vì thế, bà con nơi đây tăng cường đi hái rau rừng hoặc mở rộng mô hình trồng để bán cho thương lái", anh Giang chia sẻ thêm.
Theo khảo sát, trên thị trường, giảo cổ lam tươi có giá 70.000 -90.000 đồng/kg, còn rau khô được bán với giá trung bình 140.000 - 180.000 đồng/kg, các loại mặt hàng này khá phổ biến tại đây.
Ông Duy, thôn Khuổi Đải, xã Phương Viên, Huyện Chợ Đồn, Tỉnh Bắc Kạn cho biết gia đình ông có vườn giảo cổ lam rộng hơn 4.000m2, thu nhập trên dưới một trăm triệu đồng từ loại cây này.
Trồng giảo cổ lam không mất chi phí đầu tư phân bón chỉ mất công nhổ cỏ, thu hái. Giảo cổ lam là một loại dây leo vì vậy nên trồng ở nơi có những mỏn đá, diện tích rộng hoặc sườn dốc để cây phát triển tốt. Cây phát triển mạnh từ tháng 2 đến tháng 7, mùa đông cây giảo cổ lam phát triển chậm. Một năm nên cắt cành cách gốc khoảng 20cm để cây ra nhánh non.
Làm giảo cổ làm khô cần lưu ý khi cắt cả dây về cần rửa sạch, phơi khô, ngắt lá, băm dây mỗi đoạn dài 1-2cm sao riêng, sau đó trộn và đóng gói cẩn thận rồi bán ra thị trường.