Có mùi hôi rất khó chịu, bị nhiều người xua đuổi nhưng ở một số địa phương, loại côn trùng “hôi hám” này lại được coi là đặc sản được dân nhậu lùng mua với giá từ 400-500 nghìn đồng/kg.
Nhắc đến bọ xít, nhiều người nghĩ ngay đến loài côn trùng gây hại cho các loại cây cối, hoa màu của nhà nông. Đặc biệt, chất dịch chúng tiết ra còn có mùi hôi, gây bỏng, rát nếu tiếp xúc với vùng da mỏng của cơ thể con người.
Loại côn trùng hôi hám được bắt làm mồi nhậu, bán với giá 500 nghìn đồng/kg.
Tuy nhiên, tại một số địa phương, loại bọ xít sống trên cây nhãn, vải lại được nhiều người yêu thích, dùng làm mồi nhậu. Thậm chí, nhiều người phải bỏ ra số tiền khá lớn để mua bọ xít về chế biến.
Anh Lê Gia Hải, trú tại Cẩm Giàng (Hải Dương) cho biết, bản thân anh rất sợ các con côn trùng nhưng đợt đi công tác ở Điện Biên được nếm thử, thấy ngon và bây giờ thì nghiện luôn.
“Vị của nó rất đặc biệt, vừa bùi vừa béo lại cay cay như bạc hà. Chưa ăn thì sợ nhưng ăn vào xong thì nghiện luôn. Năm nào tôi cũng phải nhờ bạn bè trên đó mua rồi gửi xuống cho một ít để ăn cho đỡ thèm”, anh Hải nói.
Khi chế biến xong, bọ xít có vị bùi, béo, ngậy và cay cay hấp dẫn.
Là đầu mối thu mua bọ xít tại Thuận Châu (Sơn La), anh Lương Văn Tỵ cho biết, thời gian này bọ xít có giá cao nhất vì ngon nhất. Mỗi ngày, anh thu mua được từ 20-30kg nhưng vẫn không đủ giao cho các nhà hàng, quán nhậu.
“Bọ xít ngon nhất là bọ xít non. Mùa này, các loại cây nhãn, vải ra chồi non và ra hoa, cũng là mùa sinh sản của bọ xít. Chúng hút nhựa của lá non nên con nào con nấy béo múp, ăn bùi và ngậy nên giá dao động từ 450-500 nghìn đồng/kg. Từ tháng 4-5 thì giá chỉ còn từ 350-400 nghìn đồng/kg vì khi đó bọ xít già, không ngon bằng”, anh Tỵ nói.
Bọ xít được bày bán tại một số khu chợ vùng cao với giá đắt đỏ.
Về cách bắt bọ xít, anh Tỵ cho biết, bọ xít có nhiều nhất ở vùng Sông Mã (Sơn La) vì đây là vùng trồng nhiều nhãn. Để bắt được nhiều bọt xít nhất, người dân thường đi vào sáng sớm, rung cây cho bọ xít rụng xuống đất rồi nhặt.
“Sáng sớm nên sương làm ướt cánh, bọ xít không bay được. Rung cành là rụng lả tả, chỉ việc nhặt. Vì thế, gặp phải những vườn không phun thuốc trừ sâu thì có người bắt được vài cân, bán được cả triệu đồng. Nếu đi vào tầm 10 giờ sáng trở đi thì phải dùng vợt lưới, gắn trên cây sào dài để vợt, vừa vất vả lại được ít hơn”, anh Tỵ chia sẻ.
Bọ xít được vặt cánh và đầu, ngâm qua nước muối loãng trước khi chế biến.
Là chủ quán ăn chuyên bán bánh cuốn và đặc sản Sơn La, trong đó có món bọ xít rang, anh Quàng Đoàn, trú tại TP. Sơn La cho biết, mùa bọ xít chỉ kéo dài từ tháng 2 đến tháng 5 dương lịch nên thời gian này khách vào quán, ai cũng gọi 1 đĩa bọ xít để nhậu.
Theo anh Đoàn, để có bọ xít bán, anh phải mua gom của bà con trong bản với giá 400 nghìn đồng/kg. Giá cao nhưng mỗi ngày anh chỉ mua được từ 4-5kg.
Bọ xít rang giòn trở thành món ăn được "dân nhậu" yêu thích.
Bọ xít mua về được anh Đoàn rửa qua với nước muối loãng cho bọ xít chết và sạch axit. Sau đó vặt bỏ cánh, đầu và rửa lại thật sạch, cho nước măng chua, mì chính và bọ xít lên bếp trần sơ qua rồi vớt ra. Tiếp đó, cho dầu ăn vào chảo, đun nóng và cho bọ xít vào đảo nhỏ lửa cho giòn, thêm lá chanh, mắc khén và nêm nếm gia vị vừa ăn.
Bọ xít rang chín có vị béo béo, bùi bùi, cay cay, giòn, thơm, đặc biệt là không còn mùi hôi khó chịu. Mỗi đĩa bọ xít rang lá chanh được anh Đoàn bán với giá từ 100-150 nghìn đồng, nhiều khách đến ăn xong còn đặt mua cả cân mang về chế biến dần.