Thoáng nhìn qua, nhiều người sẽ nghĩ đây là những quả cam nhưng thực tế không phải vậy. Trái hường – một loại quả rừng độc đáo đang trở thành thứ quà biếu “chuẩn tự nhiên” được nhiều người ưa chuộng.
Quảng Ngãi là địa phương có rừng tự nhiên. Do đó, thiên nhiên ban tặng cho nơi đây nhiều loại cây độc đáo, trong đó phải kể đến trái hường. Loại quả tự nhiên này chẳng những là món ăn lạ với nhiều người mà còn dần trở thành thứ quà biếu, đặc sản được ưa chuộng, giúp người dân nơi đây có thêm thu nhập mỗi vụ mùa thu hoạch.
Cây hường là loại cây mọc tự nhiên trong rừng. Theo ghi nhận, Quảng Ngãi được xem là vựa lớn của loại cây này với số lượng hàng chục ngàn cây dọc theo triền núi trong vùng, nhiều nhất ở thon Gỗ, xã Trà Thanh, huyện Tây Trà.
Cây hường là loại cây mọc tự nhiên trong rừng.
Hường cùng họ nhà cam nên nhìn bề ngoài, loại quả này khá giống những trái cam cả về kích cỡ, màu sắc. Cây hường rừng trưởng thành cao từ 2-6m, với số lượng hàng trăm trái/vụ. Thông thường khoảng 3- 4 năm, cây hường sẽ ra trái đầu tiên, mỗi đời cây sẽ có tuổi thọ trung bình từ 15 – 25 năm.
Hàng năm, cây hường ra hóa, kết trái vào tầm tháng 2 đến tháng 3 âm lịch, đến tháng 7, tháng 8 âm là mùa thu hoạch. Trái hường rất giống trái cam ở đồng bằng, chưa chín có màu xanh, khi chín có màu vàng. Trái hường không ngọt lịm như một số giống cam trồng dưới xuôi nhưng lại có mùi thơm, khi vắt nước uống có vị ngọt nhẹ, thanh, mát, dễ chịu. Nhiều năm trước đây, khi tới mùa thu hoạch, người dân địa phương thường mang vật dụng vào rừng để hứng và nhặt trái rụng mang về. Sau đó, họ mang ra chợ bán. Theo người dân nơi đây chia sẻ, thời điểm đó, do chưa nhiều người biết đến loại cây này nên giá rất rẻ, chỉ khoảng 3.000 – 5.000 đồng/chục (10 quả).
Hường cùng họ nhà cam nên nhìn bề ngoài, loại quả này khá giống những trái cam cả về kích cỡ, màu sắc.
Sau này, càng ngày mọi người càng ưa chuộng loại quả này nên trái hường được giá cao hơn. Điều này cũng đã tạo ra những thay đổi cho cuộc sống của người dân. Ngoài việc vào rừng thu lượm, hái quả mọc hoang, bà con nông dân còn mang giống cây này về trồng gần nhà, ở nương rẫy… Gia đình trồng ít thì khoảng 5 – 10 cây, nhà nào nhiều có thể trồng tới vài chục cây. Cứ đến mùa thu hoạch, mỗi hộ cũng kiếm được một khoản kha khá.
Theo chia sẻ của khách hàng, sở dĩ họ thích mua trái hường vì loại quả này lạ và quan trọng hơn là sạch, chuẩn tự nhiên 100%. Do cây hường mọc trong rừng, hoặc ngay cả khi có được trồng trên nương, rẫy, gọi là trồng nhưng do thói quen lâu không bón phân, chăm sóc gì nên vẫn là loại nông sản sạch "100%".
Trái hường không ngọt lịm như một số giống cam trồng dưới xuôi nhưng lại có mùi thơm, khi vắt nước uống có vị ngọt nhẹ, thanh, mát
"Loại quả này vắt ra lấy nước uống rất thích, dễ chịu, thanh mát lại bổ sung vitamin cho cơ thể. Thêm vào đó, ưu điểm của trái hường còn là có thể để lâu ngày và ít bị hư hỏng hơn cam nên mình hay mua về cho cả nhà cùng thưởng thức”, chị Ngọc Hạnh (35 tuổi, Quảng Ngãi) chia sẻ.
Trái hường đang ngày một được người dân ưa chuộng
Trước nhu cầu của thị trường, trái hường giờ đây cũng trở thành một trong những nguồn thu của nhiều hộ gia đình ở Quảng Ngãi. So với trước đây chỉ vào rừng thu nhặt, hái trái hường, hiện tại nhiều hộ đã trồng loại cây này nên mang lại giá trị kinh tế nhất định trong một năm. Một số hộ nông dân ở đây cũng cho biết, giá trung bình của trái hường bán tại vườn là khoảng 30.000 đồng/kg, tính ra mỗi vụ các hộ cũng thu được 5 – 7 triệu đồng. Còn mang ra bán ở vỉa hè hay các cửa hàng, trái hường có giá lên tới 70.000 đồng/kg.
Có thể nói, trái hường là một sản vật mà thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất Quảng Ngãi, chẳng những là món quà lạ của núi rừng mà còn giúp người dân cải thiện được cuộc sống.